Siết chặt quản lý khai thác khoáng sản

Cập nhật: Thứ sáu 24/07/2020 - 10:02
 Thời gian qua, hoạt động của các bến bãi tập kết và vận chuyển cát, sỏi tại khu vực cảng Đa Phúc (thuộc địa bàn xã Thuận Thành, T.X Phổ Yên) dần đi vào nền nếp. Ảnh: CTV
Thời gian qua, hoạt động của các bến bãi tập kết và vận chuyển cát, sỏi tại khu vực cảng Đa Phúc (thuộc địa bàn xã Thuận Thành, T.X Phổ Yên) dần đi vào nền nếp. Ảnh: CTV

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, đưa hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn được cấp phép trong lĩnh vực này từng bước đi vào nền nếp, theo đúng quy định của pháp luật, thời gian qua, T.X Phổ Yên đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Qua đó kịp thời phát hiện, xử lý và ngăn chặn các hoạt động khai thác, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ trái phép.

Trên địa bàn T.X Phổ Yên có 2 con sông lớn chảy qua là sông Cầu và sông Công; có 5 doanh nghiệp đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát, sỏi với tổng diện tích trên 174ha, gồm: Công ty TNHH Trường Phát (nay đã chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản cho Công ty TNHH An Phú), Công ty TNHH Đại Hữu và Dầu khí, Công ty TNHH Khai khoáng Dũng An Phát, Công ty TNHH Xây dựng Mai Linh, Hợp tác xã Khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng Quyết Thắng.

Theo ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Chủ tịch UBND T.X Phổ Yên, từ thực tế cho thấy, tại các địa phương có hoạt động khai thác cát, sỏi đã xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Trước thực trạng trên, Thị xã đã đề ra các giải pháp cụ thể, nhằm siết chặt quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Theo đó, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường đã được Thị xã tập trung đẩy mạnh, thông qua việc lồng ghép tại các hội nghị, trên hệ thống loa truyền thanh, tập trung tại các xã có hoạt động khai thác cát, sỏi như: Thuận Thành, Trung Thành, Vạn Phái, Tân Phú… 

Để tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, T.X Phổ Yên đã chủ động làm việc, phối hợp với lực lượng chức năng ở các địa bàn giáp ranh là huyện Sóc Sơn (T.P Hà Nội), huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) trong công tác này. Cùng với đó, tổ chức ký cam kết nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý khoáng sản giữa chủ tịch UBND cấp xã với Chủ tịch UBND Thị xã; giữa các trưởng xóm, tổ dân phố, chủ mỏ với chủ tịch UBND cấp xã; giữa các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có khoáng sản với trưởng xóm, tổ dân phố. 


Trên dòng sông Công đoạn chảy qua các xóm Vạn Kim, Trường Giang ở xã Vạn Phái (T.X Phổ Yên) vẫn xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân địa phương.  Ảnh: T.P 

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết: Thời gian qua, việc khai thác cát, sỏi trái phép đã khiến hàng nghìn mét vuông đất tại bãi soi Dâu thuộc thôn Phú Cốc bị sạt lở. Để ngăn chặn tình trạng này, các bí thư chi bộ, trưởng xóm thường xuyên nắm bắt tình hình, theo dõi và hằng ngày báo cáo chính quyền xã để kịp thời có biện pháp ngăn chặn. Nhờ đó, tình trạng trên đến nay đã giảm đáng kể, bãi tập kết cát, sỏi trái phép đã được phối hợp giải tỏa.  

Cùng với các giải pháp nêu trên, hàng năm, UBND T.X Phổ Yên cũng giao cho Phòng Tài nguyên - Môi trường Thị xã tham mưu thành lập 3-5 đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác, vận chuyển, mua bán khoáng sản trái phép trên địa bàn; xây dựng kế hoạch kiểm tra, thường xuyên theo dõi các xã có tình trạng khai thác khoáng sản nổi cộm. Qua đó, đề xuất biện pháp xử lý, ra các văn bản chỉ đạo ngăn chặn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Từ năm 2017 đến nay, địa phương đã phát hiện, xử lý hành chính đối với 7 trường hợp vi phạm. 

Mặc dù đã triển khai thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp, song trên địa bàn T.X Phổ Yên vẫn tồn tại một số điểm khai thác cát, sỏi trái phép và việc giải quyết tận gốc vấn đề này còn gặp không ít khó khăn. Bởi, các điểm khai thác trái phép nằm xa khu dân cư, một số tổ chức, cá nhân thường lợi dụng khai thác trộm vào ban đêm hoặc khi trời mưa, mực nước sông dâng cao. Tại các xã, do không đủ phương tiện, thiết bị ngăn chặn, bắt giữ tàu thuyền và cũng không đủ thẩm quyền để xử phạt… nên hiệu quả chưa cao. Ngay cả những đơn vị được cấp phép khai thác, trong quá trình hoạt động cũng chưa tuân thủ các quy định của pháp luật hoặc có biểu hiện cố tình vi phạm khiến đất đai sạt lở, ô nhiễm môi trường... Đơn cử như tại xã Trung Thành, mặc dù Công ty TNHH Xây dựng Trường Phát đã dừng khai thác nhưng các thủ tục đóng cửa mỏ cũng như việc hoàn trả lại môi trường vẫn chưa được doanh nghiệp này thực hiện. Tại một số vị trí khai thác trước đó đã tạo thành các vũng sâu rất nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân địa phương. 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Công Thịnh cho biết thêm: Trong thời gian tới, Thị xã sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, tránh tình trạng trốn thuế, bán hàng không xuất hóa đơn, gây thất thu ngân sách. Đồng thời, có giải pháp bảo đảm an ninh trật tự tại các khu vực khai thác khoáng sản, kịp thời giải quyết những vấn đề vướng mắc liên quan đến lĩnh vực này… 

Trịnh Phương
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: