Thành Đồng Mỗ trong không gian văn hóa lịch sử của thành phố

Cập nhật: Chủ nhật 25/09/2022 - 16:31
 Chùa Đồng Mỗ, TP. Thái Nguyên.
Chùa Đồng Mỗ, TP. Thái Nguyên.

Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, mảnh đất thành phố Thái Nguyên đã mang dáng dấp một đô thị. Ngay khi các nhà nước phong kiến hình thành và phân chia địa giới hành chính, người xưa đã chọn nơi này đặt lỵ sở. Các nhà nghiên cứu cho rằng sở dĩ như vậy bởi địa bàn thành phố có phong thủy đẹp, thế đất đại cát, đại quí mang đến sự an bình, thịnh đạt. Một minh chứng cho nhận định đó là sự tồn tại của thành Đồng Mỗ (còn gọi là thành Thái Nguyên).

Theo Quốc sử quán triều Nguyễn: Thành Đồng Mỗ đặt tại xã Đồng Mỗ (nay thuộc phường Trưng Vương). Kế bên thành là các khu dân cư và nơi giao thương sầm uất bậc nhất trong số các trấn phủ phía Bắc. Trước đó, khu vực Đồng Mỗ là nha môn huyện lỵ Động Hỷ (nay là Đồng Hỷ), phủ lỵ Phú Lương. Thời nhà Mạc còn đào hào nước từ sông Cầu cho thuyền bè vào cổng thành qua mạn Túc Duyên hiện nay.

Năm Gia Long thứ 12 (1813), trấn lỵ Thái Nguyên được chuyển từ Thiên Phúc (Sóc Sơn) về Đồng Mỗ để tiện cho việc cai trị. Phủ lỵ Phú Lương chuyển về Quan Triều, thành Đồng Mỗ chính thức được xây dựng. Ban đầu, thành được đắp bằng đất, chu vi 345 trượng, cao 9 thước, mở 4 cửa, hào rộng 3 trượng, sâu 5 thước bao quanh. Năm Tự Đức thứ 12 (1849), thành được xây bằng gạch. Thành Đồng Mỗ vừa mang tính chất một quân thành, vừa hoạt động dân sự.

Năm Minh Mạng thứ 12, ngày 4/11/1831, trấn Thái Nguyên được nhà vua cho danh xưng hành chính cấp tỉnh. Năm 1832, để thể hiện uy lực cho các thành trì, triều đình cho thành Đồng Mỗ đặt 2 cỗ súng đại luân xa bằng đồng, 4 súng tích sơn bằng đồng và 16 cỗ hồng y bằng gang, tổng cộng 22 cỗ và 2.000 viên đạn.

Năm 1834, triều đình đổi việc đặt súng. Thành Đồng Mỗ đặt một cỗ súng đồng đại luân xa, một cỗ súng đồng phách sơn, 2 cỗ súng gang phách sơn, 8 cỗ súng gang hồng y và 10 cỗ súng đồng quả sơn. Khi người Pháp chọn Thái Nguyên làm tỉnh lỵ, dinh công sứ Pháp được xây dựng tại quả đồi bên sông Cầu (nay là Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam). Trại lính cùng một số cơ quan đều đóng gần dinh công sứ Pháp, tòa thành bị bỏ hoang.

Những năm tháng bị thống trị của chế độ phong kiến và sự đô hộ của thực dân Pháp, Thái Nguyên luôn diễn ra các cuộc nổi dậy chống lại áp bức bóc lột, đòi quyền tự quyết, trong đó tiêu biểu là cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917. Cuộc khởi nghĩa đã làm nên bản hùng ca tràn đầy khí phách, thể hiện ý chí, khát vọng độc lập dân tộc, cổ vũ lòng yêu nước của nhân dân ta, làm rung chuyển chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương, viết lên một trang sử vàng oanh liệt chống thực dân Pháp xâm lược.

Từ khi Đảng ta được thành lập và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Thái Nguyên là nơi có phong trào cách mạng từ rất sớm và lan tỏa thành cao trào đấu tranh rộng khắp theo đường lối, chủ trương giải phóng dân tộc của Đảng. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn ATK Định Hóa (Thái Nguyên) cùng một số tỉnh trong vùng Việt Bắc làm căn cứ địa cách mạng. Thị xã Thái Nguyên thực hiện tiêu thổ kháng chiến và là vùng đệm bảo đảm an toàn cho căn cứ địa.

Hòa bình lập lại trên miền Bắc, Thái Nguyên vừa là tỉnh lỵ của tỉnh Thái Nguyên, vừa là thủ phủ của Khu Tự trị Việt Bắc. Năm 1959, Thái Nguyên được Chính phủ chọn là nơi xây dựng Khu liên hợp Gang thép, “đứa con đầu lòng” của ngành Công nghiệp luyện kim Việt Nam. Vinh dự ấy tạo tiền đề quan trọng cho thị xã thay đổi diện mạo mang dấu ấn một đô thị hiện đại. Ngày 19/10/1962, Hội đồng Chính phủ ký Quyết định số 114 thành lập thành phố Thái Nguyên.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều hành động quả cảm vừa sản xuất, vừa chiến đấu đã thể hiện bản lĩnh, ý chí của người dân thành phố. Đặc biệt, chiến công và sự hy sinh anh dũng của 60 đội viên Đại đội 915, Đội TNXP 91 Bắc Thái trong đêm Noel 24/12/1972 tại khu vực ga Lưu Xá là một biểu hiện sáng ngời của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng.

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển chung của tỉnh và cả nước, thành phố Thái Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc khai thác tiềm năng, thế mạnh và nguồn lực phát triển kinh tế. Cơ sở hạ tầng được tập trung đầu tư, các đường phố mới, khu đô thị mới với những công trình xây dựng kiểu dáng kiến trúc đa dạng mọc lên, làm cho bộ mặt đô thị thay da đổi thịt và ngày càng khang trang hiện đại.

Hệ thống các trường đại học, cao đẳng đứng thứ ba cả nước sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, là nơi chứa hàm lượng tri thức lớn. Các khu công nghiệp và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cả trong và ngoài thành phố tập trung một lượng lao động đông đảo, có trình độ tay nghề cao.

Theo quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2035, thành phố Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, thể thao, du lịch đầu tầu phát triển của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là một cực phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội, là đô thị cửa ngõ, có vai trò kết nối giữa vùng Thủ đô và vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Cuối năm 2021, khu vực phường Trưng Vương cũng đã được điều chỉnh quy hoạch cục bộ, nhằm mở rộng quảng trường, không gian công cộng, thương mại, văn hoá nghệ thuật, cơ quan, phố đi bộ, cây xanh tạo thành trục cảnh quan kết nối Quảng trường Võ Nguyên Giáp với sông Cầu tạo điểm nhấn đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.

Kỷ niệm 60 thành lập, thành phố Thái Nguyên đã mang tầm vóc và vị thế mới. Những chương sử truyền thống, nhất là từ khi thành lập đến nay, là niềm tự hào và là một tài sản vô giá. Tuy nhiên, cơ sở hình thành đô thị vùng trong thời kì phong kiến là thành Đồng Mỗ hiện dấu tích đã khuất lấp.

Bản sắc của bất kỳ đô thị nào cũng cần có không gian mang nét lịch sử văn hóa được kiến tạo từ cội nguồn. Bởi thế, chúng tôi cho rằng để ghi dấu một thời kì lịch sử, nhân dịp này thành phố nên dựng bia ghi lại vị trí của thành Đồng Mỗ, hoặc từng bước nghiên cứu phục dựng một cổng thành. Trong quy hoạch kiến trúc cũng nên lưu tâm đến yếu tố phong thủy người xưa đã chọn lựa tại địa danh này.

Phan Thái (TP. Thái Nguyên)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: