Tri thức về y học dân gian của người Dao
Người Dao ở Thái Nguyên có cả một kho tàng tri thức về y học dân gian để phục vụ cuộc sống hàng ngày.
Người Dao chia thuốc làm ba loại: Thuốc bổ, thuốc trị bệnh và thuốc độc. Thuốc bổ có khá nhiều loại, tùy theo nhu cầu và thể tạng của từng người mà sử dụng. Ví dụ đối với sản phụ thì ăn rau ngải cứu rừng hầm với thịt gà, cũng có thể lấy rễ và lá non của cây về hầm cho sản phụ ăn dần. Trường hợp sản phụ sức yếu còn được tắm, gội bằng nước đun sôi với ba vị thuốc theo tiếng Dao là cây tung vườn, cây chàng đỉa cây chai gai thiết msay. Riêng người bình thường thì hay uống thuốc bổ ngâm rượu. Những loại thuốc thường hay ngâm rượu uống là rễ cây sâm rừng, chuối hột sao khô, ong đất, rễ cây quế rừng… trước đây họ còn ngâm rượu với nhung hươu, tiết sơn dương.
Thuốc trị bệnh cũng rất đa dạng như những loại cây có vị chát, đắng, ngọt và một số bộ phận của động vật như mật gấu, dạ dày nhím, mỡ trăn, đuôi cá, giun đất. Chẳng hạn vỏ cây vông kết hợp với lá hay quả của cây dứa tím chữa bệnh trĩ; lá hẹ với lòng trắng trứng gà chữa vết bỏng; lá ổi đun sôi nước chữa bệnh đi ngoài…
Thuốc độc hiện nay người Dao ít dùng và hầu như không chế biến. Song nếu chế biến người Dao pha chế công phu và có sự kết hợp của nhiều vị. Thuốc tốt phải có từ 7 đến 9 vị, chủ yếu là các vị cay, chát, đắng, chua, mặn… Nếu để diệt sâu bọ thì thuốc chế biến dưới dạng nước rồi dùng ống phun nước phun vào cây hay lá có sâu bọ. Nếu dùng trong săn bắn thì nhúng mũi tên vào thuốc nước rồi phơi khô và làm lại nhiều lần rồi mới đem thử ở ếch, nhái. Để bả cá, người Dao chế biến thuốc dưới dạng nghiền bột hoặc giã nhỏ, cho vào sọt đặt xuống nước suối rồi lấy que khuấy đều để thuốc tan từ từ theo dòng nước chảy…