Kỷ niệm 63 năm Ngày thành lập Đảng bộ Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (24/10/1959 - 24/10/2022):
Phát huy truyền thống, duy trì hiệu quả sản xuất và kinh doanh

Cập nhật: Thứ hai 24/10/2022 - 06:29
 Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Ảnh: T.L
Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Ảnh: T.L

Được thành lập ngày 24/10/1959, trải qua 63 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ công trường Khu Gang thép (nay là Đảng bộ Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) đã khẳng định vị thế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, những năm gần đây, Đảng bộ đã lãnh đạo Công ty vượt qua mọi khó khăn, thử thách, duy trì sản xuất - kinh doanh (SXKD) hiệu quả; đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Ngày 24/10/1959, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra quyết định thành lập Đảng bộ công trường xây dựng Khu Gang thép (nay là Đảng bộ Công ty CP Gang thép Thái Nguyên), với 5.000 đảng viên. Trong số đó, phần lớn đảng viên (chiếm 97%) là những cán bộ, chiến sĩ xuất ngũ chuyển ngành, đến từ nhiều miền quê trong cả nước.

Với sự giúp đỡ của Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực, cố gắng của cả đội ngũ, ngày 29/11/1963, Lò cao số 1 đã cho ra lò mẻ gang đầu tiên sau hơn 4 năm xây dựng. Đây là mốc quan trọng, đánh dấu quá trình khắc phục khó khăn, dám nghĩ, dám làm, với tinh thần tự lực cánh sinh rất cao của trên 22 nghìn cán bộ, đảng viên và người lao động trên toàn công trường Khu Gang thép.

Kể từ khi được thành lập đến nay, Đảng bộ Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã tổ chức thành công 16 kỳ đại hội. Mỗi kỳ đại hội lại có một bước tiến mới, khẳng định sự phát triển của Công ty.

Trong quá trình phát triển, bên cạnh một số mặt thuận lợi, Đảng bộ Công ty cũng gặp không ít khó khăn, thử thách ở các giai đoạn khác nhau, như: Giai đoạn vừa chuẩn bị vừa xây dựng (1959-1964); giai đoạn vừa sản xuất vừa chiến đấu (1965-1975); giai đoạn vừa khắc phục khó khăn vừa thể nghiệm hướng đi mới, trong hoàn cảnh cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội (1976-1985) và giai đoạn tiếp cận cơ chế mới, đổi mới thiết bị công nghệ, phát huy nội lực và hội nhập để phát triển (1986 đến nay)...

Dây chuyền sản xuất thép cán của Nhà máy Cán thép Lưu Xá, đơn vị thành viên thuộc Công ty. Ảnh: T.L

Trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt kể từ khi chính thức chuyển mô hình hoạt động SXKD từ doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần (năm 2009 đến nay), Công ty đã thích ứng nhanh và thành công với mô hình quản lý mới. Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ và HĐQT Công ty, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều vượt kế hoạch. Nhiều chỉ tiêu tăng trưởng từ 10-15% so với trước khi cổ phần hóa; nội bộ ổn định, công tác xây dựng Đảng và hoạt động của các đoàn thể quần chúng tiếp tục được thực hiện đồng bộ theo mô hình quản lý mới.

Từ năm 2020 đến nay, mặc dù Công ty gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội, trong đó có chuỗi sản xuất, chuỗi lưu thông nguyên vật liệu và hàng hóa; việc thực hiện các dự án, công trình, hoạt động SXKD của các nhà máy gặp khó khăn lớn, cạnh tranh ngày càng gay gắt, song Đảng ủy, HĐQT có sự đồng bộ, thống nhất trong lãnh đạo chỉ đạo. Song song với đó, Ban giám đốc điều hành quyết liệt, chủ động, linh hoạt, tập trung đầu tư có trọng điểm, cải tiến thiết bị phục vụ sản xuất, thay đổi tư duy, tạo điều kiện phát huy năng suất, cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập cho người lao động.

Kết quả trong năm 2021, nhiều chỉ tiêu SXKD chủ yếu của Công ty vượt so với kế hoạch năm. Trong đó, tổng doanh thu đạt 18.397 tỷ đồng, vượt 42% so với kế hoạch, tăng 38% so với cùng kỳ; nộp ngân sách Nhà nước trên 453 tỷ đồng, vượt 71% so với kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt trên 150 tỷ đồng, tăng 3 lần so với kế hoạch, tăng 591% so với năm 2020; lương bình quân của người lao động đạt trên 12 triệu đồng/người/tháng...

Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp của Công ty đạt trên 9.825 tỷ đồng, bằng 71% kế hoạch năm; sản xuất và tiêu thụ gần 564 nghìn tấn thép cán các loại, bằng 74% kế hoạch năm; tổng doanh thu đạt 13.806 tỷ đồng, bằng 77% so với kế hoạch năm; nộp ngân sách Nhà nước gần 188 tỷ đồng; bảo đảm việc làm ổn định cho 3.650 lao động với thu nhập bình quân đạt khoảng 12 triệu đồng/người/tháng.

Một điểm cần nhắc đến nữa là Công ty được Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương phê duyệt chủ trương đầu tư (năm 2005) và khởi công Dự án mở rộng sản xuất Gang thép giai đoạn II (năm 2007), với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, Dự án gặp khó khăn và chậm tiến độ.

Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung xử lý dứt điểm tồn đọng, vướng mắc của Dự án để tiếp tục phát triển Gang thép Thái Nguyên trong giai đoạn tới (ngày 31/7/2022) và chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Tổng Công ty Thép Việt Nam, Đảng ủy, HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty đã chủ động chỉ đạo quyết liệt và huy động mọi nguồn lực, thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chủ động báo cáo các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị những giải pháp khả thi để xử lý dứt điểm tồn tại của Dự án; khôi phục Dự án để tiếp tục triển khai hoàn thành đưa vào sản xuất, không làm lãng phí các tài sản, nguồn vốn đã đầu tư...

Kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được sau 63 năm xây dựng và phát triển, trong thời gian tới, Đảng bộ Công ty CP Gang thép Thái Nguyên tiếp tục lãnh đạo tập trung mọi nguồn lực đảm bảo SXKD ổn định, hiệu quả, đảm bảo đời sống, việc làm và thu nhập cho gần 4.000 lao động. Đồng thời, làm tốt công tác chuẩn bị các nội dung theo chỉ đạo của cơ quan cấp trên về Dự án Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, phục vụ đàm phán có kết quả tốt, tiến tới tháo gỡ khó khăn để tiếp tục khôi phục Dự án… Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công ty khóa XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.

N.M.H
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: