“Ông Ké” mãi ở trong tim
Cụ Ma Đình Bài chia sẻ với con trai Ma Đình Tuấn về những kỷ vật thời kỳ kháng chiến. |
Những lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh là kỷ niệm không phai trong tim cụ Ma Đình Bài (sinh năm 1934), nhà ở chân đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc (Định Hóa). Ở cái tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe không còn tốt, nhưng mỗi khi nhắc lại kỷ niệm được gặp Bác, cụ Bài như trẻ lại.
Chúng tôi tìm về nhà cụ Ma Đình Bài vào một ngày cuối tháng 4. Gặp chúng tôi, anh Ma Đình Tuấn, con trai cụ chia sẻ: Tôi vừa đưa ông đi tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mũi thứ 3 về. Bố tôi có nhiều bệnh nền, lại hay đau xương khớp. Mỗi lần tiêm vắc-xin xong, ông đều thấy không được khỏe.
Sức khỏe đã kém đi nhiều, nhưng cụ Bài vẫn rất minh mẫn. Khi biết tôi hỏi về thời gian được gặp Bác Hồ, cụ Bài vui hẳn, tươi cười rạng rỡ, kéo tôi lại và rành rọt kể chuyện: Vào đêm 19, rạng sáng ngày 20/5/1947, Bác Hồ đến xã Điềm Mặc. Người nghỉ tại nhà sàn của gia đình tôi (nhà sàn của ông Ma Đình Tương, bố ông Ma Đình Bài, nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện Định Hóa - PV). Ngày hôm sau, Bác chuyển lên lán nhỏ trên đỉnh đồi Khau Tý.
Hồi ấy, cụ Bài mới 13 tuổi. Nhà cụ Bài cách lán Bác ở trên đồi Khau Tý khoảng 600m. Lúc đầu, cụ Bài chưa biết người mình gặp là Bác Hồ, chỉ được người lớn dặn rằng, đó là “ông Ké”. Nhiều ngày sau, cụ mới biết “ông Ké” là người về lãnh đạo nhân dân kháng chiến, đánh thực dân Pháp, giành độc lập cho dân tộc.
Cụ Bài bảo: Là trẻ con, nghe người lớn nói ông Ké là người tài, người giỏi, tôi tò mò lắm, thường tranh thủ lại gần nhìn ông. Cứ như thế, tôi đã được trông thấy Bác nhiều lần. Có một hôm, tôi đang chăn trâu thì Bác cùng các chú cảnh vệ đi qua. Lúc cách Bác 1 sải tay, tôi cất lời: “Cháu chào Bác ạ!”. Bác nhìn tôi mỉm cười, gật đầu, không nói gì. Tự nhiên lúc đó, tôi thấy bối rối bởi ánh mắt của Bác sáng lắm, khác hẳn những người già trong làng cùng lứa tuổi.
Sau lần gặp đó, cụ Bài về kể chuyện gặp "ông Ké" cho cả nhà nghe. Thấy vậy, bố mẹ và anh trai cụ căn dặn: “Ông Ké” là người rất quan trọng. Nhân dân địa phương phải bảo vệ, giúp đỡ “ông Ké”. Bất cứ ai hỏi cũng phải nhớ thực hiện "3 không": Không nói lộ về lán, việc đi lại của “ông Ké”; không nghe những việc không liên quan đến mình; và trả lời không biết nếu ai đó dù người quen hay lạ có dò hỏi.
Anh trai cụ Bài là cụ Ma Đình Hoàng. Thời Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở làm việc tại đồi Khau Tý, người thanh niên Ma Đình Hoàng là một trong tám người bảo vệ Bác ở vòng ngoài và tham gia làm lán ở đồi Khau Tý để đón Bác. Căn lán của Bác được làm theo kiểu nhà sàn được ngăn đôi, có cửa vào đằng trước qua ba bậc cầu thang và cửa thoát phía sau. Một bên Người ở và làm việc, một bên cho bộ phận bảo vệ, giúp việc.
Cả gia đình cụ Bài đều theo cách mạng. Bản thân cụ Bài cũng khai tăng tuổi, xung phong lên đường nhập ngũ năm 1952. Đầu năm 1954, người thanh niên Ma Đình Bài lên đường tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau khi kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, người chiến sĩ Ma Đình Bài tiếp tục được đào tạo, về công tác tại Trung đoàn Pháo cao xạ tham gia bảo vệ Hà Nội.
Năm 1970, chiến sĩ Ma Đình Bài xuất ngũ trở về địa phương. Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, cụ Bài tích cực tăng gia sản xuất, tham gia các hoạt động tại địa phương. Năm 1992, cụ được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Điềm Mặc và giữa chức vụ này đến năm 2001.
Với những đóng góp cho 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, cụ Ma Đình Bài đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; được tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Tuổi đã cao, sức khỏe yếu, nhưng mỗi khi có cơ hội, cụ Bài lại lên căn lán của Bác Hồ trên đồi Khau Tý, chạm tay vào từng hiện vật, cụ Bài xúc động, thấy hình ảnh Bác Hồ như còn đâu đây.
Tại Khau Tý, Bác Hồ đã chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Trung ương Đảng, có Tổng Bí thư Trường Chinh và các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp, để luận bàn và ra Chỉ thị phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp đánh lên căn cứ địa Việt Bắc năm 1947. Tại đây, Bác đã sáng tác bài thơ “Cảnh Khuya”. Đồng thời, Bác thay mặt Chính phủ, đồng bào, lấy ngày 27/7/1947 là Ngày Thương binh toàn quốc. Người gửi thư cho Ban Tổ chức công bố tại xã Hùng Sơn (Đại Từ). Vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10-1947, trước lúc quân Pháp tiến công lên Việt Bắc, tại xã Điềm Mặc, Bác hoàn thành cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc” với bút danh X.Y.Z, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Địa điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở, làm việc tại Khau Tý đã được xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Quốc gia vào năm 2006. |