Nét độc đáo trong đám cưới người Dao Lô Gang
Cô dâu chuẩn bị thay trang phục mới khi tới gần cổng nhà chú rể. |
Người Dao Lô Gang ở xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) hiện vẫn tổ chức đám cưới theo nghi lễ truyền thống. Được dự một đám cưới của người Dao Lô Gang nơi đây, chúng tôi thực sự ấn tượng với những nghi lễ độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc…
Đám cưới của chú rể Triệu Sinh Sơn, xóm Mỏ Sắt và cô dâu Phạm Mai Phương, xóm Cao Phong, dân tộc Dao Lô Gang của xã Hợp Tiến được tổ chức theo truyền thống của dân tộc như nhiều đám cưới của bạn bè cùng trang lứa ở xã Hợp Tiến. Sáng sớm của ngày cưới, ở nhà gái, chúng tôi được hòa mình vào không khí tất bật, chuẩn bị đồ đạc cho cô dâu về nhà chồng. Ngoài những đồ đạc như các cô dâu của dân tộc khác, cô dâu Dao Lô Gang còn được chuẩn bị 2 bộ trang phục để thay trong quãng đường đến nhà chú rể. Đó là bộ trang phục mặc lúc khởi hành, và bộ đồ để thay lúc đến gần cổng nhà trai. Trang phục của cô dâu được chuẩn bị cẩn thận gồm khăn che mặt thêu cầu kì bằng chỉ màu sặc sỡ. Áo dài được thêu trang trí ở từ cổ áo xuống tới gấu áo, phía sau lưng và cổ tay, kèm thêm khăn thêu hoa làm thắt lưng. Mũ đội đầu bằng 7 chiếc khăn vuông kèm theo chiếc khăn thêu nhiều họa tiết. Ngoài ra cô dâu còn đeo vòng cổ, vòng tay và có thêm nhiều món đồ trang sức bằng bạc trên áo. Bà Triệu Thị Hoa là bà ngoại của cô dâu chia sẻ, tôi thấy cháu gái mình mặc đồ của dân tộc rất đẹp, mình là người Dao, phải vận động con cháu làm đám cưới theo phong tục của dân tộc mới được tổ tiên chấp thuận và phù hộ cho hạnh phúc, may mắn.
Khoảng 6 giờ sáng, công việc chuẩn bị đã xong, cô dâu Phạm Thị Phương rạng rỡ trong bộ đồ tươi tắn, nổi bật trong đám đông đang chuẩn bị khởi hành đưa cô về nhà chồng. Đám cưới truyền thống của đồng bào Dao ở đây có nhiều nét độc đáo. Ngày cưới, với sự tham gia của 2 người dẫn đường nhà trai, đoàn đưa dâu chỉ gồm toàn là người nhà gái, tự đưa cô dâu sang nhà trai. Đây là tục lệ lâu đời của người Dao nơi đây.
Thầy cúng chuẩn bị các nghi lễ trước bàn thờ gia tiên của gia đình chú rể, chuẩn bị đón cô dâu mới.
Thời điểm ấy, tại nhà trai, chú rể không được đi đón dâu, nhưng cũng đang tất bật với việc chuẩn bị trang phục và các nghi lễ khác. Trang phục của chú rể gồm chiếc áo dài có thêu những hoa văn đơn giản ở dọc cổ áo xuống tới gấu áo, hoa văn ở cổ tay và phía sau lưng của áo. Chú rể đội thêm chiếc mũ vải có thêu hoa văn và cùng với bố mẹ ngồi trong phòng, chờ đoàn đưa dâu tới. Theo phong tục, bố mẹ chú rể cùng chú rể phải tránh mặt, chưa được ra cửa lúc con dâu mới về. Chú rể Triệu Sinh Sơn cho biết, lúc đầu tôi cũng định thuê váy cưới trắng, áo complê như các bạn nơi tôi đang làm việc, nhưng khi hiểu ý nghĩa của lễ tơ hồng, chúng tôi đã quyết định chuẩn bị trang phục dân tộc và thực hiện đám cưới theo nghi lễ truyền thống. Tôi cho rằng, đây cũng là nét đẹp, bản sắc cần giữ gìn trong thời đại hiện nay.
