Lời giải nào cho bài toán phát triển công nghiệp vùng khó? (Kỳ 2)
Do bất cập về quy hoạch, nhiều CCN không thu hút được nhà đầu tư, gây lãng phí tài nguyên. Trong ảnh: CCN Đu - Động Đạt (Phú Lương) phải chuyển đổi công năng thành công năng thành khu dân cư, thương mại, dịch vụ, TTCN và trưng bày sản phẩm CN, TTCN gắn với phát triển du lịch tâm linh Đền Đuổm. |
Có nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan đang tạo ra rào cản đối với chiến lược phát triển công nghiệp (CN) ở các huyện miền núi, vùng cao của tỉnh. Trong đó, đáng chú ý là các rào cản liên quan đến quy hoạch, đầu tư hạ tầng, chính sách hỗ trợ, chất lượng lao động… Thực tế cho thấy, chính quyền các địa phương đang “lực bất tòng tâm” dù biết rằng những rào cản đó có thể giải quyết.
Đâu là rào cản?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, có nhiều nguyên do khiến CN-TTCN ở các huyện vùng cao, miền núi chậm phát triển. Trước hết là các địa phương này điều kiện phát triển kinh tế - xã hội kém thuận lợi hơn các địa phương khác như nằm cách xa trung tâm tỉnh lỵ (trung bình từ 30-40km), địa hình đồi núi chia cắt khiến giao thông và giao thương gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nơi đây tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao, hoạt động sản xuất CN còn manh mún, nhỏ lẻ. Những khó khăn nội tại khiến các địa phương này chưa đủ điều kiện để quy hoạch và phát triển khu CN, kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Ngoai khó khăn đặc thù, CN của các huyện này còn chịu nhiều rào cản khác. Trong đó, những bất cập trong quy hoạch CN, đặc biệt là quy hoạch CCN khiến CN không phát triển bài bản và bền vững.
Thời gian qua, việc thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng và dự án sản xuất vào CCN chưa được như mong đợi. Đơn cử là CCN Quang Sơn 2 (Đồng Hỷ), An Khánh 2 (Đại Từ), Sơn Phú (Định Hóa) và Đu - Động Đạt (Phú Lương) thời gian gần đây phải đưa ra khỏi quy hoạch vì nằm xa quốc lộ, có nhiều đồi núi hiểm trở, nguồn nguyên liệu sản xuất không đảm bảo. Sau khi khảo sát và phát hiện những bất cập này, tỉnh đã ban hành Đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch CCN tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Dù vậy, theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mới vẫn chưa thực sự phù hợp. Cụ thể, CCN Yên Lạc (Phú Lương) mặc dù vừa mới được quy hoạch bổ sung nhưng chính quyền địa phương đang nghĩ tới phương án tiếp tục đề nghị điều chỉnh vị trí CCN từ xã Yên Lạc sang xã Tức Tranh để tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư do gần T.P Thái Nguyên và có địa hình bằng phẳng hơn.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG: Điều kiện tiên quyết thu hút DN đầu tư sản xuất, kinh doanh đó là mặt bằng sạch, hạ tầng được chuẩn bị tốt, đồng thời, cắt giảm tối đa những thủ tục hành chính rườm rà cho DN.
Ông Ma Đình Đối, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa: Hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn, một số vị trí quy hoạch CN nằm cách xa các tuyến đường huyết mạch, chưa có vùng nguyên liệu tập trung… đang cản trở các DN tìm đến khai thác tiềm năng của Định Hóa nói riêng cũng như các huyện vùng cao, miền núi nói chung. |
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG: Điều kiện tiên quyết thu hút DN đầu tư sản xuất, kinh doanh đó là mặt bằng sạch, hạ tầng được chuẩn bị tốt, đồng thời, cắt giảm tối đa những thủ tục hành chính rườm rà cho DN. |
Ông Trần Anh Sơn, Trưởng phòng Quản lý CN (Sở Công Thương): Thời gian tới, tỉnh cần có thêm nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển CN-TTCN, nhất là với các huyện vùng cao, miền núi, nơi điều kiện phát triển CN còn nhiều khó khăn. |
Ngoài vấn đề quy hoạch CCN, hiện nay, các huyện vùng cao, miền núi còn chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất, ngay cả đối với các ngành chế biến chè, gỗ vốn là thế mạnh của các địa phương nhằm thúc đẩy CN chế biến nông, lâm sản. Tính đến thời điểm này, một số huyện như Phú Lương, Đại Từ, Định Hóa mới chỉ xác định được vị trí quy hoạch vùng nguyên liệu mà chưa lập quy hoạch chi tiết về quy mô, diện tích, trữ lượng và tiêu chuẩn sản xuất khi vùng nguyên liệu được hình thành. Từ đó, nhiều vùng nguyên liệu phát triển theo hướng tự phát, quy mô nhỏ, manh mún nên không đủ tiềm lực đáp ứng cho xây dựng các nhà máy chế biến.
Bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc HTX Chè La Bằng (Đại Từ) chia sẻ: Mặc dù trụ sở HTX đặt ngay tại một trong những vùng có diện tích chè lớn của tỉnh, thế nhưng, điều đó không có nghĩa rằng nguồn nguyên liệu đầu vào của HTX dồi dào. Bởi lẽ diện tích và kỹ thuật làm chè của người dân vẫn chưa thực sự đồng đều. Trung bình, mỗi hộ chỉ có từ vài trăm đến vài nghìn mét vuông trồng chè. Thực trạng này khiến mục đích phát triển cơ sở chế biến chè quy mô tập trung của HTX là rất khó.
Bên cạnh đó, rào cản về cơ sở hạ tầng cũng khiến cho ngành CN của các huyện này thêm khó khăn. Hiện nay, kết cấu giao thông của nhiều huyện chưa đảm bảo cho giao thương, vận chuyển hàng hóa. Một số tuyến đường huyết mạch đi qua các huyện như Quốc lộ 37, Tỉnh lộ 270 và 261 (Đại Từ), Quốc lộ 3C (Định Hóa) dù đã được nâng cấp nhưng còn khá chật hẹp; Quốc lộ 17 và Quốc lộ 1B (Đồng Hỷ) cũng không đủ đáp ứng cho những xe có trọng tải lớn lưu thông. Ngoài ra, hạ tầng bên trong CCN của các huyện chưa được đầu tư hoàn chỉnh, thiếu đường giao thông, điện, nước và khu xử lý nước thải tập trung. Nguyên nhân là bởi các huyện chưa thu hút được nhà đầu tư sơ cấp có đủ năng lực tài chính và trình độ đầu tư. Dẫn đến nhiều CCN bị bỏ hoang, nếu có hoạt động thì cơ sở hạ tầng cũng tương đối nghèo nàn. Với các dự án ngoài CCN, hiện nay, các huyện vùng khó còn thiếu quỹ đất CN riêng. Vì thế, nhiều nhà đầu tư đang gặp khó khăn về công tác đền bù, giải tỏa mặt bằng để xây dựng nhà xưởng, nhất là đối với các dự án thỏa thuận đền bù. Ngoài những rào cản nói trên thì trình độ lao động hạn chế, thủ tục hành chính liên quan tới đầu tư hạ tầng, sản xuất tại CCN chưa được thông thoáng... cũng là nguyên nhân khiến CN chưa phát triển mạnh tại các địa phương này.
Từ trước đến nay, mặc dù tỉnh đã có nhiều quan tâm, hỗ trợ đến các huyện miền núi, vùng cao, tuy vậy, về lĩnh vực CN thì vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Đó là: hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN; hỗ trợ vùng nguyên liệu về giống, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm gắn với chế biến; hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn về vốn để mở rộng sản xuất, đầu tư khoa học công nghệ… Vì thế, với nội lực còn khiêm tốn, các huyện nghèo chủ yếu trông chờ vào nguồn quỹ Khuyến công Quốc gia, vốn được phân bổ khá hạn hẹp. Những khó khăn về vốn, quy hoạch, cơ sở hạ tầng… tại các huyện vùng cao miền núi đang thực sự là rào cản khiến CN địa phương chưa thể khởi sắc.