Xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn
Nhiều người dân ở xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) tự bỏ kinh phí và công lao động để làm đường. |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 110 xã vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (MN), trong đó có 14 xã thuộc xã khu vực III (đặc biệt khó khăn). Người dân ở các xã này luôn thể hiện khát vọng vượt khó, đồng lòng, quyết tâm xây dựng xã nông thôn mới (NTM).
Xã đặc biệt khó khăn Tân Long (Đồng Hỷ) đang nỗ lực thực hiện các tiêu chí NTM để “về đích” vào cuối năm nay. Hiện xã vẫn còn 4/19 tiêu chí chưa đạt là nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất.
Ông Lăng Viết Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Long chia sẻ: Trong số các tiêu chí chưa đạt thì thu nhập và hộ nghèo được xã xác định là những tiêu chí khó bởi số hộ nghèo đầu năm của xã vẫn còn 379/1.519 hộ, chiếm trên 24%, trong khi đó thu nhập chính của người dân phụ thuộc vào cây lúa. Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa các loại cây ăn quả vào trồng và chăn nuôi trâu, bò, dê theo hướng sản xuất hàng hóa; tham gia các mô hình sản xuất lúa, chè và cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP.
Với những nỗ lực đó, từ mô hình ô mẫu 25ha cây ăn quả, chè và đàn gia súc gần 200 con triển khai năm 2020, đến nay xã đã nhân rộng lên trên 50ha cây ăn quả các loại, trên 200ha chè tập trung và hơn 4.000 con gia súc...
Ông Nông Văn Nghĩa ở xóm Làng Mới chia sẻ: Ngoài 100 gốc nhãn đã cho thu hoạch, năm nay gia đình tôi còn cấy 1 mẫu lúa nếp cái hoa vàng và trồng 5 sào rau màu, trồng cỏ chăn nuôi 2 con bò và 20 con lợn thịt. Nếu thuận lợi như năm 2021, năm nay gia đình tôi có thể thu về khoảng 100 triệu đồng. Nhiều người đến nhà tôi để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và liên kết sản xuất khi có các đơn đặt hàng số lượng lớn.
Cũng như xã Tân Long, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) còn 4/19 tiêu chí chưa đạt là giao thông, hộ nghèo, thu nhập và cơ sở vật chất văn hóa. Tuy nhiên, xã ưu tiên thực hiện tiêu chí giao thông.
Ông Trương Công Hiền, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng cho biết: Với diện tích tự nhiên rộng, người dân sinh sống không tập trung nên đường đến các xóm còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế. Vì vậy, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân cùng vào cuộc làm đường giao thông; tập trung tối đa các nguồn lực để cứng hóa được 4,5km đường trục xóm và 2,1km đường ngõ xóm. Qua đó nâng tổng chiều dài đường trục liên xóm được bê tông hóa lên 24km và cứng hóa 21km đường ngõ xóm.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đồng Hỷ hướng dẫn người dân xã Tân Long chăm sóc cây nho Hạ Đen.
Cùng với Tân Long và Văn Lăng, 12 xã đặc biệt khó khăn khác là: Sảng Mộc, Cúc Đường, Thần Sa, Vũ Chấn, Phương Giao, Nghinh Tường, Thượng Nung, Liên Minh (Võ Nhai); Bảo Linh, Quy Kỳ, Linh Thông (Định Hóa); Yên Trạch (Phú Lương) đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, thực hiện từng nội dung trong các tiêu chí xây dựng NTM.
Nhờ vậy, đến thời điểm này các xã đều đã đạt từ 11 đến 16 tiêu chí. Ðiều đó đã và đang góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, diện mạo nông thôn vùng DTTS và MN dần thay đổi.
Thời gian tới, "con đường về đích” của các xã trên sẽ nhanh hơn khi 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm (2021-2025) được triển khai là: Giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN, với tổng nguồn vốn thực hiện là trên 2.510 tỷ đồng.
Mục tiêu của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh là: Giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn; giảm 50% số xóm đặc biệt khó khăn; giảm bình quân 2%/năm số hộ nghèo vùng DTTS và MN; phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020...
Ông Hoàng Phong, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Chương trình sẽ góp phần giải quyết những khó khăn tại vùng DTTS và MN nói chung, các xã đặc biệt khó khăn nói riêng như: Tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Qua đó góp phần giúp các xã đặc biệt khó khăn sớm hoàn thành những tiêu chí khó trong xây dựng NTM như: Nhà ở dân cư, giao thông, thu nhập, tổ chức sản xuất và hộ nghèo.