Những con đường một thời thân quen
Khu đường tròn trung tâm TP. Thái Nguyên xưa. Ảnh tư liệu |
Khi tôi học hết cấp hai (năm 1968) cũng là thời gian Mỹ tạm thời ngừng ném bom miền Bắc. Trường cấp ba Lương Ngọc Quyến là nơi tôi ngày hai buổi tới học. Vậy là mấy năm liền tôi gắn bó với các con đường trong trung tâm thành phố. Ngày ấy, vẫn còn thời chiến.
Con đường Bến Oánh rộng chừng hơn bốn mét, mặt đường rải cấp phối với những ruộng rau muống hai bên, đường này nối với đường đôi chạy từ khu chợ đến gần Bảo tàng Việt Bắc. Từ ngã tư Bảo tàng, con đường chạy qua chân đồi tưởng niệm (mọi người vẫn quen gọi phố Chó). Đường vòng ra trước Rạp hát ngoài trời rồi đi sát qua cổng trường Lương Ngọc Quyến, qua ngã tư Đồng Quang ra ga Thái Nguyên đi vào Thịnh Đán. Muốn đi từ chợ trung tâm vào phía Thịnh Đán chỉ có con đường này.
Thành phố thời gian này một số cửa hàng, cơ quan đã quay trở về hoạt động. “Bức tranh” thành phố những năm ấy vẫn còn nửa phố, nửa làng. Nhà không số, đường không tên. Trung tâm thành phố gói gọn từ Chợ chạy xuống ngã ba Gia Sàng (giờ là đường Cách mạng Tháng Tám) vòng sang ngã ba Bắc Nam, vòng lên ngã ba Mỏ Bạch (giờ là đường Lương Ngọc Quyến), rồi lại vòng về cầu Gia Bẩy. Nhiều lần đám học trò chúng tôi rủ nhau đạp xe quanh thành phố trên con đường ấy.
Gọi là thành phố nhưng chỉ lác đác vài dãy nhà hai, ba tầng. Đó là khu Ủy ban tỉnh, Bảo tàng Việt Bắc, Bệnh viện Việt Bắc (nay là Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên). Trường Lương Ngọc Quyến và Trường Bổ túc công nông (ngôi trường này ba tầng, trước ở cạnh đường Lương Ngọc Quyến gần Sở Giáo dục ngày nay, giờ không còn nữa). Còn lại hầu hết là nhà cấp bốn, cơ quan nhà nước tường xây, mái ngói.
Trong thành phố, khu phố Trưng Vương vẫn có Hợp tác xã trồng rau muống với những khu ruộng giáp Tỉnh ủy bây giờ và xung quanh Rạp chiếu bóng. Ruộng vẫn chạy dọc con đường từ Bưu điện đến ngã ba Gia Sàng. Khu Phan đình Phùng và Hoàng Văn Thụ thì chỉ mặt đường có vẻ phố xá, bên trong vẫn là làng.
Con đường tôi đi học có mỗi đoạn từ chợ ra đến Bảo tàng có hàng cây xà cừ râm mát, còn lại vẫn là ruộng hai bên. Thậm chí, trước Rạp ngoài trời và giáp cổng Trường Lương Ngọc quyến vẫn còn những vạt rừng vầu um tùm ngay ven đường. Xung quanh trường vẫn có những rặng tre, xen dáng cây phi lao, bạch đàn. Bên kia đường về phía Tây của Trường là bến xe. Cạnh đó có cửa hàng ăn uống số 2, đằng sau cũng um tùm một vườn tre. Cảnh sinh hoạt trong thành phố tuy thời chiến nhưng đã có ồn ào, nhất là dịp 2-9, con đường đôi từ Bến Tượng đến Bảo tàng với mấy hàng xà cừ râm mát đông nghịt người. Những ngày đó, đoạn đường này là nơi đông vui nhất.
Trong thành phố có hai cửa hàng ăn uống. Cửa hàng số 1 ở ngay ngã tư Bưu điện, đúng góc giáp với khu hành chính tỉnh bây giờ. Cửa hàng số 2 nằm ở Trung tâm thương mại Đồng Quang hiện nay, chỉ là nhà mái lá, tường trát vách, bên trong có mấy chiếc bàn tre, ghế đẩu. Chiếc bảng con với mấy thực đơn “vĩnh cửu”.
Khách đến ăn mà đúng lúc đông người phải xếp hàng. Mua bát phở có cái vé bằng sắt tây, vuông, có lỗ ở giữa. Người làm phở nhận vé, xâu vào mấy chiếc đinh đóng ở cạnh bàn. Khách đứng đợi rồi tự bê ra tìm bàn ăn. Phở ở đây có hai loại: Phở “có người lái”, gồm mấy miếng thịt nửa nạc, nửa mỡ thái mỏng, trên loáng thoáng lá hành. Phở “không người lái” chỉ có mỳ và hành, năm hào một bát. Bánh rán không có nhân, chỉ bột mỳ nhào đường, ủ bột nở rồi cho lên rán. Hai hào một chiếc.
Những ngày lao động không về, mẹ tôi cho một nghìn, vào cửa hàng ăn gần bến xe mua năm cái bánh. Cứ một tốp rủ nhau vào mua rồi chui ra vườn tre đằng sau ăn xả láng. Những ngày nóng, cửa hàng có thêm kem, mua kem cũng xếp hàng. Cửa hàng làm mỗi mẻ có số lượng nhất định, nên nhiều lần tôi xếp hàng đến lúc được mua thì hết kem…
Yên bình được mấy năm, giữa năm 1972, Mỹ quay lại đánh phá miền Bắc. Tiếng bom đạn lại rung chuyển thành phố. Đợt cuối cùng Mỹ cho B52 ném bom ác liệt Khu Gang thép, ga Lưu Xá, ga Quán Triều, rồi phía Bắc, phía Đông thuộc ngoại vi thành phố.
Từ năm 1973, thành phố mới trở lại yên bình. Những năm tháng sau đó tôi ở xa quê, thi thoảng trở về, nhưng nhớ về những ngày đó, tôi thấy yêu biết bao những ký ức gian khó một thời trên thành phố quê hương.