Ngành Giáo dục thành phố thời hoa lửa
Tôi có may mắn là sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm trung cấp Trung ương, năm 1966, được Bộ Giáo dục điều động về Thái Nguyên. Ty Giáo dục lại phân công tôi về thành phố. Ông Trưởng phòng hỏi mà tôi không biết phải trả lời thế nào:
- Bây giờ các trường được lệnh phòng không sơ tán, tinh thần thời chiến. Có ba khu vực sơ tán ngoài thành phố là: Linh Sơn, Sơn Cẩm, Thịnh Đức, anh bạn trẻ có đề xuất nguyện vọng gì không?
Tôi lắc đầu. Thế là nhận quyết định lên khu sơ tán của Trường Cấp hai Hoàng Văn Thụ. Đó là một khu vực nằm trong thung lũng đồi Cây Đa, cây số 6 đi Bắc Kạn, thuộc xã Sơn Cẩm, huyện Phú Lương.
Còn chục ngày nữa vào năm học, thầy trò bắt tay ngay vào tự làm lớp học. Lớp xẻ một góc chân đồi, lớp nọ cách lớp kia trên 100 mét. Mỗi lớp đào rộng khoảng 40 mét vuông, sâu khoảng 3 mét, có hai cửa ra vào, các cửa thông ra giao thông hào một đoạn dài, trên có lát tre phủ đất.
Mái lớp cũng bắc kèo tre, lợp lá cỏ gianh xin ngay ở nhà dân xung quanh Trường. Có lớp lợp lá mía khô vì dân vùng này trồng khá nhiều mía. Bàn ghế toàn bằng tre hoặc tấm ván xẻ đơn sơ, bảng cũng ghép bằng mấy tấm ván, bào sơ qua, đánh nhọ nồi.
Học sinh hầu hết đã lớn, có em chỉ kém tôi đôi ba tuổi, hầu hết là con công nhân Mỏ than Khánh Hòa, Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ, Nhà máy cơ khí 3-2... Các em rất chăm chỉ, chất phác.
Các buổi học chính đều vào ban đêm. Ngoại khóa và học nhóm được tổ chức ban ngày ở ngay khu vực sơ tán các gia đình công nhân. Lúc đang học có báo động, các em che đèn chai hoặc tắt bớt đi chạy ra giao thông hào, hết báo động lại vào lớp. Thế mà học trò rất chăm ngoan, chịu khó tiếp thu bài. Ban văn nghệ của lớp giờ giải lao đều cho hát các bài tiền chiến yêu nước rất sôi động. Khẩu hiệu “Tiếng hát át tiếng bom” cũng có thể đúng ở các trường học lúc ấy.
Những năm đầu dạy học của tôi đầy ắp kỷ niệm không bao giờ quên.
Năm 1971, tôi được điều động về công tác ở phòng Giáo dục thành phố và ở đó 15 năm, được chứng kiến những thăng trầm của ngành Giáo dục thành phố Thái Nguyên. Đó chính là tinh thần “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt” vì thế hệ tương lai của một thành phố Anh hùng.
Trong những năm 1971 – 1972 với các cuộc oanh kích, bắn phá, có cả B52 dữ dội vào các trọng điểm của thành phố, nhưng các trường học vẫn duy trì hoạt động đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh. Gần như không có thầy cô hay học sinh nào bị mất sau các cuộc bắn phá. Đó là một kỳ diệu. Một vài lớp học hư hỏng được địa phương cho sửa chữa kịp thời. Nhiều trường vẫn phấn đấu theo tiêu chuẩn của trường tiên tiến, chuẩn Quốc gia như Trường Phổ thông cơ sở Hoàng Văn Thụ, Nha Trang, Hương Sơn, Tân Thành, Đồng Quang; Tiểu học Nha Trang, Gang Thép, Đội Cấn,...
Tuy nhiên, trong thời kỳ bao cấp, các thầy cô giáo gặp rất nhiều khó khăn. Tất cả trang thiết bị từ sách giáo khoa, giấy soạn bài, lọ mực cho đến cái bút chì, viên phấn cũng cấp phát từ trên. Có lúc phấn kém chất lượng, ẩm mục, mực viết pha loãng vẫn phải tiết kiệm dùng. Đội ngũ giáo viên đã thiếu lại khập khiễng, thiếu cân đối, dạy kiêm, dạy chéo môn, dạy khác cấp đào tạo luôn xảy ra.
Nguyên nhân là các trường Sư phạm không kịp cân đối với yêu cầu sử dụng. Không ai quên được chuyện hàng trăm giáo viên dạy tiếng Nga được đi bồi dưỡng về dạy tiếng Anh và Giáo dục công dân. Kiểu bồi dưỡng sư phạm cấp tốc, hay còn gọi đùa là “sư phạm gốc mít” như một giai thoại nhớ đời.
Chuyện tuyển giáo viên vỡ lòng vào biên chế cũng thấy lạ. Năm 1976, Bộ Giáo dục có chủ trương cho tuyển giáo viên vỡ lòng vào cấp một. Các bà, các cô dạy thì tốt đấy, không có lương mà vẫn phục vụ nhưng tuổi cao, trình độ văn hóa lại thấp. Phòng Giáo dục mở một lớp bổ túc văn hóa tập trung để các bà, các cô đều có bằng tốt nghiệp lớp 7. Thế là đủ điều kiện tuyển dụng. Có bà vào biên chế được đôi ba năm đã về hưu. Thế mà lớp người bây giờ còn sống vẫn nức lòng khen các cô giáo dạy vỡ lòng xưa chữ viết mẫu mực, tư cách hiền hòa.
Thời bao cấp, giáo viên dạy vất vả nhưng kinh tế rất nghèo. Có thời gian mấy tháng không lương. Hết giờ đi chợ bán cá, bán rau, cuốn thuốc lá, dán ni lông, đóng gói lạc rang, ... Thôi thì đủ mọi nghề. Khổ nhưng không hề bỏ buổi dạy nào, vẫn soạn giáo án đầy đủ. Cơ quan Phòng Giáo dục theo yêu cầu phòng không sơ tán nên giai đoạn 1965 – 1973 đã 5 lần chuyển địa điểm.
Nếu nói lịch sử 60 năm ngành Giáo dục thành phố Thái Nguyên thì giai đoạn từ năm 1970 đến năm 1985 chính là thời kỳ gian nan nhất. Tuy nhiên, những người làm công tác quản lý, các thầy cô giáo không chùn bước. Càng khó khăn càng sáng tạo, càng phấn đấu.
Đơn cử năm 1973, sau Hội nghị Paris được ký kết, mọi người dân nô nức trở lại thành phố. Số học sinh các vùng lân cận cũng về theo. Học sinh tăng gấp đôi. Phòng học thiếu nghiêm trọng, bàn ghế thiếu quá nhiều, giáo viên cũng thiếu. Tưởng chừng không qua nổi. Ngành Giáo dục đề ra phương án trình Thành ủy, UBND thành phố, lại được các phường, xã ủng hộ nên lễ khai giảng đã diễn ra đúng ngày. Khẩu hiệu “Gạch xỉ, gạch nung, nói chung là gạch” đã mô tả sự năng động, tận dụng cái đang có để vươn lên.
Ngành Giáo dục thành phố Thái Nguyên là mảnh đất mầu mỡ ươm bao nhiêu mầm sáng kiến. Nhiều đề tài nổi tiếng, như: Dạy đi đôi với hành, giảng dạy gắn liền thực tế sản xuất, chiến đấu; cải tiến phương pháp soạn giáo án, phát huy trí lực học sinh, Dự án Việt - Bỉ... Thành phố là nơi tổ chức các hội thảo khoa học, các cuộc thi giáo viên giỏi, học sinh giỏi, các đại hội thể dục, thể thao của tỉnh thành công tốt đẹp.
Bao giờ thành phố cũng có tỷ lệ thi tốt nghiệp cao nhất, số giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi, chiến sĩ thi đua, học sinh giỏi cao nhất tỉnh. Nhiều trường đạt chuẩn Quốc gia.
Chăm lo cho sự nghiệp giáo dục nhưng thành phố không quên nghĩa tình với miền Nam ruột thịt. Biết bao giáo viên trẻ xung phong nhập ngũ vào chiến trường. Biết bao thầy cô tình nguyện đi B chi viện cho giáo dục miền Nam như các thầy: Trần Ngọc Miện, Nguyễn Đức Lợi, Lê Hiệp...
Nhìn lại chặng đường 60 năm của ngành Giáo dục thành phố Thái Nguyên, ai cũng thấy tự hào. Lớp lớp những con cháu thành phố giờ đây học hành bài bản có ý chí vươn lên đang thực sự nắm trong tay vận mệnh của tương lai một đô thị văn minh, trí tuệ. Nhìn lại chặng đường 60 năm qua, không một cán bộ, giáo viên nào không ghi nhớ, những năm gian khó nhưng đầy nghị lực đã giúp cho ngành Giáo dục thành phố Thái Nguyên vững vàng hơn, lý trí hơn.
Bài học hôm qua như những trang hào hùng, như tấm huân chương sáng lấp lánh trên ngực các thầy cô, các bậc phụ huynh và hàng triệu học sinh thân yêu. Một chặng đường như bó hoa lửa rực sáng dẫn đường tương lai.