Chuyển đổi số: Bắt đầu từ nhận thức
Các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng phường Tân Thành được hướng dẫn cài đặt ứng dụng C- ThaiNguyen và ThaiNguyen ID. |
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu để xây dựng đô thị thông minh. Bởi thế, thời gian qua, TP. Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền nhằm làm chuyển biến nhận thức của người dân - nhân tố quyết định chuyển đổi số, từng bước hướng đến xây dựng đô thị thông minh.
Có mặt tại phường Tân Thành trong một buổi tập huấn chuyển đổi số, chúng tôi nhận thấy người dân rất phấn khởi. Bà Trần Thị Huyền Nga, Tổ trưởng tổ dân phố số 4 chia sẻ: Tất cả các thành viên được tập huấn ở đây đều trong tổ công nghệ số cộng đồng hỗ trợ người dân tham gia chuyển đổi số. Chúng tôi được hướng dẫn cài đặt các ứng dụng công nghệ số như C- ThaiNguyen; ThaiNguyen ID… Thông qua các ứng dụng này, người dân cũng như các doanh nghiệp có thể dễ dàng phản ánh những mong muốn, đề nghị của mình đến chính quyền các cấp. Chúng tôi thấy việc cài đặt các ứng dụng rất thuận tiện.
Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thành cho biết: Tân Thành là địa phương đầu tiên được thành phố hướng dẫn chuyển đổi số đến các tổ công nghệ số cộng đồng. Sau Hội nghị này, 7 tổ công nghệ số cộng đồng tại 7 tổ dân phố sẽ phổ biến, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng thông qua nhóm Zalo của từng tổ dân phố. Chúng tôi cho rằng đây là một trong những cách tuyên truyền tốt nhất để người dân từng bước tham gia vào công cuộc chuyển đổi số. Phường sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tuyên truyền đến từng cán bộ, hội viên, để mỗi người dân đều là một công dân số.
Thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng là một trong nhiều hình thức tuyên truyền mà TP. Thái Nguyên đang quan tâm triển khai. Theo số liệu thống kê, hiện TP. Thái Nguyên đã thành lập được 401 tổ công nghệ số cộng đồng, với gần 2.700 thành viên; mỗi xã, phường thành lập 1 nhóm Zalo để tương tác, trao đổi nhiệm vụ.
Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số, TP. Thái Nguyên đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về các nhiệm vụ chuyển đổi số bằng nhiều hình thức, như: Tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, truyền hình, Cổng thông tin điện tử thành phố, Trang thông tin điện tử các phường xã; các nền tảng mạng xã hội; thông qua các hội nghị, hội thảo; duy trì mỗi tháng phát sóng 1 chuyên mục về chuyển đổi số trên Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên, duy trì 2 lần/ngày trên sóng phát thanh tại địa chỉ daithainguyen.vn và 6 màn hình Led trên địa bàn thành phố
Ngoài ra, TP. Thái Nguyên đã chỉ đạo thực hiện tuyên truyền 3 file phát thanh trên hệ thống truyền thanh từ thành phố tới cơ sở về: Tình hình kết quả thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên; C-ThaiNguyen - Ứng dụng kết nối người dân, doanh nghiệp với chính quyền tỉnh Thái Nguyên; ThaiNguyen ID - Nền tảng công dân số đầu tiên dành riêng cho tỉnh Thái Nguyên; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân đang sử dụng điện thoại thông minh cài đặt và sử dụng các ứng dụng công nghệ số “C-ThaiNguyen”, “ThaiNguyen ID”; sử dụng các nền tảng xã hội để truyền tải thông tin liên quan đến chuyển đổi số, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân…
Lãnh đạo Phòng Văn hóa Thông tin TP. Thái Nguyên - cơ quan thường trực về chuyển đổi số của thành phố, cho biết: Trong công tác chuyển đổi số, cùng với làm thay đổi nhận thức của người dân thì thành phố triển khai các nội dung khác về thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, chính quyền số, kinh tế số, hoạt động xã hội số và nhiệm vụ xây dựng đô thị thông minh. Theo đó, UBND thành phố phối hợp với các đơn vị khảo sát hiện trạng hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh; lập dự án xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh kết nối với IOC của tỉnh và các hệ thống thông tin dùng chung trên địa bàn tỉnh, với kinh phí đầu tư gần 45 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng giữa tháng 10-2022…