Thành phố 60 mùa Xuân vững bước
Khu vực trung tâm hành chính của tỉnh tại TP. Thái Nguyên hiện nay. Ảnh: Nguyên Ngọc |
Tôi theo cha lên Thái Nguyên từ năm 1953. Lúc đó mới tám tuổi. Nay đã 77 tuổi, vẫn sống ở thành phố Thái Nguyên. Bởi vậy, nơi đây là quê hương mến yêu của tôi.
Cảm nhận đầu tiên của tôi, đó là một vùng đất đồi núi lúp xúp và xanh ngắt thông reo. Cánh rừng thông chạy dài hình cánh cung từ Nam lên Bắc, từ Tây sang Đông, gió thổi cất lên bản nhạc không lời bất tận.
Mấy năm sau, bạn bè rủ ra chơi thị xã thì màu xanh còn cuốn hút hơn nhiều. Những tán lá bàng cổ thụ xòe ra xanh bóng rợp phố Trưng Vương. Hàng cây xà cừ chạy dài từ ngã ba Bắc Nam đến tận ngã ba Mỏ Bạch xanh rờn. Đồi cây nơi Tòa Công sứ cũ như một mâm xôi khổng lồ đón gió sông Cầu. Chúng tôi nhảy nhót rồi leo lên đồi thông, nhặt quả đùa vui. Sau này khi thị xã lên thành phố, do nhu cầu xây dựng mà đồi thông bị chặt hết. Mấy cây bị đốn cuối cùng là ở ngã tư, chân Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ bây giờ. Nhớ về rừng thông mà thấy nao nao trong lòng.
Người ta bảo thành phố Thái Nguyên là thành không phố, nhà không số. Thực ra cũng đúng một phần. Lúc thành lập, thành phố chỉ có 6 tiểu khu. Tuy nhiên, thành phố cũng có đủ “màu sắc” của một trung tâm giao dịch, ví như bến Than gần cầu Gia Bẩy, chuyên buôn bán than cho dân khắp nơi, luôn tấp nập xe, thuyền. Than theo đường goòng chở từ Mỏ than Núi Hồng, làng Cẩm về. Bến Tượng nhộn nhịp là bởi có chợ trên bến dưới thuyền, đủ các mặt hàng xuôi ngược. Bến Oánh là nơi buôn bán lâm sản: Gỗ, nứa, tre, song, mây... Các chợ vẫn là nơi diễn ra hoạt động thương mại chính của Thái Nguyên. Thời kỳ giặc Mỹ bắn phá, các chợ vẫn họp, khu Gang thép có chợ khu Nam vẫn rất sầm uất.
Vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, ở thành phố Thái Nguyên có những nhà kinh doanh nổi tiếng, lao động làm giàu. Tiêu biểu như Hiệu may Ngọc Tâm. Ông chủ tên là Nguyễn Ngọc Tâm, gia đình ở gần cổng Nhà thờ, thuộc phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên. Ông là cán bộ tiền khởi nghĩa, lên chiến khu từ năm 17 tuổi. Nghề may có từ thời cụ đẻ ra ông truyền lại. Năm 1951, ông về Thái Nguyên mở hiệu may. Ông nổi tiếng về may quần Âu, sơ mi nam, may kỹ thuật và trọng thị hiếu của khách nên xa gần nức lòng khen ngợi. Ông chính là người may bốn bộ sơ mi cho ông Cac-men, đạo diễn nổi tiếng người Pháp và nhà quay phim It-sa-lin, làm trang phục từ Thái Nguyên về Hà Nội tiếp quản Thủ đô, cho ra đời bộ phim Trên đường thắng lợi. Sau này, ông làm Chủ nhiệm Hợp tác xã may Biên Hòa, thành phố Thái Nguyên.
