Phát triển các cụm công nghiệp ở T.P Sông Công: Tín hiệu khả quan
Là một địa bàn trọng điểm về công nghiệp, những năm gần đây, cùng với việc tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh trong lĩnh vực phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), T.P Sông Công cũng rất quan tâm phát triển các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn. Thành phố coi đó là một trong những giải pháp và động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Trên địa bàn T.P Sông Công được quy hoạch 4 CCN với tổng diện tích gần 140ha (chưa tính 11ha của CCN số 5 - T.P Thái Nguyên nằm trên địa bàn phường Lương Sơn thuộc T.P Sông Công). Là địa phương có truyền thống phát triển công nghiệp, môi trường đầu tư khá thuận lợi, đồng thời có 2 KCN tập trung lớn (KCN Sông Công I và Sông Công II) nên về lý thuyết, các CCN của Thành phố có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhiều năm trước, do vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB), hạ tầng, nhất là giao thông chưa đáp ứng, các thủ tục liên quan đến đầu tư chưa thông thoáng nên kết quả thu hút doanh nghiệp vào các CCN trên địa bàn hạn chế. CCN Khuynh Thạch có diện tích 40ha và CCN Nguyên Gon có diện tích 16,6ha đều được quy hoạch từ năm 2004, triển khai từ sớm nhưng sau nhiều năm vẫn chỉ có một vài doanh nghiệp thuê đất. Trong khi đó, CCN Bá Xuyên cũng được quy hoạch từ năm 2004 (diện tích 48,5ha) nhưng sau hơn 10 năm vẫn chưa được đầu tư hạ tầng, còn CCN- Dịch vụ Lương Sơn (diện tích 34,5ha) mới được bổ sung vào quy hoạch.
Nhưng thời gian gần đây, việc thu hút chủ đầu tư hạ tầng và dự án thứ cấp vào các CCN trên địa bàn T.P Sông Công có những khởi sắc rất đáng kể. Năm 2013, Công ty TNHH Doosun Việt Nam (vốn đầu tư Hàn Quốc) được cấp phép triển khai dự án nhà máy sản xuất vỏ hộp điện thoại trên diện tích khoảng 3ha tại CCN Nguyên Gon. Công tác GPMB và hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục pháp lý cho nhà đầu tư diễn ra nhanh chóng nên ngay năm sau, nhà máy đã đi vào hoạt động. Đến năm 2018, Công ty đề nghị mở rộng thêm 1,4ha và cũng được cấp, ngành chức năng GPMB, bàn giao đất trong thời gian ngắn. Hiện nay, doanh nghiệp này đang tiếp tục xây thêm nhà xưởng trên diện tích khoảng 3.000m2 mới được giao mặt bằng.
Được biết, cuối năm 2019, Công ty TNHH Doosun Việt Nam đã được UBND tỉnh chấp thuận là nhà đầu tư hạ tầng CCN Nguyên Gon với số vốn 94 tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu thuê đất của các nhà đầu tư thứ cấp, Công ty đang làm các thủ tục đề nghị mở rộng CCN thêm khoảng 20ha.
Trước đó, năm 2015, sau nhiều nỗ lực thu hút đầu tư của T.P Sông Công và các sở, ngành liên quan, Công ty TNHH Trung Thành đã trở thành chủ đầu tư hạ tầng CCN Khuynh Thạch. Theo thông tin từ Phòng Kinh tế T.P Sông Công, 2 CCN đã đi vào hoạt động là Nguyên Gon và Khuynh Thạch hiện có 14 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang hoạt động, tổng doanh thu năm 2019 đạt trên 1.000 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 1.500 lao động. Tỷ lệ lấp đầy CCN Nguyên Gon hiện đạt 90%, Khuynh Thạch đạt trên 50% và có khá nhiều doanh nghiệp đang quan tâm tìm hiểu để thuê đất tại 2 CCN này.
Cụm công nghiệp Bá Xuyên (xã Bá Xuyên, T.P Sông Công) đang được giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng.
Đối với CCN Bá Xuyên, đến cuối năm 2018 đã có chủ đầu tư hạ tầng là Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Minh Tuân với tổng vốn được phê duyệt là 431 tỷ đồng. Sau khi hoàn thiện các thủ tục, chủ đầu tư đã tích cực phối hợp với cấp, ngành liên quan GPMB, triển khai xây dựng tại phần đất đã được bàn giao. Anh Nguyễn Ngọc Hải, đại diện Công ty cho biết: Trong quá trình làm thủ tục pháp lý và GPMB, chúng tôi luôn được chính quyền và các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, tạo điều kiện, phối hợp kịp thời. Công ty đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ Dự án bởi có nhiều nhà đầu tư chờ thuê đất… Riêng CCN - Dịch vụ Lương Sơn dù mới quy hoạch nhưng hiện đã có ít nhất 2 doanh nghiệp đề nghị được làm chủ đầu tư hạ tầng.
Nói về những khởi sắc gần đây trong thu hút đầu tư vào các CCN trên địa bàn, ông Ngô Quảng Bá, Trưởng Phòng Kinh tế T.P Sông Công phân tích: Nguyên nhân là 4 CCN đều nằm tại những vị trí khá đắc địa, kết nối giao thông và các hạ tầng tiện ích ngày càng tốt. Bên cạnh đó, cùng với KCN Sông Công I đã phát triển từ lâu, KCN Sông Công II (diện tích quy hoạch 250ha) đang được đẩy mạnh xây dựng hạ tầng và đã thu hút những dự án thứ cấp lớn đã tạo sức hút mạnh với các dự án quy mô vừa và nhỏ, doanh nghiệp “vệ tinh” đầu tư vào các CCN lân cận… Ngoài những yếu tố kể trên, không thể không nói đến hiệu quả của công tác cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Thành phố. Những năm gần đây, T.P Sông Công luôn đứng tốp đầu, có năm dẫn đầu tỉnh về cải cách hành chính. Theo ông Đào Duy Anh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Sông Công đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ nhà đầu tư, có trách nhiệm tiếp nhận thông tin, tư vấn, hướng dẫn, trợ giúp doanh nghiệp ngay từ đầu đến cả quá trình triển khai các dự án.
Sông Công là một thành phố “trẻ”, đô thị công nghiệp còn nhiều tiềm năng phát triển. Có thể nói, những chủ trương và giải pháp thu hút đầu tư nói chung, thu hút đầu tư phát triển các CCN của địa phương này nói riêng đang cho thấy sự đúng hướng. Những tiền đề, tiềm năng đó cần tiếp tục được phát huy để Sông Công có thêm yếu tố phát triển bứt phá, xứng đáng là một trọng điểm công nghiệp của tỉnh.