Đổi thay ở Đào Xá

Cập nhật: Thứ ba 09/04/2019 - 09:34
 Di tích lịch sử Kè Lũ Yên, xã Đào Xá (Phú Bình).
Di tích lịch sử Kè Lũ Yên, xã Đào Xá (Phú Bình).

Kè Lũ Yên ở xã Đào Xá (Phú Bình), nơi từng ghi dấu chân Bác Hồ ghé thăm nay đã ngả xanh rêu màu theo thời gian. Men theo dòng sông Đào với những thăng trầm của lịch sử, chúng tôi về với Đào Xá, nghe kẻ chuyện về kè Lũ Yên, về mảnh đất thuần nông Đào Xá đang thay da đổi thịt từng ngày.

Ông Nguyễn Văn Diễm, xóm Tân Sơn, một trong những nhân chứng được gặp Bác Hồ kể lại: Năm 1958, Đào Xã là một trong hai địa phương của tỉnh được đưa vào thử nghiệm máy bơm nước tự động. Tháng 3-1958, Bác Hồ đến thăm kè Lũ Yên và dặn dò người dân Đào Xá phải cố gắng giữ gìn và bảo vệ kè để đảm bảo nước tưới cho ruộng đồng, phục vụ sản xuất… Ngày nay, cũng tại đây, máy bơm nước năm xưa đã được thay bằng trạm bơm điện để đưa nước cho hơn 20ha rau màu, ruộng đồng, hồ nuôi cá của nhân dân các xóm: Tân Sơn, Dãy, Trám và một phần của xóm Tân Lạc.

Đào Xá là xã thuần nông nên sản xuất nông nghiệp vẫn là nguồn thu nhập chính của bà con. Tuy nhiên trước đây, nông dân Đào Xá mới chỉ bám ruộng đồng nhỏ lẻ manh mún mà chưa mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất cũng như thử các loại hình kinh doanh khác, nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Chị Vũ Thị Hồng, Chủ tịch UBND xã Đào Xá chia sẻ: Để đánh thức tiềm năng của Đào Xá, UBND xã đã xác định mục tiêu đầu tiên là phải giúp người nông dân thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế. UBND xã đã phối hợp với các phòng, ban, tổ chức cho người dân đi học tập kinh nghiệm tại các mô hình chăn nuôi, trang trại gia súc, gia cầm, các mô hình dịch vụ… Hỗ trợ thủ tục cho người dân vay vốn Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện, tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển các mô hình sản xuất tiểu thủ công nghiệp, vận tải, dịch vụ…

Xã chỉ đạo các xóm thực hiện tốt công tác tu sửa các trạm bơm, hồ đập phục vụ kịp thời cho sản xuất, nạo vét hệ hống kênh mương cũng như công tác quản lý, sử dụng và khai thác các trạm bơm, hồ đập. Vừa qua, hệ thống kênh mương của xóm Xuân Đào đã được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí gần 800 triệu đồng hiện đang chờ nghiệm thu đưa và vào sử dụng. Xã cũng đã tiến hành thi công xây dựng 1 trạm bơm điện xóm Đoàn Kết và 500m kênh mương kinh phí 1 tỷ đồng để phục vụ cho bà con sản xuất nông nghiệp.

Những năm qua, nhiều cánh đồng mô hình lúa lai, ngô lai xanh mượt có năng suất cao đã được triển khai trên địa bàn xã. Người dân Đào Xá đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc các loại cây màu để cho năng suất, chất lượng cao. UBND xã phối hợp với các đoàn thể, cơ quan chuyên môn như Phòng Nông nghiệp - PTNT, Trạm Khuyến nông huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân về trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ vậy,  sản xuất nông nghiệp của Đào Xá có bước phát triển cả về diện tích và sản lượng.

Năm 2018, toàn xã Đào Xá trồng được 53ha lạc, sản lượng trên 100 tấn; 18,7ha đậu tương, sản lượng gần 33 tấn; gần 700ha cây màu, sản lượng đạt trên 3.200 tấn, vượt hơn 100% kế hoạch đề ra. Hiện nay, tổng đàn gia súc trong toàn xã đạt gần 2.000 con. Trong xã có nhiều trang trại có quy mô lớn như: Gia đình anh Đào Xuân Hiểu; anh Nguyễn Văn Thái (xóm Dãy); anh Nguyễn Văn Phước (xóm Trám)... Trên địa bàn xã có 158 cơ sở, hộ kinh doanh, dịch vụ, vận tải, sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Nhiều hộ đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 7%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 32 triệu đồng/người năm (tăng gần 5 triệu đồng so với năm 2016). Tính đến cuối năm 2018, Đào Xá đã hoàn thành tất cả các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Năm tháng trôi qua, kè Lũ Yên cùng những chứng tích lịch sử vẫn cón đó nhưng cuộc sống và diện mạo của người dân Đào Xá đã thay đổi và phát triển từng ngày. Thành quả đó đến từ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo tích cực, sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền và quan trọng hơn là sự thay đổi tư duy trong sản xuất của những người nông dân đã giúp vùng quê thuần nông này có những bước chuyển mình vững chắc.

Thu Nga
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: