Vì sao ngành khai khoáng tăng trưởng âm?

Cập nhật: Thứ sáu 25/06/2021 - 08:53
 Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng quặng sắt và tinh sắt chưa nung của tỉnh giảm tới 39,9%  so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng quặng sắt và tinh sắt chưa nung của tỉnh giảm tới 39,9% so với cùng kỳ.
6 tháng đầu năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ước đạt 361.658 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ, bằng 43% kế hoạch (KH) năm. Như vậy, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh chưa hoàn thành mục tiêu đề ra trong nửa đầu năm nay. Cá biệt, công nghiệp khai khoáng vốn là thế mạnh của tỉnh nhưng trong 6 tháng mới đạt trên 26% so với KH và tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước.
 
Lĩnh vực khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản vốn là lợi thế của tỉnh và có đóng góp hàng trăm tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước mỗi năm. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, giá trị và sản lượng khai khoáng đều giảm mạnh. Ông Nguyễn Hữu Hanh, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Sở dĩ năm nay, giá trị, sản lượng ngành Khai khoáng của tỉnh giảm là do một số mỏ đã ngừng hoạt động, đóng cửa mỏ vì giấy phép khai thác hết hạn. Một số đơn vị phải điều chỉnh, giảm sản lượng, nhiều mỏ khai thác ở tầng sâu nên các hoạt động khai thác khó khăn, chi phí tăng cao. Cùng với đó, từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng có thẩm quyền cũng chưa cấp phép hoạt động cho bất cứ mỏ khai thác khoáng sản mới nào vì phải đợi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh. Vì vậy, không có giá trị khai khoáng tăng mới.
 
Ngoài một số loại khoáng sản tăng trưởng thấp, như: Than sạch khai thác đạt 738,1 nghìn tấn, tăng 1,9%; vonfram và sản phẩm của vonfram đạt 7,8 nghìn tấn, tăng 6,8%; đồng tinh quặng đạt 24,8 nghìn tấn, tăng 9,7%... thì một số loại khoáng sản khác giảm sâu so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, sản phẩm đá khai thác trong 6 tháng chỉ đạt 1,9 triệu mét khối, giảm 19,2%. Ông Trương Đình Việt, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển Nông thôn miền núi thông tin: Từ cuối năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và tình trạng thiếu container chở hàng đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu sản phẩm có nguồn gốc từ khai khoáng. Ở đơn vị chúng tôi, sản lượng xuất khẩu giảm khoảng 40% nên cũng ảnh hưởng tới công suất khai thác. 
 
Trong 6 tháng đầu năm, quặng sắt và tinh sắt chưa nung của tỉnh giảm lớn nhất, tới 39,9%. Ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Mỏ sắt Tiến Bộ (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) cho hay: Sản lượng quặng khai thác của đơn vị 6 tháng đầu năm đạt hơn 115 nghìn tấn, giảm hơn 40 % so với cùng kỳ. Sở dĩ có tình trạng trên là do đầu năm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản yêu cầu đơn vị chỉ được khai thác để phục vụ nhu cầu của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, không được bán ra thị trường nên chúng tôi phải điều chỉnh kế hoạch khai thác từ 360 nghìn tấn (năm 2020) xuống còn 200 nghìn tấn (năm 2021). 
 
Qua tìm hiểu của chúng tôi, còn một số nguyên nhân khác khiến giá trị ngành công nghiệp khai khoáng của tỉnh trong những tháng đầu năm giảm. Đó là do Mỏ sắt Trại Cau (Đồng Hỷ) tạm dừng hoạt động từ đầu tháng 5-2020, Mỏ sắt Đại Khai (xã Minh Lập, Đồng Hỷ) duy trì công suất khai thác ở mức 10 nghìn tấn/tháng nên chưa bù đắp được sự thiếu hụt sản lượng quặng sắt trên địa bàn tỉnh. Sản lượng khai thác than trên địa bàn tỉnh cũng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên các đơn vị tiêu thụ giảm quy mô sản xuất. Ông Bùi Minh Hợp, Giám đốc điều hành Mỏ than Minh Tiến (Đại Từ) nói: Từ cuối năm 2020, đơn vị tạm dừng khai thác để làm các thủ tục thăm dò nhằm nâng cao sản lượng khai thác. Mặt khác, năm nay, thị trường thép tăng giá mạnh đã khiến ngành xây dựng chững lại, các nhà máy sản xuất xi măng, gạch giảm sản lượng nên nhu cầu về sử dụng nhiên liệu than cũng giảm theo.
 
Theo ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương, để thúc đẩy công nghiệp khai khoáng tăng trưởng mạnh trong 6 tháng cuối năm nhằm đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra, cần có giải pháp tổng thể của cả Trung ương và địa phương. Riêng ngành Công Thương tỉnh sẽ bám sát tình hình, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các giải pháp; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng với các ngành liên quan, UBND các cấp để tháo gỡ khó khăn, giải quyết kiến nghị của các doanh nghiệp khai khoáng. 
 
Lĩnh vực công nghiệp khai khoáng tăng trưởng âm đã, đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập của người lao động, thu ngân sách của địa phương và kéo thấp giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh. Do vậy, từ việc xác định rõ những nguyên nhân dẫn đến công nghiệp khai khoáng tăng trưởng âm, thiết nghĩ, cần các ngành chức năng xem xét, giải quyết những vướng mắc đang tồn tại. Bên cạnh đó, cần sự mạnh dạn, sáng tạo hơn nữa của các doanh nghiệp trong toàn bộ chuỗi khai thác, chế biến, xuất khẩu sản phẩm có nguồn gốc từ khai khoáng để nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện mục tiêu tăng trưởng của tỉnh.
Nhóm P.V Kinh tế
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: