Giáo sư Vũ Khiêu và bản hùng văn đi vào lịch sử: “Chuông tưởng niệm Thanh niên xung phong Đại đội 915”

Cập nhật: Thứ sáu 30/09/2022 - 11:55
 Khu di tích lịch sử Quốc gia địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong Đại đội 915 - Đội 91 Bắc Thái, ở phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên). Ảnh: Hoàng Hùng
Khu di tích lịch sử Quốc gia địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong Đại đội 915 - Đội 91 Bắc Thái, ở phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên). Ảnh: Hoàng Hùng

Ngày Quốc tế Người cao tuổi mùng một tháng Mười năm 2022 này, Giáo sư Vũ Khiêu đã về cùng tiên tổ một năm. 915 là cái tên bi tráng, cũng là một điểm nhấn của TP. Thái Nguyên Anh hùng. Nhân kỷ niệm nửa thế kỷ sự kiện 915, mà giáo sư Vũ Khiêu có những đóng góp, tôn vinh, chúng tôi xin viết lại một kỷ niệm vào dịp cuối Xuân, đầu Hè năm Kỷ Sửu 2009, tại Thái Nguyên, trong một sự kiện lớn...

Năm ấy, Nhà nước quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đại đội 915, Đội thanh niên xung phong 91 Bắc Thái do có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là sự hy sinh của 60  thanh niên xung phong tối Noel 24/12/1972 tại ga Lưu Xá.

Chúng tôi xây dựng một chương trình truyền hình trực tiếp, kịch bản tái hiện sự kiện rất công phu, đồ sộ. Giáo sư Vũ Khiêu - Nhà văn hoá hàng đầu Việt Nam, mặc dù năm đó đã ở tuổi 94 vẫn nhận lời mời của tỉnh lên giúp. Chúc văn đề tặng Khu di tích và được thể hiện trong Chương trình truyền hình của Giáo sư như một áng hùng văn ca ngợi tấm gương chiến đấu, hy sinh vừa hào sảng, vừa sâu sắc, nhân văn. Với người làm báo, đặc biệt làm kịch bản truyền hình thì việc được tiếp cận với Giáo sư là một cơ may. Trong buổi trò chuyện, ghi hình cùng ê kíp tôi đã trực tiếp trao đổi với Giáo sư:

- Thưa Giáo sư, xin cho độc giả, khán giả được hiểu nghĩa của câu: “Sáu chục bạn hiên ngang thọ tử”? Giáo sư cười:

 - Hy sinh, chết của con người là quy luật, lẽ thuận thiên. Song chết vì ai, hy sinh vì ai? Lý tưởng nào là câu chuyện phải ghi tạc. Tỷ dụ “Có cái chết làm nên lịch sử/Có cái chết hoá thành bất tử” là của cụ Tố Hữu thay mặt nhân dân tặng cho Anh hùng liệt sĩ  Nguyễn Văn Trỗi…”. Thác mà trả nước non rồi nợ/Danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen/Thác mà ưng, đình miếu để thờ/Tiếng hay trải muôn đời ai cũng mộ” là cụ Đồ Chiểu tặng các nghĩa sĩ Cần Giuộc. Thác rồi mà danh còn vang vọng với non sông, tên tuổi còn mãi với đất nước… Thọ tử là vậy! Hơn nữa, cứ sau một “Tiếng chuông” chiêu hồn, tôi viết ở những nơi linh thiêng, thường có “Bài Minh” đi kèm để người đọc hiểu thấu hơn cái lẽ mà tôi ghi ra.

Sau đó, tôi có ngỏ ý xin Giáo sư Bài Minh. Cụ nể, nên cho. Tôi xin trích: “Qua nội dung trình bày trong một cuốn sách và biên bản của lãnh đạo Thái Nguyên đề nghị tặng danh hiệu cao quý cho Đại đội 915, tác giả thấy các sự kiện rất phong phú và đứng trước một khó khăn rất lớn là làm thế nào thu gọn lại được trong một bài viết trên quả chuông. Chính vì thế mà từng câu, từng chữ phải có một sức khái quát lớn. Đó là công việc mà tác giả phải dành nhiều tháng để viết đi, viết lại nhiều lần mới thu gọn lại được”…

Trong Bài Minh, Giáo sư còn giải thích rõ: Đoạn thứ nhất: Chuông đặt tại Thái Nguyên, các liệt sĩ là người Bắc Thái nên sức mạnh Việt Bắc, cái nôi cách mạng và kháng chiến. Đoạn thứ hai: Nhiệm vụ của Đại đội 915 rất quan trọng, đó là chi viện chiến trường và nói về sự hung tàn, bạo ngược của kẻ địch. Đoạn thứ ba, đêm Noel và sự hy sinh lẫm liệt trong ngày của Chúa. Đoạn thứ tư: Tiếng chuông thời đại mới, sức mạnh thiêng liêng và uy linh… Tác giả mong muốn là hồi chuông thức tỉnh cho cả xã hội ngày hôm nay về đạo lý làm người phải sống như thế nào?”

