Tận dụng lợi thế phát triển công nghiệp vật liệu

Cập nhật: Thứ sáu 02/10/2020 - 09:34
 Khai thác đá phục vụ ngành công nghiệp vật liệu ở Mỏ đá Lân Đăm 2, xã Quang Sơn, (Đồng Hỷ).
Khai thác đá phục vụ ngành công nghiệp vật liệu ở Mỏ đá Lân Đăm 2, xã Quang Sơn, (Đồng Hỷ).

Trong cuộc làm việc mới đây của tỉnh với Ban Kinh tế Trung ương, Thái Nguyên được đánh giá là có tiềm năng và lợi thế để phát triển công nghiệp vật liệu. Với những lợi thế đang có, tỉnh đã và đang từng bước quy hoạch, phát triển đúng hướng các ngành công nghiệp về lĩnh vực này.

Trên địa bàn tỉnh hiện có khá nhiều khoáng sản phục vụ cho ngành công nghiệp vật liệu, trong đó tổng trữ lượng quặng sắt chưa khai thác còn khoảng trên 34 triệu tấn (chủ yếu là quặng limonit và hematit, hàm lượng từ 30-55%); đã phát hiện 05 điểm có khoáng sản antimon với trữ lượng gần 93 nghìn tấn quặng nguyên khai; dự báo quặng thiếc trên địa bàn có khoảng trên 12 nghìn tấn; quặng chì - kẽm qua đánh giá, thăm dò tại 8 điểm mỏ trữ lượng đã lên tới gần 834 nghìn tấn. Ngoài ra, các loại khoáng sản khác như vàng, đồng, niken, bismut… cũng đã được phát hiện.

Theo đánh giá của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, 3 nguồn khoáng sản có trữ lượng lớn của tỉnh là: Wolfram đa kim (hiện đã cấp phép khai thác 01 điểm mỏ với trữ lượng trên 83 nghìn tấn); quặng titan đã phát hiện 17 điểm mỏ, tổng trữ lượng trên 13 triệu tấn; nguồn đá vôi dồi dào với trữ lượng khoảng trên 200 triệu tấn…

Sở hữu một lượng khoáng sản khá lớn như vậy, hiện tỉnh đã và đang tập trung quy hoạch, đẩy mạnh việc phát triển ngành công nghiệp vật liệu, tăng nguồn thu cho ngân sách, đáp ứng phù hợp với xu thế phát triển. Các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp vật liệu trên địa bàn tỉnh cũng khá đông đảo với trên 1.504 doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh ngành nghề gồm: Sản xuất sắt, thép, gang, kim loại quý, kim loại màu, xi măng, quặng các loại... Với ngành công nghiệp sản xuất gang thép, trên địa bàn tỉnh có Khu công nghiệp Gang thép, 3 nhà máy cán thép với tổng công suất thép cán đạt 1 triệu tấn/năm. Trong lĩnh vực khai thác, chế biến quặng đa kim và kim loại màu, tỉnh hiện có 5 nhà máy chế biến chì - kẽm đang hoạt động với các sản phẩm sau chế biến là tinh quặng chì - kẽm, chì thỏi, kẽm thỏi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ra nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia có thế mạnh về công nghiệp chế tạo máy; 1 nhà máy chế biến sâu quặng vonfram, fluorit, bismus, đồng, vàng; 1 nhà máy tinh luyện kim loại màu (công suất 8.000 tấn đồng cathode/năm và 420kg vàng/năm); 01 nhà máy luyện xỉ titan công suất 200 tấn xỉ TiO2/năm; 2 dây chuyền tuyển tinh quặng titan được đầu tư tại mỏ.

Với công nghiệp sản xuất ximăng, một ngành được xác định là có thể phát triển lâu dài trên địa bàn do có nhiều khoáng sản có thể cung cấp tại chỗ gồm đá vôi xi măng, đất sét xi măng với trữ lượng trên 200 triệu tấn. Hiện tại, 3 nhà máy sản xuất xi măng với công nghệ lò quay đặt tại 3 huyện: Đồng Hỷ, Võ Nhai, Đại Từ đang hoạt động hiệu quả, cung cấp ra thị trường một lượng lớn xi măng chất lượng cao phục vụ cho ngành xây dựng. Ngoài ra, rất nhiều nhà máy sản xuất vật liệu của các đơn vị khác cũng đang hoạt động hiệu quả tại nhiều địa phương trong tỉnh, góp phần tạo việc làm ổn định cho người lao động.

Trong mục tiêu và định hướng phát triển công nghiệp vật liệu thời gian tới, tỉnh chủ trương phấn đấu phát triển mạnh ngành công nghiệp luyện kim, sản xuất chủ yếu bằng nguyên liệu tại chỗ, có khả năng cung ứng đầy đủ các chủng loại thép xây dựng, thép kết cấu với chất lượng cao cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong lĩnh vực khai thác, chế biến kim loại màu, thực hiện ưu tiên phát triển các nhà máy chế biến sâu khoáng sản, việc cấp phép thăm dò, khai thác mỏ cũng sẽ được xem xét kỹ lưỡng, ưu tiên cho những đơn vị đã đầu tư xong các nhà máy chế biến sâu và các đơn vị đã đầu tư khai thác có hiệu quả, đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho sản xuất. Với ngành công nghiệp sản xuất xi măng, tỉnh chủ trương phát triển theo hướng bền vững, kết hợp phát triển sản xuất và quản lý tài nguyên trong dài hạn, ưu tiên đầu tư các dự án xi măng mới ở các vùng có điều kiện thuận lợi về nguyên liệu, giao thông; nâng cấp, hiện đại hóa công nghệ đối với các nhà máy xi măng cũ, dừng sản xuất đối với các nhà máy công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; không đầu tư mới các dự án có dây chuyền công suất nhỏ hơm 3.000 tấn clanhke/ngày, đồng thời hạn chế đầu tư các dự án sản xuất xi măng ở vùng khó khăn về nguyên liệu, ảnh hưởng đến các di sản văn hóa, phát triển du lịch, an ninh -quốc phòng.

Thế Hà
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: