Chuyện người Mông ở Thái Nguyên, kỳ 1: Xu hướng di cư của đồng bào Mông và những vấn đề đặt ra với quốc phòng an ninh.
Tiếng khèn réo rắt, reo vang khắp nóc bản, đỉnh núi báo hiệu cuộc sống của đồng bào người Mông ở Thái Nguyên ngày càng khởi sắc. |
Người Mông ở Thái Nguyên bao đời nay vẫn gắn với những dãy núi cao như định mệnh. Cuộc sống của họ, mở cửa bước ra là chạm mây, chạm gió, chạm nắng lửa, mưa rừng. Không gian và hoàn cảnh khắc nghiệt ấy gieo vào tính cách người Mông sự mạnh mẽ, tự do, phóng khoáng nhưng cũng là nguyên nhân của muôn nỗi nhọc nhằn. Họ sống dựa nhiều vào thiên nhiên, khi mà rừng đã hết thú săn, củi đã đốt hết mấy mùa rẫy, đất trên nương đá đã bạc, họ chọn di cư như một điều tất yếu.
Di cư và ở trên núi vốn đã sẵn có trong tâm thức của người Mông. Tập quán ấy ăn sâu bám rễ vào căn tính tộc người từ hàng trăm năm trước. Theo dòng lịch sử, cùng với nhiều biến động lớn về địa - chính trị, từ những bước di cư đầu tiên xuôi từ phương Bắc xuống miền núi phía Bắc Việt Nam, cho đến nay, những dòng người Mông di cư đã chia thành muôn vàn nhánh nhỏ khắp dọc dài đất nước.
Trước và sau năm 1980, Thái Nguyên là một trong những tỉnh tiếp nhận một lượng lớn các dòng người Mông từ Cao Bằng di cư tự do về kiếm kế sinh nhai. Những xóm, bản người Mông với những cái tên mộc mạc như Khuổi Mèo, Mỏ Ba, Chòi Hồng, Khe Mong, Tam Va, Bản Tèn, Na Sàng, Lũng Cà..., chỉ nghe tên thôi đã thấy vời vợi một nỗi niềm khó khổ.
Là người nhiều tuổi nhất bản Lũng Luông, huyện Võ Nhai, ông Đào Văn Thào cũng chính là một trong những người Mông đầu tiên trồng cây ớt ở mảnh đất này.
Ông Thào kể với chúng tôi mà cứ như tâm sự với chính mình: “Theo tục, người Mông đi đến đâu cũng trồng cây ớt; khi quả ớt hết cay, người Mông sẽ rục rịch lên đường tìm vùng đất mới”. Đã hơn 40 mùa trái ớt vẫn cho vị cay lẫn với “vị đắng” của đời người, ông Thào đã bén duyên với Lũng Luông và không còn di cư đi tìm miền đất hứa nữa.
Nhấp một ngụm chè mộc tự trồng, tự sao đỏ quạch, phóng tầm mắt lên phía đỉnh núi xa, ông Thào bần thần nhớ ra mình cũng có một chốn quê xa xôi vời vợi. Hòa An, Cao Bằng quê gốc của ông Thào chỉ cách nơi này hơn 200 cây số, nhưng với chặng đường núi sắc nhọn năm xưa và sức lực hữu hạn của con người thì đó là một chuyến đi không bao giờ hẹn ngày trở lại.
“Một lần dọn nhà bằng ba lần cháy”. Trong cuộc di dời tìm đất mới của người Mông, thật khó có thể tưởng tượng được những nỗi cơ cực, gian truân mà họ phải vượt qua.
Những nơi dừng chân thường là nơi núi rừng hiểm trở, thưa vắng bóng người. Họ sống nhờ vào hang động, rau dại, măng rừng. Trên nhiều vạt núi, hố đào củ mài dày đặc như mắt lưới. Đêm xuống, trai tráng đi xuyên rừng tìm con hon, con dúi, hoặc treo mình trên vách đá tìm bắt tắc kè cho vợ mang bán chợ phiên.
Cùng với thời gian, những sắc nhọn của đá núi cũng phải mềm đi dưới bước chân người. Thế nhưng cái đói thì vẫn dai dẳng đeo bám như con đỉa núi bám chặt lưng quần.
