Tạo đà phát triển các khu công nghiệp
Dây chuyền sản xuất khuôn điện thoại thông minh tại Công ty TNHH Jukwang Precision Việt Nam (Khu công nghiệp Điềm Thụy). Ảnh: H.C |
Thái Nguyên là tỉnh có ngành công nghiệp hình thành và phát triển từ rất sớm, với nền tảng là công nghiệp luyện kim, khai khoáng, vật liệu xây dựng... Những năm gần đây, tỉnh có nhiều đột phá về xây dựng hạ tầng và thu hút các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Những năm qua, Thái Nguyên đã chứng minh và khẳng định được vị thế của mình bằng nhiều thành tựu đạt được trong lĩnh vực phát triển công nghiệp, tạo đà tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Thành quả đó được thể hiện qua quy mô sản xuất công nghiệp (SXCN) trên địa bàn tỉnh ngày càng lớn, giá trị SXCN tăng mạnh qua các năm: 2010 đạt 24.902,2 tỷ đồng; 2016 đạt 527.109 tỷ đồng; 2018 đạt 670.100 tỷ đồng; 2019 đạt 743.800 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho thành lập 6 KCN tập trung với tổng diện tích 1.420ha, trong đó đất công nghiệp có trên 981ha.
Để tạo đà bứt phá trong phát triển các KCN trên địa bàn, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, tích cực chỉ đạo các sở, ngành tạo điều kiện giải quyết các thủ tục hành chính nhanh nhất theo quy định, đồng hành với nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện, định kỳ thường xuyên đối thoại, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề ra các giải pháp đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, thực hiện chủ trương của Chính phủ về thu hút đầu tư có chọn lọc, Thái Nguyên đã và đang tập trung kêu gọi các dự án có công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao, trong đó điển hình là Dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên, Mỏ đa kim Núi Pháo, các nhà máy cơ khí chế tạo và sản xuất linh kiện điện tử khác.
Nhờ phát huy tốt những lợi thế về địa lý và nguồn nhân lực, với các làm sáng tạo, trong đó xác định giải quyết thủ tục hành chính là vấn đề mấu chốt, áp dụng hiệu quả nguyên tắc vận động trực tiếp, có những định hướng phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, nên lũy kế tính đến tháng 7-2020, trong các KCN trên địa bàn tỉnh đã có tổng số 236 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực. Trong đó có 119 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 8,4 tỷ USD; 117 dự án DDI với tổng vốn đăng ký là 15.497 tỷ đồng. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê là 595,3ha, tỷ lệ đất công nghiệp đã lấp đầy đạt 60,67%.
Sự phát triển mạnh mẽ của các KCN trên địa bàn cũng đã tạo ra một hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật mới, hiện đại, có giá trị lâu dài, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp như: Tài chính, ngân hàng, bưu chính, viễn thông, dịch vụ Logicstic và các hoạt động kinh doanh dịch vụ khác, qua đó tạo lập được niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh.
Trong các bước tạo đà phát triển, mở rộng các KCN trong những năm tới, diện tích đất công nghiệp còn lại của các KCN dành cho thu hút đầu tư giai đoạn 2020-2025 là 467,15ha, trong đó KCN Sông Công I là 72,6ha/195ha; KCN Điềm Thụy 102ha/350ha; KCN Yên Bình 125,2ha/400ha; KCN Quyết Thắng 69,25ha/105ha. Mới đây, Ban Quản lý các KCN đã đề xuất với tỉnh xem xét, báo cáo Chính phủ cho phép mở rộng KCN Sông Công II với diện tích tăng thêm 236ha, tạo ra quỹ đất sạch có quy mô từ 50-100ha để sẵn sàng đón các dự án đầu tư có tiềm lực về vốn, công nghệ hiện đại, đặc biệt là việc cho phép triển khai quy hoạch thêm từ 1-3 KCN nằm dọc đường Vành đai 5 (đoạn qua địa phận huyện Phú Bình, T.X Phổ Yên và T.P Sông Công) với quy mô 500ha để tiếp tục thu hút đầu tư, tạo đà thuận lợi cho sự phát triển, mở rộng các KCN trong giai đoạn tới.