Sẵn sàng đón đoàn nhà gái là rất đông anh em họ hàng của nhà trai sắp thành hai hàng, đứng đầu là hai thầy kèn trong trang phục chỉnh tề. Khi đoàn đưa dâu về tới cổng nhà trai, hai thầy kèn cùng thổi những bài hát vui tươi với ý nghĩa mừng cô dâu mới về nhà và chúc phúc gia đình cho tới khi cô dâu cùng đoàn nhà gái vào hết trong nhà. Bài kèn có ý nghĩa như sau: "Mở rộng cửa đón dâu mới về/Đón chào anh em bạn bè nhà gái/ Từ đây kết thành một nhà/Một gia đình mới trăm năm hạnh phúc/Sớm có con cháu…
Khi cô dâu bước vào trong nhà rồi, thầy cúng của nhà trai sẽ đứng ra làm lễ tơ hồng cho cô dâu và chú rể, đây là nghi lễ quan trọng nhất trong lễ cưới để công nhận cô dâu chính thức trở thành con cháu trong nhà… Thầy cúng sẽ đọc bài khấn xua đuổi những tà ma đi theo cô dâu trên đường về và xin với tổ tiên cho cô gái chính thức về làm dâu trong gia đình này. Sau đó chú rể được dẫn ra và cùng cô dâu đứng vào trong chiếu hoa thực hiện nghi lễ vái. Nghi lễ này gồm vái gia tiên, vái thầy cúng, vái bố mẹ, anh em họ hàng nhà trai và đoàn đưa dâu họ nhà gái. Trước đây, theo phong tục, chú rể phải vái rất nhiều, có khi hơn 100 lần, nhưng bây giờ thì thủ tục này đã được đơn giản hơn, chú rể chỉ phải vái 12 đến 20 lần. Chiếc chiếu cô dâu chú rể đứng sẽ được trải giường đêm tân hôn của cô dâu và chú rể. Tiếp đó, thầy kèn thổi lên khúc nhạc mừng cô dâu mới. Rượu được rót ra cho cô dâu và chú rể trước rồi tới họ hàng hai bên uống. Đây là rượu gan lợn nướng, tức là gan lợn được nướng lên, cắt miếng nhỏ để vào từng chén, rồi rót rượu ngâm mật nướng vào. Người Dao có tục lệ rằng, đôi trai gái nếu yêu nhau và ưng ý nhau thì sẽ uống hết rượu này. Còn những đôi nào không ưng ý nhau mà bị ép lấy thì sẽ không uống hoặc không uống hết.
Sau lễ này, đôi trai gái chính thức thành vợ thành chồng và được họ hàng, làng xóm chúc phúc trăm năm. Bố mẹ chàng rể sẽ có đôi điều căn dặn, chỉ bảo nàng dâu mới những công việc trong gia đình, giới thiệu anh em họ hàng trong nhà và chúc hai con hạnh phúc. Kết thúc nghi lễ tơ hồng, gia đình chú rể dọn cỗ cưới được chuẩn bị khá chu đáo và thịnh soạn để mời khách, mời anh em họ hàng cùng ăn và uống rượu mừng hạnh phúc. Lúc này, thầy kèn lại thổi lên khúc nhạc mời mọi người cùng ăn uống say sưa cho đến khi kết thúc tiệc cưới.
Cùng có mặt trong đám cưới của đôi bạn trẻ, ông Bàn Phúc Tề, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến cũng là người dân tộc Dao cho biết: Xã hiện có 10 dân tộc anh em cùng sinh sống trong đó người Dao chiếm trên 60% dân số. Người Dao nơi đây chủ yếu thuộc nhóm Dao Lô Gang, hiện còn lưu giữ được những nét văn hoá mang đậm bản sắc truyền thống trong đám cưới. Tuy nhiên, có những thời điểm những nét đẹp này tưởng như đã mai một. Trước thực trạng đó, để những nét đẹp vốn có này không bị mai một, còn lưu giữ đến ngày nay, cấp ủy, chính quyền đã tích cực tuyên truyền tới các già làng, người già có uy tín vận động con cháu giữ gìn bản sắc dân tộc, nhất là trang phục dân tộc. Dần dần, những bà, những chị từ 45 trở lên đã sử dụng trở lại áo váy, khăn đội đầu, dây lưng… của dân tộc mình trong những dịp lễ Tết, sinh nhật. Đồng thời những già làng ấy cũng vận động con cháu tổ chức lễ cưới theo phong tục dân tộc mình, trong đó thực hiện lễ tơ hồng là một nghi lễ thiêng liêng với tổ tiên để được cùng nhau chung sống trọn đời…