Có tiếng nuôi lợn tấn là gia đình ông Hoàng Văn Mỹ. Nhà ở phường Trưng Vương, khu vực đối diện Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Thái Nguyên hiện nay. Ông là giáo viên công tác ở Phòng Giáo dục thành phố, bà là công nhân Xí nghiệp Nước chấm. Lợn ông bà nuôi đều to trên 3,2 tạ mới bán, lúc nào chuồng cũng có vài con, bán một lúc hàng tấn thịt hơi. Chỉ với bã đậu tương xin được và nhặt các loại rau già, rau rơi vãi ở chợ mà ông bà nuôi lợn chóng lớn, thịt lại chắc, nạc, ngon. Một năm kinh tế khó khăn, ông đổi một tấn lợn được 4 tấn bột mì. Ông bán rẻ bột cứu đói cho nhiều người. Nhiều gia đình đến học hỏi phương pháp chăn nuôi và làm giàu của ông.
Hiệu sửa chữa ô tô Lan Châu. Tên ông chủ là Vũ Ngọc Bảo, nhà ở phường Phan Đình Phùng (Khu gần Bưu điện tỉnh bây giờ). Lúc trẻ ông đỗ Tú tài tây ở Hà Nội, xung phong vào bộ đội ở Trung đoàn Thủ đô. Ông được tiếp xúc, học hỏi Anh hùng Trần Đại Nghĩa. Ông tham gia Chiến dịch Biên giới và Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tiếp thu những kỹ thuật do kỹ sư Trần Đại Nghĩa truyền dạy, sau ông dạy lái xe cho bộ đội, công an. Năm 1955, ông về Thái Nguyên mở hiệu sửa chữa ô tô, sau đó vào Công ty Hợp doanh ô tô Thái Nguyên. Gia đình ông vào dạng giàu có lúc bấy giờ, tính cách ông ngay thẳng, không giấu nghề, trọng dạy luật lệ nên được mọi người tín mến.
Các cửa hàng chế biến ẩm thực trước năm 1970 nổi tiếng có Cơm tám bà Tâm, Cà phê Lưu, Thỏ; Phở chân giò Lộc, Phở sốt vang Gù, Phở gà ông Cất, Phở bò tái ông Hỗ; Bánh cuốn ông Tài Tính, Bánh đa nem bà Khôi. Nghề sửa chữa, buôn bán xe đạp có ông Cả Lại; sản xuất hương thơm có ông Tác; Hiệu kem Sinh Ký, Cửa hàng thuốc Bắc bà Nam Hoa, Mực bút máy Tân Kỳ, Của hàng dược sông Lô, Cửa hàng may Tân Á... Họ chính là những người đặt nền móng cho nền kinh tế thương mại của thành phố.
Thành phố Thái Nguyên bao giờ cũng là pháo đài vững vàng trước cuộc chiến tranh phá hoại. Cầu Gia Bẩy là một tượng đài sừng sững với đội tự vệ trên đồi Két nước ngăn chặn địch thả bom phá cầu. Nhà máy điện Cao Ngạn bị địch thả bom B52, nhiều nhà bị phá, nhiều người bị chết nhưng điện vẫn luôn sáng.
Những địa danh còn ngân vang trong lịch sử, trong cả hai cuộc kháng chiến như: Đồi Kô Kê, núi Yên Ngựa, đồi Ông Đống, ga Lưu Xá… xứng danh ghi vào sử sách. Thành phố Thái Nguyên trong hai cuộc kháng chiến đã có hàng vạn thanh niên lên đường ra mặt trận, hy sinh vì đất nước, tiêu biểu như Anh hùng liệt sĩ Vũ Xuân. Cuốn Nhật ký Vũ Xuân đã trở thành cuốn cẩm nang, gối đầu giường của bao thế hệ thanh niên thành phố Thái Nguyên nói riêng, cả nước nói chung…
Lịch sử soi rọi tương lai, thành phố Thái Nguyên ngày nay, những công dân của thành phố Anh hùng ấy đang tràn đầy lạc quan và niềm tin để vững bước.