Ga Lưu Xá - những chuyến tàu thời gian
Các nhân chứng thăm lại ga Lưu Xá, nơi 60 chiến sĩ Đại đội 915 đã anh dũng hy sinh đêm 24/12/1972. Ảnh tư liệu |
Cùng với sự ra đời của Khu công nghiệp Gang Thép năm 1959, tuyến đường sắt Đông Anh - Quán Triều và Ga Lưu Xá cũng được xây dựng. Ngày 11/7/1959, nhân dân Thái Nguyên vui mừng đón chuyến tàu đầu tiên thông tuyến. Trải qua bao nắng mưa, bom đạn, ga Lưu Xá đã chứng kiến sự phát triển, thăng trầm của ngành công nghiệp nặng, chứng kiến bao cuộc chia ly và trùng phùng của người dân Thành phố Thép...
Ông Phạm Văn Tấn, nguyên Cung trưởng cung đường Lưu Xá, người có mặt xây dựng ga từ năn 1965, người đã lăn lộn với từng đường ke, từng bộ ghi, từng mét ray và mọi ngóc ngách của ga Lưu Xá xưa, kể lại tỉ mỉ cho tôi nghe về ga Lưu Xá: Ga được xây dựng trên nhiều quả đồi um tùm rậm rạp. Nhà ga chính có 11 đường ray, 3 đường ke và 24 bộ ghi. Ga Lưu Xá có một khu hóa trường gồm 5 đường ke từ B1 đến B5. Trong đó B1, B2, B5 là ke nối với kho lương thực thực phẩm. Ke B3, B4 là ke quân sự. Cùng với hệ thống đường ray, boong ke, kho hàng, ga Lưu Xá còn có hai trạm cấp nước, một cấp nước bằng máy cấp nước, một trạm cấp nước bằng đường ống.
Nhắc đến ga Lưu Xá xưa cũng phải nhắc tới tuyến đường sắt Lưu Xá - Mỏ sắt Trại Cau, tuyến đường sắt Kép - Lưu Xá, là hai trong ba tuyến đường sắt khổ rộng hoàn toàn 1435 mm duy nhất tại Việt Nam cùng với đường sắt Kép - Cái Lân.
Ban đầu, ga Lưu Xá được xây dựng để phục vụ Khu công nghiệp Gang Thép. Do nhu cầu phục vụ vận tải hành khách và đảm nhiệm vai trò là huyết mạch của khu vực phía Bắc, ga Lưu Xá thêm chức năng của nhà ga hành khách.
Trong chiến tranh phá hoại, từ những năm1965, 1966, 1967, ga Lưu Xá liên tiếp là mục tiêu bắn phá của giặc Mỹ.
Ông Phạm Văn Tấn bồi hồi: Ngày 29/4/1966, lần đầu tiên máy bay Mỹ ném bom trúng vào phía Nam ga Lưu Xá, cắt đứt ba đường ray. Từ đó cho đến đầu năm 68 Mỹ liên tục đánh bom vào ga Lưu Xá.
Trong những năm tháng chiến tranh, cán bộ công nhân viên hỏa xa - chiến sĩ ga Lưu Xá đã sống và làm việc theo khẩu hiệu “Qua sông không cầu, chạy tàu không ga”, “Sống bám ga, bám tàu”. Họ đã viết lên bản hùng ca tuyệt đẹp để giữ vững huyết mạch giao thông. Tinh thần “Địch phá ta sửa ta đi, địch lại phá ta lại sửa ta đi” đã giúp họ vượt lên mọi khó khăn gian khổ để thông đường, đảm bảo mạch máu giao thông, tất cả cho những chuyến tàu an toàn.
Ngày 13/5/1968, khi Hội nghị Pari khai mạc phiên họp đầu tiên, Mỹ mới ngừng bắn phá tại ga Lưu Xá. Năm 1971, ga Lưu Xá được xây lại. Tháng 3-1971, chuyến tàu đầu tiên với cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ từ ga Hà Nội chạy lên ga Lưu Xá. Nhà ga vinh dự được đón ông Hồng Xích Tâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt và ông Doanh Hằng, Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Thái Nguyên tới dự.
Chủ tịch Doanh Hằng đã phát biểu một câu mà cán bộ, công nhân viên nhà ga Lưu Xá còn nhớ mãi tới tận bây giờ: “Ga Lưu Xá và tuyến đường sắt Đông Anh - Quán Triều được xây dựng đã tô thêm vẻ đẹp và làm thay đổi bộ mặt của TP. Thái Nguyên”.
Đúng vậy, người dân nơi đây đã được nhìn thấy một nhà ga cùng những con tàu đi, về chở nặng những mặt hàng chiến lược và hành khách từ khắp bốn phương trời. Những tiếng còi tàu đã trở thành những âm thanh vang vọng trong mỗi trái tim con người Thái Nguyên.
Bà Trần Thị Vi, một người từng tham gia xây dựng nhà ga trong những ngày chiến tranh, đã gắn bó cả tuổi thanh xuân của mình cùng với ga Lưu Xá, nói: Mỗi lần nhắc đến ga Lưu Xá trong tôi lại đong đầy cảm xúc. Tôi từng được chứng kiến nhiều lớp thanh niên lên đường nhập ngũ từ nhà ga này, chứng kiến những đoàn tàu chở xe tăng, hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam. Đặc biệt, đêm noel 24/12/1972 tại Ga Lưu Xá là khoảnh khắc bi hùng: 60 người con của Đại đội Thanh niên xung phong 915 đã ngã xuống vì Tổ quốc. Đó là những cảm xúc mà suốt đời tôi không thể nào quên.
Tôi là thế hệ sau, nhưng ga Lưu Xá cũng để lại trong tôi những hình ảnh hào hùng. Đó là khi những đoàn tàu chở xe tăng và pháo ngược lên phía Bắc hồi năm 1979 cùng những bản hùng ca vang dội : “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới...”. Một chiều Hè, tôi trở lại ga Lưu Xá, lòng vẫn háo hức như bắt đầu khám phá một miền đất mới, dù tâm trí vẫn còn nguyên vẹn hồi còi trên sân ga cùng bao hạnh phúc và đau thương trên mảnh đất này.