Làm gì để tham gia chuỗi sản xuất của Samsung?
Gia công cơ khí, tôi cao tần đối với các trục Cam xe máy Yamaha, Honda tại Công ty TNHH KD Heat Technology Thái Nguyên Tại Khu Công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình). |
Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (viết tắt là Samsung) là đơn vị sản xuất toàn cầu nên rất cần các nhà phụ trợ cho mình. Thế nhưng, từ khi Samsung có mặt tại Thái Nguyên đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp (DN) nội địa nào trên địa bàn tỉnh tham gia vào chuỗi sản xuất của đơn vị này, đặc biệt là các sản phẩm điện tử công nghệ cao. Câu hỏi đặt ra là các DN nội địa cần làm gì và làm như thế nào để liên kết hợp tác sản xuất với Samsung?
Hiện nay, Samsung có nhu cầu khá lớn về các nhà cung cấp linh, phụ kiện điện tử, đặc biệt là đối với các DN nội địa. Samsung cũng đã tổ chức một số hội nghị với các DN trong nước và đưa ra danh mục hàng trăm sản phẩm linh, phụ kiện cần cung cấp để các DN trong nước (trong đó có những DN ở tỉnh ta) tham gia chuỗi sản xuất. Tuy nhiên, khi Samsung đặt ra các điều khoản về công nghệ sản xuất và vấn đề đạo đức kinh doanh, sở hữu trí tuệ… thì chưa có DN nào trong tỉnh đáp ứng được.
Được biết thời gian qua, Samsung đã có những cam kết với tỉnh trong việc tạo điều kiện để kết nối các DN địa phương làm phụ trợ cho mình, đồng thời nhiều lần đặt vấn đề liên kết sản xuất với các DN nội địa trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các DN lại chưa đáp ứng được công nghệ sản xuất. Đối với DN tư nhân Cơ khí Tân Lập (ở phường Tân Lập, T.P Thái Nguyên) là một ví dụ. Ông Bùi Xuân Dũng, Giám đốc DN cho biết: Khi Samsung có lời mời hợp tác sửa chữa các thiết bị cơ khí cho họ, phía đối tác đề nghị chúng tôi phải đầu tư mới 100% các dây chuyền sản xuất hiện có. Điều này vượt quá khả năng đầu tư của DN. Không riêng Tập đoàn Samsung mà ngay cả các công ty nhỏ của Hàn Quốc cũng đề ra yêu cầu khắt khe không kém về công nghệ đối với các đối tác... Còn ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty cổ phần (CP) Đúc Thái Nguyên (ở xã Cao Ngạn, T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Để được Công ty Hàn Quốc chấp nhận tiêu thụ 300 tấn sản phẩm đúc gang/tháng, Công ty phải đầu tư phân xưởng sản xuất mới thay thế sản xuất thủ công với tổng kinh phí 12,9 tỷ đồng. Các Công ty của Hàn Quốc dù lớn hay nhỏ cũng luôn đòi hỏi dây chuyền sản xuất phải đảm bảo duy trì ổn định, các sản phẩm đầu ra không những đạt chuẩn về chất lượng mà tỷ lệ lỗi giữa các sản phẩm phải rất thấp.
Vậy, các DN nội địa cần làm gì? Ông Choi Cheol Young, Giám đốc Công ty TNHH Seung Woo Vina (ở Khu công nghiệp Yên Bình, chuyên cung cấp khuôn điện thoại cho Samsung) cho biết: Để trở thành nhà cung cấp cấp 1 cho Samsung là không hề đơn giản. Vì thế, các DN vừa và nhỏ của tỉnh trước tiên hãy làm nhà cung cấp cấp 2, cấp 3. Mặc dù chỉ đóng góp vai trò thứ yếu đối với Samsung nhưng sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm, chất lượng, nắm tổng quát công nghệ sản xuất thì các DN sẽ tự tin hơn để trở thành nhà cung cấp cấp 1. Thực tế nhiều năm qua Bắc Ninh đã vận dụng cách làm này và đạt được những kết quả nhất định. Đó là thay vì tham vọng làm nhà cung cấp cấp 1, các DN nội địa tại Bắc Ninh chủ yếu chọn làm nhà cung cấp cấp 2, cấp 3 cho Samsung. Trước mắt tham gia liên kết sản xuất các sản phẩm, chi tiết đơn giản (cơ khí, sản phẩm nhựa, bao bì…) nhằm tạo cơ hội tìm hiểu hoạt động sản xuất và “đầu ra” của sản phẩm, từng bước nắm bắt công nghệ của Samsung. Qua đó, các DN sẽ tự nhận thấy cần phải cải tiến điểm nào. Khi đã cải tiến nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của Samsung thì sẽ đề xuất với họ để có kế hoạch hỗ trợ, tư vấn và bồi dưỡng cho DN nâng cao năng lực sản xuất. Nhờ làm tốt điều này, hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa của Samsung tại Bắc Ninh đã tăng lên 57%, cao hơn nhiều so với Thái Nguyên.
Các DN nội địa trên địa bàn tỉnh cũng cần liên kết sản xuất với nhau, thúc đẩy chuỗi cung ứng nội địa trở nên mạnh hơn. Bởi hạn chế lớn nhất của các DN hiện nay là vừa yếu về tài chính, vừa thiếu liên kết, nhất là những DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Quay trở lại trường hợp DN tư nhân Cơ khí Tân Lập không thể tham gia liên kết với Samsung do không đủ khả năng đầu tư thêm dây chuyền sản xuất mà đối tác yêu cầu. Nếu có liên kết giữa DN này với các DN cơ khí khác trong tỉnh, nhất là các công ty liên kết sản xuất với các tập đoàn nước ngoài như Công ty CP Cơ khí Phổ Yên, Công ty CP Phụ tùng máy số I… chắc chắn sẽ cộng hưởng được nguồn nhân lực, tài chính và năng lực quản trị. Từ đó làm tăng khả năng đầu tư về công nghệ, thuận lợi tham gia liên kết sản xuất với Samsung. Tuy nhiên, trên thực tế, khi bàn tới chuyện liên kết, một số DN hiện còn có tâm lý e ngại do sợ bị thua thiệt vì đối tác không có cùng chuẩn mực, công nghệ vận hành. Do đó, để thay đổi tư duy này thì vai trò của chính quyền và các hiệp hội DN trong tỉnh là rất quan trọng trong việc dẫn dắt, gắn kết giữa các DN với nhau…
Ngoài việc từng bước thay đổi công nghệ sản xuất, các DN nội địa cần chủ động tìm hiểu văn hóa kinh doanh của Hàn Quốc. Ông Ngô Quang Bình, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phụ tùng máy số I (T.P Sông Công) chia sẻ: Phần lớn các DN nội địa chưa vượt qua được vòng đánh giá của Samsung, trước hết là về sự am hiểu văn hóa kinh doanh của họ, tiếp đến là chất lượng sản phẩm. Vì thế, nếu muốn liên kết sản xuất với Samsung, các DN nội địa cần kiên nhẫn tìm hiểu, học tập về văn hóa kinh doanh, cách thức tổ chức DN từ các DN của Hàn Quốc...
Như vậy, để trở thành đối tác của Samsung đòi hỏi các DN cần phải chủ động, nỗ lực đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực sản xuất của DN. Về phía chính quyền, cần tăng cường hơn các chương trình xúc tiến, chính quyền phải vừa là cầu nối, vừa là cơ quan giám sát việc thực hiện quá trình kết nối, tiếp cận công nghiệp hỗ trợ quốc tế. Chính sự “bắt tay” giữa Samsung với tỉnh trong việc thực hiện tư vấn, hỗ trợ, chuyển giao công nghệ sẽ mang lại nhiều giải pháp thiết thực, trực tiếp giúp các DN nội địa nắm bắt được cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung. Ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Sở Công Thương kiến nghị: Tỉnh cần có chương trình liên kết đào tạo nhân lực (gồm cả lý thuyết và thực hành với Samsung), với mục tiêu đào tạo ra các chuyên gia tư vấn người Việt Nam có đủ năng lực để tư vấn và đào tạo lại cho các DN nội địa trong ngành công nghiệp phụ trợ sản phẩm công nghệ cao.