Một buổi sinh hoạt của người Mông bản Lũng Luông, xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai.
Năm 1979, bà Dương Thị Thía lúc ấy mới tròn 30 tuổi cùng chồng dắt díu theo 4 con thơ rời quê hương Hà Quảng, Cao Bằng về xóm Mỏ Ba thuộc huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Thấm thoắt đã mấy chục mùa rẫy, chồng bà cũng đã về với tiên tổ, thế nhưng bà vẫn nhớ như in những ngày đầu tới khai phá đất này.
“Không có ngọn núi nào cao bằng đầu gối người Mông”. Với đôi chân quấn xà cạp, với cây dao phạt lối trong tay, bà Thía cũng như bao người Mông khác đã gắn đời mình với núi rừng, chinh phục những vùng đất hoang vu nhất. Để bám vào đất, cấu vào đất và cày lên thớ đất, những bóng người nhỏ bé cứ chênh vênh chân duỗi chân quỳ trên triền dốc đứng, chênh vênh như chính phận đời của họ.
Hệ quả từ những đợt di dời của đồng bào Mông về Thái Nguyên là gia tăng dân số cơ học nhanh. Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số Việt Nam: Năm 1979, Thái Nguyên có 644 người Mông, năm 1989 có 2.264 người, năm 1999 có 4.831 người, năm 2009 có 7.230 người. Đến đầu năm 2021, toàn tỉnh có gần 11.000 người Mông sinh sống.
Điều này tạo ra những vấn đề về phát triển kinh tế xã hội như tỷ lệ đói nghèo cao, trẻ em trong độ tuổi không được đến trường, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh đẻ quá dày, đẻ nhiều, suy dinh dưỡng nặng, mù chữ, bản sắc văn hóa bị mai một..., người dân không được thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi về pháp lý.
Cùng với đó là những tác động tiêu cực đến vấn đề quốc phòng an ninh trên địa bàn, vấn đề quản lý hộ khẩu, quản lý di dân cả nơi đến và nơi đi đều rất khó khăn.
Đói và đẻ là “cặp song trùng” từng tồn tại qua nhiều đời trong các dòng họ đồng bào Mông ở Thái Nguyên. Vào đầu những năm 2000, hầu hết các hộ đồng bào Mông ở Thái Nguyên đều thuộc diện đói nghèo. Mở mắt thấy khổ, mở mắt thấy đói, những bản người Mông nơi đây được đồng bào cả nước biết đến như những bản “siêu đẻ”.
Cá biệt có ông Ngô Văn Sùng ở xóm Mỏ Ba, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, đẻ tới 18 người con; ông Hồng Văn Dình mới 32 tuổi cũng đẻ tới 10 người con và chưa có ý định thôi; Phó Trưởng bản Mỏ Ba Đào Văn Tư tính cũng có 13 người con...
Ở miền đất hứa, những phụ nữ Mông lầm lũi chúi mặt xuống đất nặng nề cất bước. Lũ trẻ con nheo nhóc, ốm đói với bàn chân nhanh nhẹn thoăn thoắt hơn thú rừng. Người già nhấp chén rượu ngô cay khé cổ để nước mắt lặn vào trong, giấu đi nỗi khắc khoải thương về quê cũ.
Và cũng chính hoàn cảnh sống cơ khổ của đồng bào, khó khăn, biệt lập, trình độ văn hoá, nhận thức xã hội còn nhiều hạn chế đã tạo cơ hội cho các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh tuyên truyền về tà đạo, gây mê tín dị đoan, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn chính trị và quốc phòng, an ninh.
Đặc biệt là tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đã lợi dụng vấn đề tôn giáo để tuyên truyền, lôi kéo bà con với lời mị rằng: Chỉ cần treo cờ Dương Văn Mình trong nhà, khấn vái hàng ngày, không cần làm cũng có ăn, không cần học cũng biết chữ, trẻ mãi không già, già lại hóa trẻ, có chết cũng được lên trời sống sung sướng; dựng nên nhà đòn ở nhiều bản người Mông để thực hiện các nghi lễ, siêu thực… Thế nhưng đã có một bộ phận đồng bào dân tộc Mông tin theo lời mị, để rồi lâm vào hoàn cảnh khốn khổ.
(Còn nữa)