Người dân lo lắng khi sống gần mỏ than
Nhà anh Hoàng Văn Hồng, xóm Cây Thổ xuất hiện nhiều vết nứt chạy dọc. |
Từ khi Công ty cổ phần Yên Phước nổ mìn khai thác than, nhiều hộ dân của xóm Cây Thổ, xã Na Mao (Đại Từ) lâm vào cảnh “ăn không ngon ngủ không yên” vì tiếng ồn, bụi than. Đặc biệt, nhiều nhà dân bị rạn nứt, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đe dọa đến tính mạng.
Nằm cách khu vực mỏ khai thác của Công ty cổ phần Yên Phước khoảng 200m, ngôi nhà cấp bốn của bà Âu Thị Lai (gần 70 tuổi), đã xuất hiện gần chục vết nứt lớn nhỏ từ đầu năm đến nay. Bà Lai bức xúc: Chúng tôi ở gần mỏ than rất khổ, thường xuyên giật mình vì tiếng nổ mìn. Tường nhà nứt, mái tôn rung lên bần bật mỗi khi có tiếng nổ lớn. Nếu trời mưa là nước sẽ thấm dột qua các vết nứt đang ngày một lớn dần. Gia đình tôi có bãi trồng keo nằm ngay dưới chân núi nhưng lâu rồi không ai dám đến chăm sóc bởi lo sợ đất đá từ trên mỏ rơi xuống. Hai vợ chồng tôi đã nhiều tuổi, nếu chuyển đi nơi khác cũng không có đất, không có tiền, hơn nữa ruộng nương, hoa màu của gia đình đều ở gần đây, còn cứ ở lại thì thấp thỏm không yên.
Cách gia đình bà Âu Thị Lai không xa là nhà của gia đình anh Hoàng Văn Hồng. Ngôi nhà là nơi sinh hoạt của 6 người (gồm: Bố, mẹ anh Hồng, vợ chồng anh cùng 2 con nhỏ) đã xuất hiện vết nứt lớn chạy dọc đầu hồi từ tháng 7, cũng là khi doanh nghiệp nổ mìn dồn dập nhất (trung bình 2 lần/ngày). Anh Hồng cho biết: Bố mẹ tôi già yếu, các con còn nhỏ mà ngày nào cũng phải hứng chịu tiếng ồn từ mỏ khai thác. Đầu năm, họ thường cho nổ mìn vào trưa và chiều, nhưng khoảng 1 tháng nay lại thường nổ vào cuối buổi chiều hoặc ban đêm. Cuộc sống của chúng tôi bị ảnh hưởng khá nhiều.
Ông Trần Văn Nguyên, Bí thư Chi bộ xóm Cây Thổ cho biết: Hoạt động khai thác than diễn ra từ đầu năm nay. Doanh nghiệp khai thác than bằng hình thức nổ mìn gây tiếng động lớn, làm rạn nứt nhà cửa và các công trình phụ trợ của 75 hộ dân trong xóm ở gần khu vực này. Bụi than cũng làm ảnh hưởng đến hoa màu của người dân, một số hộ dân có bãi chè nằm sát chân núi bị bụi than phủ kín, phải rửa nhiều nước sau khi thu hái mới bán được… Người dân đã làm đơn phản ánh lên các cấp chính quyền nhưng đến nay tình trạng trên vẫn tiếp diễn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỏ than nói trên do Công ty cổ phần Yên Phước, có trụ sở tại xã Yên Lãng (Đại Từ) quản lý, khai thác, tiếp nhận lại từ Công ty cổ phần Kim Sơn năm 2014 theo Thông báo số 1191-TB/TU của Tỉnh ủy Thái Nguyên. Mỏ có tổng diện tích gần 75ha, nằm trên địa bàn của 3 xã: Na Mao, Phú Cường và Minh Tiến, được chia thành 2 khu A và B. Trong đó, khu A thuộc địa phận xã Minh Tiến đã dừng khai thác từ cuối năm 2017. Khu B thuộc địa phận xã Na Mao, bắt đầu khai thác từ tháng 1-2018.
Điều đáng nói, đây không phải lần đầu hoạt động khai khoáng của Công ty ảnh hưởng tới đời sống của người dân. Trước đó, vào tháng 7, 8-2018 và tháng 9-2019, đất đá từ bãi thải của mỏ than thuộc Công ty cổ phần Yên Phước trôi xuống vùi lấp nhiều diện tích lúa và hoa màu của người dân. Nhiều thửa ruộng cả nghìn mét vuông bị vùi lấp hoàn toàn, không thu hoạch được, kênh mương bị hư hỏng. Sau khi có ý kiến của chính quyền và phản ánh của người dân, Công ty cổ phần Yên Phước đã thỏa thuận, hỗ trợ giá trị sản lượng lúa, hoa màu, nạo vét bùn đất, cải tạo ruộng cho người dân với tổng kinh phí năm 2018 và năm 2019 là trên 990 triệu đồng. Tuy đã được hỗ trợ một phần thiệt hại, nhưng, giải pháp khắc phục triệt để thì vẫn chưa có. Môi trường sống bị ô nhiễm, mới đây, tại khu vực chân núi phía dưới bãi đổ thải của mỏ than còn xuất hiện tình trạng nứt núi kéo dài hàng trăm mét, rộng khoảng 70-80cm, làm đổ cây cối xung quanh. Người dân sống gần khu vực này đang rất lo lắng bởi các vết nứt ngày càng rộng và kéo dài.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Na Mao cho biết: Chúng tôi đã nghĩ tới phương án di dời người dân ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng, song quỹ đất công của địa phương để tái định cư hiện không còn. Mặt dù phía Công ty đã thực hiện chi trả bồi thường cho người dân bị thiệt hại do bùn thải, nhưng việc chi trả còn chậm, và đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, không bền vững do bãi thải của Công ty như túi đất “treo” lưng chừng núi có thể sạt trượt vùi lấp nhà cửa, các công trình của người dân bất cứ lúc nào. Còn về những ảnh hưởng do mìn nổ, gây rạn nứt nhà của gần 80 hộ dân, xã đã có văn bản báo cáo lên huyện, nhưng phía Công ty vẫn chưa có ý kiến. Thời gian tới, chúng tôi đề nghị Công ty cổ phần Yên Phước tiến hành khảo sát, tiếp tục hỗ trợ thiệt hại cho người dân, đồng thời phải có giải pháp mang tính bền vững, đảm bảo đời sống cho các hộ dân sống gần khu vực mỏ khai thác; hoàn thành việc bồi thường, hỗ trợ khôi phục sản xuất cho 10 hộ dân bị ảnh hưởng do tràn bùn thải hồi đầu năm 2019. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề nghị cơ quan chức năng rà soát, đánh giá tác động môi trường của mỏ khai thác, đặc biệt là hoạt động nổ mìn…
Na Mao là một trong những xã 135 của huyện Đại Từ, trong đó Cây Thổ là xóm nghèo nhất của xã. Đời sống của người dân nơi đây vốn đã khó khăn nay lại càng thêm vất vả bởi những ảnh hưởng từ mỏ khai thác của doanh nghiệp. Khi chúng tôi thực hiện bài viết này, người dân trong xóm Cây Thổ vẫn đang chờ đợi những động thái tích cực từ các bên liên quan để ổn định cuộc sống.