Tôi yêu mảnh đất Hương Sơn
Các trục đường chính trên địa bàn phường Hương Sơn hiện nay đều đã được thảm nhựa sạch sẽ, rộng rãi, góp phần nâng cao đời sống, vật chất tinh thần cho người dân. |
Tôi sinh ra và lớn lên tại mảnh đất mà gia đình tôi đang ở hiện nay, thuộc tổ 11, phường Hương Sơn, TP. Thái Nguyên. Hơn 40 năm gắn bó với nơi này, biết bao kỷ niệm từ thuở ấu thơ và được chứng kiến sự đổi thay trên từng con đường, nếp nhà, những công trình công cộng và cả những buồn, vui của bà con hàng xóm, tôi tự thấy bản thân thật may mắn khi được sống ở nơi thanh bình, với những con người chất phác, nghĩa tình…
Nhớ về kỷ niệm tuổi thơ, tôi chẳng thể nào quên ngày khai giảng năm học đầu tiên của mình. Sáng đó, tôi đang nô đùa bên thúng hàng xén của bà nội trên dốc Xưởng Gạch thì thấy có rất đông người đi bộ về phía trường học. Sau đó, bà gọi tôi lại và bảo tôi đi nhanh đến trường dự khai giảng kẻo muộn. Tuy chưa mường tượng ngày khai giảng như thế nào, nhưng tôi nghĩ sẽ rất đông vui nên hớn hở hòa ngay vào dòng người để chạy đến trường cách đó vài trăm mét.
Trường cấp 1, 2 Hương Sơn những năm 80 của thế kỷ trước chỉ là những dãy nhà cấp 4 đơn sơ, nếu không muốn nói là xập xệ, nằm trên quả đồi cao, phía sau cây cối mọc um tùm. Các khối cấp 1 được bố trí học ở phía trước, còn các khối cấp 2 học khu vực phía sau. Trong lớp chẳng có gì ngoài bàn của giáo viên và 2 dãy bàn gỗ của học sinh, cùng 1 giá treo mũ, nón làm bằng tre.
Do không đủ lớp học nên mỗi tuần, chúng tôi lại có 1-2 buổi học ca trưa (từ 10 giờ đến 12 giờ), ngoài lịch học cố định vào buổi sáng hoặc chiều. Vào mỗi dịp nghỉ Tết, chúng tôi đều phải mang nộp một vài cành tre để rào các cửa lớp học và khu vực cổng trường. Công việc này được thực hiện đến năm chúng tôi học hết lớp 8 mới dừng lại, vì lúc đó, Trường đã được đầu tư xây dựng hàng rào, cổng trường, cửa lớp chắc chắn hơn…
Không chỉ trường học, ngày đó, do hoàn cảnh khó khăn chung, các cơ quan hành chính, công trình phúc lợi hay sinh hoạt cộng đồng như: Trụ sở UBND, Trạm Y tế phường, đường đi hay chỗ sinh hoạt chung của người dân trong xóm, phường… đều tạm bợ, chắp vá.
Nhưng trong hoàn cảnh khó khăn chung ấy, chúng tôi đã có một tuổi thơ đặc biệt, với những trưa hè phơi nắng đi bắt cào cào, châu chấu, chuồn chuồn; đứa nào không sợ đỉa thì ra mương mò cua, bắt ốc. Buổi chiều thì chơi trồng nụ, trồng hoa; đánh khăng, chơi cù, nhảy ngựa, nú tìm… Tối đến, mùa Hè thì đi bắt đom đóm, mùa Đông thì bóc mo tre cuộn thành vòng thật chặt rồi châm lửa, quay quay cho cháy bùng lên…
Theo thời gian, những ngôi trường mầm non, cấp 1, 2, 3 (sau đổi tên thành Tiểu học, THCS, THPT) mà tôi từng theo học đều được đầu tư khang trang, hiện đại và đã được công nhận đạt chuẩn mức độ 2; những con đường đất cũng được đổ bê tông hoặc trải ap-phan; nhà cửa của các gia đình được xây mới chắc chắn, khang trang, với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt cần thiết…
Cùng với những đổi thay tích cực ấy, có một điều luôn khiến tôi tự hào và muốn gắn bó hơn cả với nơi này chính là nghĩa tình của người dân Hương Sơn. Dù nhiều gia đình giờ đây đã có cuộc sống rất khấm khá; có những người giữ chức vụ quan trọng trong xã hội, nhưng ở họ vẫn có sự chân chất, đôn hậu và sống nghĩa tình với nhau như ngày còn gian khó, dẫu rằng cách thể hiện có khác xưa ít nhiều.
Sở dĩ nói như vậy là bởi ở xóm tôi bây giờ, các thế hệ vẫn duy trì được nhiều nét đẹp không phải nơi nào cũng có được. Một trong số đó là việc chào hỏi nhau. Ngoài việc người trẻ luôn chủ động chào hỏi người lớn tuổi hơn thì nhiều cô, bác đã bỏ qua sự câu lệ, nguyên tắc, không phân biệt vai vế, sẵn sàng chào hỏi người ít tuổi hơn nếu họ nhìn thấy người kia trước, tạo nên sự gần gũi như những người trong gia đình. Đáng quý hơn nữa là bất cứ gia đình nào có việc, cần sự giúp đỡ, không phân biệt giàu nghèo, nhất là việc hiếu, hay gặp tai nạn, rủi ro, thì bà con chòm xóm lại đều chủ động đến thăm hỏi, giúp đỡ.
Rồi vào các dịp tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, Tết Nguyên đán…, các gia đình trong xóm lại cùng nhau lên kế hoạch, tổ chức liên hoan, lần nào cũng lên tới hàng chục mâm. Ngoài ra, thế hệ đầu “đầu 7”, “đầu 8” chúng tôi còn thành lập nhóm Zalo mang tên “Xóm cũ nhà tôi” với hơn 50 thành viên để chia sẻ, thông tin, động viên nhau những lúc buồn – vui, mỗi năm ít nhất một lần, lại tổ chức gặp mặt…
Còn nhiều lắm những điều tôi muốn kể về xóm tôi, về những con người, về những đổi thay của xóm, phường. Tôi cảm thấy rất tự hào, biết ơn và trân trọng nơi tôi được sinh ra và sinh sống hiện nay. Tôi yêu xóm tôi, yêu mảnh đất Hương Sơn, yêu T.P Thái Nguyên của tôi.