Việc cải chính thành phần dân tộc ở Định Hóa: Người dân có băn khoăn
Người dân xã Bình Thành (Định Hóa) đến trụ sở Công an xã làm căn cước công dân. |
Trên địa bàn huyện Định Hóa có trên 9.000 người thuộc thành phần dân tộc San Chí, Sán Chí. Thời gian qua, phần lớn người dân thuộc 2 thành phần dân tộc này đã chủ động làm căn cước công dân (CCCD), cung cấp hồ sơ, thông tin để hoàn thành dữ liệu dân cư, hộ tịch theo Đề án 06 của Chính phủ. Tuy nhiên, việc cải chính thành phần dân tộc Sán Chí, San Chí thành Sán Chỉ theo hướng dẫn của các cấp, ngành như hiện nay khiến một bộ phận người dân băn khoăn.
Những ngày qua, nhiều người dân ở xã Bình Thành đã chủ động đến trụ sở Công an xã để làm CCCD theo thông báo. Trong số này có khá nhiều người đã mang theo giấy trích lục cải chính hộ tịch, chủ yếu là cải chính từ thành phần dân tộc San Chí thành dân tộc Sán Chỉ. Cũng có người chưa làm trích lục nên đến để được cán bộ hướng dẫn. Nguyên nhân của vấn đề này là trong danh mục các dân tộc Việt Nam không có dân tộc Sán Chí, San Chí, mà chỉ có Sán Chỉ, nên khi làm CCCD những người hiện mang dân tộc Sán Chí, San Chí không thể nhập thông tin vào máy. Để làm CCCD, những người dân tộc Sán Chí, San Chí cần cải chính thành Sán Chỉ.
Theo thông tin từ Công an xã Bình Thành, xã có trên 600 người dân tộc San Chí, Sán Chí. Phần lớn những trường hợp này đã làm thủ tục cải chính thành phần dân tộc San Chí thành dân tộc Sán Chỉ để phục vụ cho việc làm CCCD. Số còn lại chưa làm vì nhiều lý do như đi làm tại các khu công nghiệp, xa nhà…
Theo thống kê của Phòng Tư pháp huyện Định Hóa, năm 2020, trên địa bàn huyện có trên 9.000 người dân tộc San Chí, Sán Chí. Ông Ma Công Trình, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Định Hóa, cho biết: Trước thắc mắc của người dân về xác định thành phần dân tộc, Phòng Tư pháp đã tham mưu cho UBND huyện có văn bản xin ý kiến Sở Tư pháp, UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh để giải quyết việc cải chính theo quy định để có cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn người dân.
Sau khi có văn bản xin ý kiến của địa phương, UBND tỉnh, Sở Tư pháp và Ban Dân tộc tỉnh đã có các văn bản hướng dẫn. Trong đó nêu: Đối với những trường hợp người dân có các giấy tờ hộ tịch đã được cấp, trong đó ghi thành phần dân tộc là “Sán Chí”, “San Chí” trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên không đúng với thành phần dân tộc trong danh mục là “Sán Chỉ”, nên xác định là có sai sót trong việc ghi thành phần dân tộc khi thiết lập các giấy tờ cho công dân. Vì vậy, các trường hợp sai sót nêu trên được cải chính thành dân tộc Sán Chỉ theo danh mục các dân tộc Việt Nam (Quyết định số 121- TCTK/PPCD, ngày 02/3/1979 của Tổng cục Thống kê).
Dựa vào căn cứ trên, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc cải chính dân tộc, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tư pháp hướng dẫn hồ sơ thực hiện cải chính thành phần dân tộc San Chí, Sán Chí cho các xã, thị trấn.
Từ đây, việc cải chính thành phần dân tộc cho người dân tộc San Chí, Sán Chí thành Sán Chỉ được triển khai trên địa bàn toàn huyện. Điển hình như tại thị trấn Chợ Chu, ngày 17-5-2022, UBND thị trấn phối hợp với Phòng Tư pháp, Tổ công tác giúp việc thực hiện cải chính thành phần dân tộc San Chí, Sán Chí của huyện đã dành một ngày để hướng dẫn công dân đăng ký cải chính.
Đến thời điểm này, phần lớn người dân tộc San Chí, Sán Chí trên địa bàn Định Hóa đã đồng thuận và thực hiện việc cải chính như đã nêu trên. Tuy nhiên, một bộ phận vẫn tỏ ra băn khoăn, thắc mắc. Trong đó có những bậc cao niên, người có công với cách mạng. Bởi theo họ, thành phần dân tộc Sán Chí, San Chí đã có từ trước năm 1979 (trước khi có Quyết định số 121 của Tổng cục Thống kê). Hơn nữa, ngôn ngữ và văn hóa của hai thành phần dân tộc này với dân tộc Sán Chỉ có sự khác nhau… Nếu cải chính theo quy định hiện nay, họ sợ sẽ bị “mất gốc”.
Ông Trần Văn Quỳnh, Trưởng xóm Đồng Coóc, xã Bình Thành, chia sẻ: Là xóm có phần đông là người San Chí. Theo hướng dẫn của các cấp, ngành, bà con đã làm thủ tục cải chính thành phần dân tộc phục vụ làm CCCD. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn thắc mắc, băn khoăn. Vì 2 dân tộc này có sự khác nhau về tiếng nói, văn hóa. Người dân thực hiện cải chính trước mắt là để đảm bảo quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm công dân. Nếu phải cải chính thì bà con mong muốn được cải chính sang thành dân tộc Sán Chay, vì người San Chí có ngôn ngữ, văn hóa tương đồng với người Sán Chay.
Ông Trương Văn Vựng, Chủ tịch UBND xã Phú Đình (địa phương có trên 1.300 người dân tộc Sán Chí, San Chí), cũng cho biết bà con có thắc mắc về việc cải chính thành phần dân tộc Sán Chí, San Chí sang Sán Chỉ. Nếu cải chính thành dân tộc Sán Chay (dòng chính) sẽ giữ được truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Còn theo chúng tôi, các thành phần dân tộc đã được Nhà nước quy định cụ thể và việc xác định thành phần dân tộc được căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau như: Ngôn ngữ, văn hóa, đặc điểm cư trú… tức là dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Bởi vậy, bên cạnh áp dụng những quy định cho bà con thì công tác tuyên truyền cũng rất quan trọng.
Tuy nhiên, nếu những thắc mắc, kiến nghị của bà con là có cơ sở và tâm tư, nguyện vọng của họ là chính đáng thì các cấp, ngành chức năng có liên quan cần xem xét và giải quyết triệt để. Bởi dân tộc là điều thiêng liêng và mang giá trị tinh thần rất lớn, không chỉ cho mỗi cá nhân mà của cả một cộng đồng.