Lời giải nào cho bài toán phát triển công nghiệp vùng khó (Kỳ 3)
Sản xuất may tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, Chi nhánh Đại Từ. |
Khó khăn trong phát triển công nghiệp (CN) là điều dễ hiểu đối với các huyện miền núi, vùng cao, tuy nhiên, theo các chuyên gia, những rào cản ấy vẫn có thể khắc phục được khi thực hiện tốt các giải pháp về quy hoạch công nghiệp, phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, chính sách hỗ trợ, hoặc những cơ chế, chính sách đặc thù khác...
Khó nhưng vẫn có hướng mở
Hiện nay, bất cập về quy hoạch là rào cản lớn nhất ảnh hưởng đến sự phát triển CN của các huyện. Do vậy, theo các chuyên gia kinh tế, để CN thực sự phát triển một cách có hệ thống, tập trung và bền vững, các huyện cần khắc phục những bất cập về quy hoạch, đặc biệt quy hoạch CCN. Trước hết, các địa phương phải tiến hành rà soát quy hoạch của tất cả CCN trên địa bàn, nhất là các CCN hoạt động kém hiệu quả. Theo đó, nội dung chính khi rà soát là sự phù hợp giữa quy hoạch ngành nghề sản xuất tại CCN và vị trí quy hoạch CCN, thể hiện qua một số điều kiện như: gần vùng nguyên liệu sản xuất, gần các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ nhằm đảm bảo cho giao thương, vận chuyển hàng hóa...
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian vừa qua, khi tỉnh có chủ trương điều chỉnh, bổ sung quy hoạch CCN tỉnh thì nhiều huyện đã xin đề xuất điều chỉnh, bổ sung ngành nghề sản xuất tại CCN trên địa bàn. Đáng nói, trong số này, Đại Từ có 3/4 CCN xin điều chỉnh ngành nghề sản xuất, nhiều nhất so với 4 huyện còn lại. Lý giải điều này, ông Lưu Văn Toán, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: Trong quá trình thu hút các DN đầu tư sản xuất vào CCN, huyện nhận thấy, việc quy hoạch ngành nghề sản xuất cần phải mở rộng để phát huy lợi thế tối đa của huyện và thu hút nhiều nhà đầu tư với đa dạng ngành nghề sản xuất. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu suất hoạt động của các CCN, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đi kèm với việc rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch CCN, việc lập quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất CN-TTCN, làng nghề là việc làm cần thiết nhằm hình thành các tổ chức sản xuất theo quy mô lớn. Trong số các địa phương trên, hiện có huyện Định Hóa đang được tỉnh triển khai xây dựng Đề án “Cánh rừng mẫu lớn” với diện tích 459,06ha tại xã Quy Kỳ. Đề án có tổng vốn đầu tư khoảng 33 tỷ đồng, chủ yếu do các DN thực hiện. Đây được xem là giải pháp gỡ khó cho huyện trong điều kiện kinh phí khó khăn mà vẫn phát huy được tiềm năng, lợi thế về CN chế biến lâm sản, dược liệu.
Ngoài Định Hóa, thì Võ Nhai, Đại Từ và Phú Lương cũng là những địa phương có diện tích rừng sản xuất lớn, do vậy, có thể nói rằng, việc hình thành vùng nguyên liệu cho chế biến lâm sản ở các huyện này là khả thi. Cùng với chế biến lâm sản thì sản xuất, chế biến chè cũng là một trong những thế mạnh của các huyện miền núi, vùng cao. Trong đó, huyện Đại Từ, Phú Lương là các địa phương có diện tích chè lớn trong tỉnh, với tổng diện tích khoảng 10.600ha cùng hơn 60 làng nghề, làng nghề truyền thống và nhiều HTX chế biến chè - lợi thế để phát triển vùng chè quy mô tập trung. Đây cũng là cơ sở để thu hút các nhà máy chế biến, cơ sở sản xuất lớn nhằm khép kín chu trình sản xuất với nguồn nguyên liệu đầu vào dồi dào.
Ông Phạm Duy Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ: Muốn phát triển CN tại các huyện miền núi, vùng cao thì cần phải tập trung đầu tư mạnh về hạ tầng giao thông và kêu gọi những DN thực sự có tâm, có tầm chuyên sản xuất, chế biến những sản phẩm có nguồn gốc từ miền núi thì mới có thể thu hút được nhà đầu tư về miền núi. Khi đó, ngành CN ở các huyện này mới phát triển được. Ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ: Tỉnh cần có cơ chế “đặc biệt” với các huyện vùng cao, miền núi như miễn thuế đất, hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng… Bên cạnh đó, để phát huy tiềm năng của địa phương, những hỗ trợ, định hướng xây dựng vùng nguyên liệu tập trung là cần thiết đối với phát triển CN chế biến nông, lâm sản. |
Cải thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông cũng được xem là giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển CN ở các địa phương này. Qua đây, sẽ giúp các huyện vùng cao, miền núi “xích lại” gần hơn với trung tâm của tỉnh, đồng thời, thuận lợi hơn trong việc mời gọi các nhà đầu tư đến các huyện để kết nối giao thương. Bởi khi đó, thời gian, chi phí vận chuyển sẽ được giảm đi đáng kể. Theo đó, các huyện cần quan tâm hơn đến hệ thống giao thông trên địa bàn, phấn đấu bê tông hóa 100% các tuyến đường liên xã. Đối với các tuyến huyết mạch đi qua địa bàn huyện là Quốc lộ, tỉnh lộ thì địa phương cần có kế hoạch đề nghị lên cấp trên bố trí nguồn vốn sửa chữa, nâng cấp nhằm tạo điều kiện kết nối giao thông, giao thương thuận lợi.
Bên cạnh đó, việc chuẩn bị tốt hạ tầng tại các CCN cũng là một trong những vấn đề quan trọng cần phải lưu tâm. Bởi lẽ, tình trạng nhiều CCN chưa có hệ thống giao thông, hệ thống cung cấp điện, nước phục vụ sản xuất và khu xử lý nước thải tập trung… đang rất khó thu hút các DN tham gia đầu tư. Ông Phan Quang Huy, Giám đốc Công ty Cơ khí và Vận tải An Huy, xã Cổ Lũng (Phú Lương) cho biết: Mặc dù nhiều DN trên địa bàn mong muốn đầu tư sản xuất vào CCN, song ở đây lại chưa có đất sạch để thuê. Còn nếu phải tự giải phóng mặt bằng và đầu tư cơ sở hạ tầng thì DN không có đủ năng lực tài chính, nhất là đối với các DN vừa và nhỏ.
Thấu hiểu những băn khoăn của các DN khi có nhu cầu đầu tư vào các CCN, ông Nguyễn Xuân Tốt, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ tỉnh cho rằng: Để CN phát triển cần có cơ chế hỗ trợ về giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch. Còn nếu để “tự bơi” trong việc thỏa thuận với dân trong giải phóng mặt bằng để xây nhà xưởng, khó mà thu hút được nhà đầu tư. Mặc dù nguồn kinh phí lập quy hoạch chi tiết không quá lớn, song các huyện khó khăn có thể nghĩ tới phương án đề nghị tỉnh hỗ trợ từ nguồn Qũy Khuyến công quốc gia hoặc xã hội hóa với nhà đầu tư. Ngoài ra, các huyện cần nhanh chóng hoàn thiện thủ tục hành chính ngay sau khi CCN được phê duyệt quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ để nhà đầu tư đăng ký thuê đất cũng như kinh doanh, sản xuất ngay.
Quan trọng hơn cả chính là cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển. Thực tế ở một số tỉnh có điều kiện tương tự như chúng ta đã triển khai thành công các chính sách hỗ trợ, trong đó có hỗ trợ phát triển CCN. Đơn cử như tỉnh Hà Tĩnh đã có chính sách hỗ trợ 2 -15 tỷ đồng đối với các CCN có giá trị san lấp từ 20-200 tỷ đồng; hỗ trợ 10% giá trị quyết toán đối với phần xây lắp công trình xử lý nước thải cho mỗi CCN; hỗ trợ từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng đối với các dự án sản xuất, kinh doanh trong CCN có tổng vốn đầu tư 10-100 tỷ đồng. Ngoài Hà Tĩnh còn có Nghệ An, Thanh Hóa cũng thực hiện giải pháp này và có những chuyển biến tích cực trong phát triển CCN, nhất là đối với các huyện nghèo khó trong tỉnh. Do vậy, dựa trên những điều kiện phù hợp, nên chăng tỉnh ta cũng xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù để kích thích phát triển CN ở các địa phương vùng khó.
Ngoài ra, theo chúng tôi, các địa phương này cũng cần tăng cường giải pháp về phát triển nguồn nhân lực đã qua đào tạo; phối hợp với các tổ chức tín dụng trên địa bàn vận dụng linh hoạt cơ chế hỗ trợ vốn vay cho các DN phục vụ sản xuất và mở rộng đầu tư; hỗ trợ các DN thông qua triển khai các chương trình khuyến công; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý đơn giản, thông thoáng cho các DN… Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu được những lợi ích thiết thực của phát triển CN, qua đó, tạo thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án…
Có thể thấy rằng, phát triển CN theo mũi nhọn, tập trung vào những khu vực thuận lợi là chủ trương đúng và phù hợp của tỉnh, song CN ở các huyện vùng cao, miền núi cũng rất cần được quan tâm đầu tư cho phù hợp bằng những giải pháp thiết thực, cụ thể. Có như vậy, CN mới phát triển nhanh, mạnh và tương đối đồng đều giữa các địa phương trên toàn tỉnh, hơn cả là đáp ứng mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, sớm đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh CN theo hướng hiện đại.
Dù còn khó khăn, nhưng một số huyện vùng khó đã bắt đầu thu hút được DN đầu tư sản xuất trên địa bàn.