Ngành Công nghiệp: Tăng trưởng trong gian khó
Sản xuất điện thoại thông minh tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên ở Khu công nghiệp Yên Bình (T.X Phổ Yên). |
Từ đầu năm đến nay, ngành Công nghiệp của tỉnh liên tiếp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, cùng với sự nỗ lực vượt khó của từng doanh nghiệp (DN), tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ để thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó hỗ trợ ngành Công nghiệp đạt mức tăng trưởng nhất định trong gian khó.
Theo thống kê, trong 5 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 254 nghìn tỷ đồng, tuy chỉ đạt 30,2% kế hoạch năm nhưng vẫn tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đóng góp lớn nhất phải kể đến là những DN hoạt động trong lĩnh vực: Sản xuất sản phẩm điện tử, vật liệu xây dựng, dệt may...
Chia sẻ về hoạt động của DN trong bối cảnh đại dịch COVID-19, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG cho biết: Dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện từ đầu năm 2020 khiến các DN hoạt động trong ngành dệt may gặp khó khăn do bị “đứt gãy” nguồn cung nguyên liệu sản xuất. Xác định không thể ngồi yên chờ đợi, TNG đã chủ động tìm kiếm các kênh nhập nguyên, phụ liệu sản xuất; tìm kiếm các đối tác lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ. Đến nay, TNG đã ký được các đơn hàng may xuất khẩu đến hết quý III/2021. Hiện tại, 13 nhà máy của Công ty đều đang “chạy” hết công suất nhằm đáp ứng tiến độ giao hàng cho đối tác.
Các cán bộ kỹ thuật vận hành Trung tâm điều khiển sản xuất tại Nhà máy Nhiệt điện An Khánh (Đại Từ).
Tương tự, các DN may khác trên địa bàn tỉnh như: Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT (Phú Bình), Công ty CP Đầu tư Quốc tế Thagaco (Đại Từ)... cũng đã ký kết các hợp đồng may xuất khẩu đến hết quý III/2021. Nhờ đó, các DN này đã khôi phục được hoạt động sản xuất, kinh doanh sau ảnh hưởng của dịch COVID-19 và đạt được những sự tăng trưởng nhất định. Ông Đỗ Ngọc Tuyến, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT thông tin: Tính đến hết tháng 5-2021, doanh thu của Công ty đạt trên 91 tỷ đồng (tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2020); bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho trên 3.500 lao động với mức thu nhập bình quân 5,3 triệu đồng/người/tháng (tăng 600 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước). Để có được kết quả này, Công ty đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa các sản phẩm...
Cùng với nhóm ngành Dệt may, nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng cũng đạt tăng trưởng khá và đóng góp tích cực vào giá trị SXCN của tỉnh trong những tháng đầu năm. Ví như, sản phẩm gạch xây dựng đạt 26,8 triệu viên, tăng 4,6% so với cùng kỳ; xi măng đạt 1,1 triệu tấn, tăng 1,5%; sắt thép các loại đạt 722,4 nghìn tấn, tăng 12,2%... Sở dĩ, nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng tăng trưởng là do những tháng đầu năm, thị trường tiêu thụ khá ổn định. Cùng với đó, nhiều dự án, công trình được khởi công xây dựng và đẩy nhanh tiến độ đã góp phần tạo điều kiện cho các DN hoạt động trong lĩnh vực này đẩy mạnh hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông Phan Đình Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cán thép Thái Trung (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên): Dịch COVID-19 khiến thép nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam bị chững lại, đặc biệt là thép từ Trung Quốc. Điều này đã mở ra cơ hội lớn về thị trường tiêu thụ thép nội địa cho Công ty. Nắm bắt cơ hội này, Công ty nâng công suất sản xuất lên 35.000 tấn thép thành phẩm/tháng, đạt 85% công suất thiết kế và tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Công nghiệp của tỉnh vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đặc biệt là một số nhóm ngành như: Khai thác khoáng sản (giảm 18,2% so với cùng kỳ); sản xuất và phân phối điện (giảm 3,1% so với cùng kỳ)... Ông Phan Bá Trường, Phó Giám đốc Sở Công Thương đánh giá: Mặc dù giá trị SXCN của tỉnh không đạt được mức tăng bình quân chung của năm nhưng vẫn tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Để có được kết quả này, ngoài sự nỗ lực tự thân của các DN thì cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành đã quyết tâm thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Để hoàn thành chỉ tiêu giá trị SXCN năm 2021, từ nay đến hết năm, ngành Công nghiệp phải đạt 586 nghìn tỷ đồng. Đây là áp lực lớn đối với tỉnh bởi tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.
Để hoàn thành mục tiêu này, trong thời gian tới, tỉnh sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp về thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Cùng với đó, ngành Công Thương cũng chỉ đạo các DN, cơ sở SXCN tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại đơn vị và cho người lao động; phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương chủ động nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, DN trong sản xuất, kinh doanh; triển khai các đề án, chương trình khuyến công; tiếp tục đề nghị các bộ, ngành Trung ương ưu tiên nguồn vốn cho các dự án công thương lớn trên địa bàn tỉnh...