Trong cả cuộc đời viết hơn 80 năm, Giáo sư Vũ Khiêu chỉ viết có 8 bài văn thể tưởng niệm liệt sĩ, trong đó có bài về Đại đội 915. Và, bây giờ không dễ tìm một bài toàn văn…

                                                                                       ***

Sinh năm 1916, tại làng quê khoa bảng và cách mạng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, Vũ Khiêu tham gia cách mạng từ thời niên thiếu, nhiều năm làm công tác tuyên huấn, văn hoá của Đảng trên ATK Thái Nguyên, thế hệ cận vệ đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giáo sư từng giữ chức Giám đốc Sở Văn hoá khu 10 tại Việt Bắc (1947-1954).

Sau năm 1954, ông về Hà Nội, là một trong những người đầu tiên xây dựng ngành Xã hội học của Việt Nam, Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học Việt Nam… Ông được phong hàm Giáo sư lớp đầu. Ông viết và tham gia hàng trăm tác phẩm đồ sộ, trong đó lớn nhất là bộ sách 3 tập, hơn 1500 trang “Bàn về văn hoá Việt Nam”.

Giáo sư được tặng nhiều giải thưởng, trong đó lớn nhất là Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học đợt 1 năm 1996. Năm 2000, Giáo sư được phong tặng Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Năm 2010, Giáo sư có 2 vinh dự lớn: Là công dân tiêu biểu của Thủ đô nhân 1000 năm Thăng Long và viết bài Chúc văn cho Nguyên thủ Quốc gia đọc tại Lễ cẩn cáo tổ tiên trên Đền Hùng, lay động tinh thần và niềm tự hào dân tộc của hàng triệu con tim Việt Nam.

Là người có nhiều đóng góp với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, sức lao động sáng tạo và cống hiến không ngừng nghỉ, Giáo sư Vũ Khiêu nhận được sự tôn kính của các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân, trong đó có cán bộ và nhân dân Thái Nguyên, nơi mà Giáo sư và gia đình từng gắn bó.

Viết để khắc chuông, khắc tâm tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, bài Chuông tưởng niệm Thanh niên xung phong Đại đội 915 là một trong 8 hùng văn mà Giáo sư rút ruột viết nên, cũng là quà tặng cho muôn đời, cho TP. Thái Nguyên mà chúng ta đang sống.

Chuông tưởng niệm thanh niên xung phong thuộc Đại đội 915

Ngày hôm nay

Chuông rung lên, lộng gió bình minh

Chuông dội khắp, gọi hồn quá khứ

Dưới bầu trời Việt Bắc uy linh

Đây mảnh đất Thái Nguyên lịch sử

Giữa gang thép ngàn lần thử lửa

Với quân thù trăm trận thi gan

Đây Đại đội 915 Bắc Thái

Họp con em hai tỉnh xung phong

Chỉ sông núi: Một thề cứu nước

Sao bảo toàn võ khí quân lương

Kịp tiếp ứng nhu cầu chiến lược

Dù kẻ địch ngày đêm bạo ngược!

Vì tiền phương chẳng kể gian nan

Ngày 24 ngàn thu nhớ mãi:

Gia Sàng nhộn nhịp, kẻ vác người khiêng

Lưu Xá tơi bời, bom rơi đạn nổ

Cả một đoàn cùng nguyện hy sinh

Sáu chục bạn hiên ngang thọ tử

Máu trung liệt phơi đầy đất đỏ

Khí anh hùng cao vút mây xanh

Hướng tới ngày mai

Chuông vang điệp khúc khải hoàn

Chuông vọng hồn thiêng liệt sĩ

Ba hồn tưởng niệm rung tâm trí

Một ánh uy linh rực đất trời

Ngàn thu thức tỉnh đạo làm người

Muôn dặm trải dài gương tuổi trẻ

Thái Nguyên năm Kỷ Sửu

Vũ Khiêu

Hữu Minh
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: