Sản xuất công nghiệp ở Phổ Yên:
Nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng
Công ty CP Elovi Việt Nam ở xã Thuận Thành (T.X Phổ Yên) hiện đang sở hữu một trong những nhà máy sản xuất sữa lớn nhất Việt Nam, với công suất trên 80 triệu lít sữa/năm. Trong ảnh: Dây chuyền đóng gói sản phẩm sữa tự động của Công ty. Ảnh: T.L |
Từ đầu năm đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của T.X Phổ Yên vẫn cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đặc biệt, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn ước đạt 153.200 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó phần do thị xã quản lý ước đạt 1.655 tỷ đồng, tăng trên 10%. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn hiện nay.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế T.X Phổ Yên cho biết: Có nhiều yếu tố tác động dẫn đến giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn thị xã trong những tháng đầu năm nay tăng trưởng khá cao. Trước hết, do tác động tích cực của nền kinh tế trong và ngoài nước khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát. Đặc biệt, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên và các công ty phụ trợ trên địa bàn hoạt động ổn định trở lại đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và mở thêm hướng phát triển cho các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn. Cùng với sự năng động, nhạy bén của các DN, doanh nhân trong việc tìm hướng đi mới ở giai đoạn khó khăn thì sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền địa phương cũng góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất CN-TTCN phát triển.
Theo đó, ngay từ đầu năm, thị xã đã phối hợp với các ngân hàng, đơn vị chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; thường xuyên lắng nghe, đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN; cải cách các thủ tục hành chính nhằm nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh. Các ngành nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tiếp tục được quan tâm, khuyến khích phát triển, qua đó phát huy được tiềm năng thế mạnh, góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương. Hiện, các DN, làng nghề trên địa bàn đang tạo việc làm cho trên 87.700 lao động, với mức thu nhập bình quân đạt trên 7 triệu đồng/người/tháng.
Sản xuất hàng may mặc tại Công ty CP may Bảo Lâm, ở xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên). Ảnh: T.P
Là một DN mới đi vào hoạt động từ năm 2019 nhưng Công ty TNHH May Nam Thái Nguyên đã năng động tìm hướng đi mới, dần khẳng định thương hiệu, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Anh Lê Văn Lịch, Giám đốc Công ty cho biết: Công ty hiện có 3 dây chuyền cắt may quần áo, xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Hàn Quốc và một số nước Châu Âu, thu hút gần 100 lao động làm việc, với mức thu nhập 5-9 triệu đồng/tháng. Trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, để duy trì sản xuất cũng như giữ chân người lao động, Công ty đã chuyển sang may khẩu trang phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước. Đến nay, sau khi dịch bệnh đã dần được kiểm soát, bình quân mỗi tháng Công ty sản xuất hơn 40.000 sản phẩm quần áo để xuất khẩu. Thời gian tới, chúng tôi dự kiến sẽ mở rộng quy mô nhà xưởng, đầu tư 10 dây chuyền sản xuất và thu hút thêm khoảng 300 lao động vào làm việc.
Cùng với khối DN, các làng nghề trên địa bàn T.X Phổ Yên cũng rất nỗ lực chuyển đổi hình thức kinh doanh để duy trì sản xuất ổn định. Hiện nay, các làng nghề đang giải quyết việc làm cho hơn 7.200 lao động (cao hơn 1.200 lao động so với cùng kỳ năm trước), thu nhập bình quân đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng (cao hơn 500 nghìn đồng so với cùng kỳ). Anh Lê Văn Dũng, chủ một cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ lớn tại Làng nghề mộc mỹ nghệ Giã Trung, xã Tiên Phong cho biết: Khi dịch bệnh COVID-19 diễn biễn phức tạp, để việc sản xuất không bị gián đoạn, ảnh hưởng đến người lao động, sau khi tìm hiểu thị trường, ngoài việc sản xuất các mặt hàng giường, ghế, tủ gỗ, cơ sở đã sản xuất thêm các mặt hàng nội thất nhựa cao cấp. Với lợi thế lao động đã từng làm nghề gỗ mỹ nghệ, nên khi chuyển sang lĩnh vực này, công việc nhanh chóng đi vào ổn định, sản phẩm làm ra đáp ứng nhu cầu khách hàng. Hiện nay, cơ sở của gia đình đang hoạt động hiệu quả ở cả 2 lĩnh vực với hơn 20 lao động làm việc, xây dựng được trên 20 cơ sở phân phối sản phẩm ở các tỉnh, thành trong nước.
Trên địa bàn T.X Phổ Yên hiện có hơn 860 DN hoạt động, trong đó có 562 DN do thị xã quản lý, hoạt động ở các lĩnh vực: Công nghiệp, thương mại - dịch vụ, xây dựng… Cùng với đó, trên địa bàn cũng có 34 làng nghề và làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận tại 6/18 xã phường. Với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2021, giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn đạt 800.000 tỷ đồng (tăng 50 tỷ đồng so với năm trước), hiện nay, thị xã đang tiếp tục chỉ đạo các ngành phối hợp với các xã, phường đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm; thường xuyên tổ chức gặp mặt với các nhà đầu tư để tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, tồn tại, vướng mắc về mặt bằng; bảo đảm tốt công tác an ninh trật tự…
Cùng với thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, thị xã cũng sẽ tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư. Đồng thời, sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí khuyến công, hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật để thúc đẩy các làng nghề và làng nghề truyền thống phát triển. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các DN, làng nghề tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm cũng như tạo các cơ hội ký kết tiêu thụ sản phẩm...