Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở Đại Từ: Tăng trưởng từng bước
9 tháng năm 2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty CP Đầu tư Quốc tế THAGACO (ở xã Bản Ngoại, Đại Từ) đạt 87,75% kế hoạch năm. |
Năm 2022, huyện Đại Từ phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) đạt gần 11.200 tỷ đồng (tăng khoảng 550 tỷ đồng so với năm 2021). Trong đó, giá trị sản xuất CN-TTCN địa phương (theo giá so sánh năm 2010) đạt trên 9.900 tỷ đồng. Để đạt được kế hoạch đề ra, cấp ủy, chính quyền cùng cộng đồng doanh nghiệp địa phương đã, đang nỗ lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động.
Kết quả sản xuất CN-TTCN của huyện Đại Từ 9 tháng năm 2022 đạt trên 7.900 tỷ đồng, tương đương 71,2% kế hoạch năm.
Đánh giá về con số này, ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đại Từ, thông tin: Kết quả đạt được thể hiện sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Bởi lẽ, hơn 3 năm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Trong đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở nhỏ lẻ với “sức đề kháng yếu” phải mất thời gian dài để hồi phục, thậm chí thời điểm hiện tại vẫn còn một số doanh nghiệp đang cố gắng lấy lại đà tăng trưởng. Tình hình này khiến tốc độ tăng trưởng CN-TTCN của toàn huyện từ đầu năm đến nay còn chậm, song vẫn tăng gần 500 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Nhìn chung, đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đã sản xuất ổn định.
Nằm trong Cụm công nghiệp Phú Lạc 2, Nhà máy may TNG Đại Từ (Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG) hiện có 35 chuyền may, với gần 2.200 lao động. 9 tháng năm 2022, Nhà máy sản xuất được khoảng 8,4 triệu sản phẩm (tăng 2,3 triệu sản phẩm so với cùng kỳ năm ngoái), tổng doanh thu tăng hơn 54%.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lưu Đức Huy, Giám đốc Nhà máy may TNG Đại Từ, thông tin: Từ việc kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh an toàn, đặc biệt là chủ động nắm bắt thị trường, nguồn nguyên vật liệu nên hoạt động của Nhà máy luôn duy trì ổn định.
Đánh giá cho thấy, hoạt động sản xuất CN-TTCN ở Đại Từ đã có những tín hiệu tích cực. Từ đầu năm đến nay, sản lượng các sản phẩm chủ yếu trong sản xuất CN-TTCN của địa phương (gồm: xi măng, gạch và sản phẩm may mặc) đều đạt từ trên 60% kế hoạch năm trở lên, đặc biệt sản phẩm gạch đạt sản lượng gần 90% so với kế hoạch năm. Ở một số doanh nghiệp, giá trị sản xuất 9 tháng năm 2022 so với kế hoạch cả năm cũng đã đạt từ trên 75-80%, như: Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo, Công ty CP Đầu tư Quốc tế THAGACO...
Theo thống kê, toàn huyện Đại Từ hiện có khoảng 1.650 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh (trong đó, doanh nghiệp có khoảng 50 đơn vị), tăng 20 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh so với cùng kỳ năm 2021. Cùng với những cố gắng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhằm thúc đẩy sản xuất CN-TTCN, huyện Đại Từ đã liên tục tổ chức các hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp. Thông qua các cuộc đối thoại này, nhiều ý kiến của doanh nghiệp đã được gửi trực tiếp đến cấp ủy, chính quyền địa phương. Từ đó, kịp thời đưa ra những giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn.
Để tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư, huyện Đại Từ cũng chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, giới thiệu tới nhà đầu tư các khu vực, địa điểm có nhiều tiềm năng, lợi thế.
Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính cũng được đẩy mạnh, các doanh nghiệp được hướng dẫn hoàn thành hồ sơ, thủ tục một cách nhanh nhất, đảm bảo tính pháp lý. Ngoài ra, huyện còn tích cực phối hợp với các cơ sở, doanh nghiệp tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Với 3 cụm công nghiệp hiện tại và 2 cụm công nghiệp đề xuất đưa vào quy hoạch, đến nay, 3 nhà thầu đã nộp hồ sơ xin đầu tư Cụm công nghiệp Hà Thượng, 2 nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu đầu tư Cụm công nghiệp Quân Chu và Cụm công nghiệp Cát Nê.
Dự báo, từ nay đến cuối năm, giá trị sản xuất CN-TTCN sẽ tăng trưởng cao hơn, do đây là thời điểm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tăng trưởng mạnh. Do vậy, sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện Đại Từ hoàn toàn có thể kỳ vọng có những bứt phá hơn nữa. Qua đó, đưa giá trị sản xuất những tháng cuối năm tăng cao, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và địa phương nói riêng.