Thấy gì từ kết quả thu ngân sách?
Trong tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh những năm gần đây, các doanh nghiệp FDI đóng góp tỷ trọng khá lớn. |
Tính đến hết tháng 3-2018, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh do ngành Thuế quản lý đạt 3.023 tỷ đồng (bằng 30,5% dự toán năm được giao), nếu loại trừ thu tiền sử dụng đất thì đạt 2.748 tỷ đồng (bằng 31,9% dự toán năm). Kết quả này được ngành Thuế đánh giá là đạt cao so với tiến độ thu theo dự toán được giao, song có một điều khiến nhiều người không khỏi quan ngại đó là trong tổng nguồn thu này, chiếm tới gần 50% số thu là từ 2 doanh nghiệp (DN) lớn. Điều này đang và sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sự phát triển bền vững của tỉnh…
Từ thực tế cho thấy, khoảng 3 năm trở lại đây, với việc thu hút được khá nhiều dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam Thái Nguyên (SETV), thì tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh đã gia tăng đáng kể, số thu hàng năm đều vượt tới trên 2 nghìn tỷ đồng/năm so với dự toán được giao. Cụ thể, năm 2014, tổng thu NSNN trên địa bàn mới đạt 4.862 tỷ đồng, trong đó thu nội địa (do ngành Thuế quản lý) được 4.110 tỷ đồng, còn lại 752 tỷ đồng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (do Chi cục Hải quan quản lý). Đến năm 2017, tổng thu ngân sách của tỉnh đã đạt trên 12.600 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt gần 9.900 tỷ đồng (vượt 46% so với dự toán được giao, tăng 24% so với năm 2016), còn lại trên 2.700 tỷ đồng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu. Không chỉ gia tăng nguồn thu ngân sách, các DN FDI trên địa bàn còn giúp tỉnh cải thiện đáng kể giá trị sản xuất công nghiệp cũng như hoạt động xuất khẩu. Từ một tỉnh có kim ngạch xuất khẩu rất khiêm tốn, chỉ với 245 triệu USD vào năm 2013, thì đến năm 2017 con số này đã đạt tới 23,5 tỷ USD. Cũng nhờ đó, từ năm 2016 đến nay, Thái Nguyên được biết đến là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về xuất khẩu. Trong 4 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt 8,86 tỷ USD, bằng 35,5% kế hoạch cả năm và tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng phấn khởi thì nhiều chuyên gia kinh tế không khỏi băn khoăn về tính bền vững cũng như sự ổn định trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian tới, bởi các chỉ tiêu tăng trưởng có được của tỉnh đang bị phụ thuộc quá nhiều vào 1-2 DN lớn, đặc biệt là SETV, trong khi đó Samsung chưa kết nối một cách hữu cơ vào nền kinh tế địa phương, cùng với đó là sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt từ các địa phương khác.
Trở lại với giá trị xuất khẩu trên địa bàn trong những năm gần đây, mặc dù đạt con số rất ấn tượng nhưng chiếm tới hơn 98% là từ khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và chỉ có chưa đến 2% là từ khu vực kinh tế trong nước. Còn đối với kết quả thu ngân sách, nếu loại trừ tiền sử dụng đất, ở nguồn thu nội địa, chiếm tới gần 50% tổng thu cũng là từ Samsung và các nhà thầu. Riêng quý I/2018, Samsung và Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo đã đóng góp tới 1.300 tỷ đồng trong tổng số 2.748 tỷ đồng số thu. Còn đối với nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, Samsung cũng chiếm tới 70%, còn nếu tính chung của khối DN FDI thì con số này là trên 80%. Điều này cũng đồng nghĩa, sự tăng nhanh trong tổng thu ngân sách của tỉnh những năm qua chính là nhờ khối DN FDI, được thể hiện rõ nhất ở 2 nguồn thu, gồm: DN có vốn đầu tư nước ngoài và thuế thu nhập cá nhân. Cụ thể, thu từ DN nước ngoài trong quý I năm nay của tỉnh đạt 943 tỷ đồng (chiếm 34% tổng thu), thuế thu nhập cá nhân được 456 tỷ đồng (chiếm 16,6% tổng thu). Và nếu so với tổng dự toán (loại trừ đất) thì 2 nguồn này cũng chiếm tỷ trọng 50% trong tổng thu cân đối.
Thực tế kết quả thu NSNN từ năm 2015 đến nay cũng cho thấy, trong số vượt thu cao của tỉnh hàng năm thì 2 nguồn này luôn đóng góp tỷ trọng lớn. Trong khi đó, các nguồn thu khác như: DN Nhà nước trung ương, DN Nhà nước địa phương, lệ phí trước bạ, phí, lệ phí… cơ bản chỉ đạt chỉ tiêu được giao hoặc nếu có tăng cũng không đáng kể, nên không có nhiều đóng góp trong số vượt thu. Điều đáng nói thêm là dự toán những chỉ tiêu thu này năm sau cao hơn năm trước không đáng kể, có chỉ tiêu thậm chí giữ nguyên. Trong khi đó đây lại là những chỉ tiêu thu mang tính bền vững. Điều này phần nào cho thấy sức khỏe của các DN truyền thống trên địa bàn tỉnh còn có nhiều hạn chế, đặc biệt là khối DN nhỏ và vừa, mặc dù số lượng ngày càng tăng lên nhanh chóng (hiện có khoảng 5,6 nghìn DN đang hoạt động).
Với việc bị phụ thuộc quá lớn vào 1-2 DN lớn sẽ khó tránh khỏi những rủi ro, bởi chỉ cần thị trường thế giới hay chiến lược kinh doanh của nhà đầu tư có sự thay đổi thì chắc chắn các chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng sẽ bị tác động mạnh mẽ. Thực tế này đã được minh chứng rõ ràng khi mà trong 2 tháng đầu năm, khi lượng hàng tồn kho của Samsung tăng đã khiến giá trị xuất khẩu trên địa bàn không đạt tiến độ bình quân trong năm, nhưng trong tháng 3 và tháng 4, khi Samsung xuất khẩu ổn định trở lại với giá trị xuất khẩu tăng cao thì lập tức đã kéo giá trị xuất khẩu 4 tháng đạt cao. Trước thực tế này, làm thế nào để các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh ổn định, ít bị phụ thuộc vào 1-2 DN lớn đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Câu trả lời mà theo một số chuyên gia kinh tế cũng như đại diện lãnh đạo DN, hiệp hội DN thì tỉnh và các sở, ngành chức năng cần quan tâm nhiều hơn nữa đến sự phát triển của các DN nhỏ và vừa, thông qua việc lắng nghe và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, thủ tục; tiếp tục chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính cũng như công khai, minh bạch những thông tin có liên quan đến các DN; làm tốt hơn công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng để các DN yên tâm đầu tư kinh doanh, mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, mỗi DN cũng cần phải nâng cao chất lượng quản trị, minh bạch trong hoạt động, tăng cường liên doanh, liên kết, chủ động nắm bắt cơ hội hợp tác khi mà ngày càng có nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết và có hiệu lực.