Liên kết để tạo ra xung lực mới (Kỳ 1)
Sản xuất thiết bị y tế tại Công ty TNHH Mani Hà Nội - Nhà máy Phổ Yên 2 ở Khu công nghiệp ĐIềm Thụy. |
Xây dựng mối liên kết giữa các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với DN trong nước (DDI) là việc không mới, nhưng cho đến nay mối liên kết này vẫn còn rất yếu. Trong bối cảnh kinh tế nước ta đang trên đà hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới thì việc tăng cường mối liên kết giữa các DN FDI và DDI được coi là sự tất yếu khách quan. Đối với tỉnh Thái Nguyên, những năm gần đây đã có bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực thu hút đầu tư, nhất là thu hút các doanh nghiệp FDI. Vậy, mối liên kết giữa các DN FDI và DDI trên địa bàn tỉnh đang ở cung bậc nào của sự phát triển cộng sinh?
Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn đạt mức cao (từ 13-14%/năm, cao gần gấp đôi so với bình quân chung của cả nước). Năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) trên địa bàn tỉnh đạt gần 600.000 tỷ đồng (trong đó các DN FDI đạt trên 533.000 tỷ đồng), gấp 22,6 lần so với năm 2010; giá trị xuất khẩu đạt 23,5 tỷ USD, gấp 212 lần so với năm 2010; thu ngân sách đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; mức thu nhập bình quân của nhân dân đạt 68 triệu đồng/người/năm, cao nhất trong các tỉnh miền núi phía Bắc... Để đạt được những kết quả đó có phần đóng góp không nhỏ của các DN FDI.
Vị trí của doanh nghiệp FDI
Trên địa bàn tỉnh hiện có 869 dự án đầu tư, trong đó có 740 dự án DDI (với tổng số vốn đăng ký khoảng 146.000 tỷ đồng) và 129 dự án FDI (với tổng số vốn đăng ký khoảng 7,3 tỷ USD). Đặc biệt, số lượng DN thành lập mới trên địa bàn đã đạt hơn 6.300 đơn vị. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh có thêm 17 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư và chủ trương đầu tư (với tổng số vốn đăng ký 2.000 tỷ đồng), trong đó có 5 dự án FDI. Ngoài ra, trong 6 tháng qua cũng có gần 400 DN được thành lập mới.
Với hơn 130 dự án FDI, Thái Nguyên trở thành một trong những địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài dẫn đầu của cả nước với những dự án lớn của Tập đoàn công nghệ cao Samsung và hàng chục nhà đầu tư của các tập đoàn Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia... góp phần thay đổi ngoạn mục bức tranh công nghiệp của tỉnh. Cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch mạnh sang công nghiệp - dịch vụ, tỷ trọng chiếm 77,4%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ còn 12,6%. Bình quân trong 5 năm gần đây (2012-2017), GTSXCN trên địa bàn tăng 82,5%/năm, trong đó GTSXCN của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng cao nhất (92,1%), còn lại công nghiệp trong nước chỉ chiếm tỷ trọng 7,9% (trong đó, công nghiệp địa phương chiếm 4,5%, công nghiệp Nhà nước Trung ương chiếm 3,4%).
Ông Hoàng Thái Cương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Hiện nay, tỉnh ta đang được các chuyên gia đánh giá thu hút hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ Hàn Quốc và một số nước khác. Tuy nhiên, về dài hạn chúng ta phải thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư từ các nước khác như châu Âu và Mỹ để đa dạng hóa nguồn vốn FDI. Bởi vậy, chúng ta cần có chiến lược và định hướng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới nhằm xác định những ngành, lĩnh vực ưu tiên trong thu hút FDI; rà soát khung chính sách FDI và kiến nghị các giải pháp, chính sách cụ thể giúp đẩy mạnh thu hút FDI vào những lĩnh vực ưu tiên. |
Ông Shim Won Hwan, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam: Chúng tôi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao - lĩnh vực mà Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích đầu tư - nên được hưởng các chính sách ưu đãi ở mức cao nhất. Có thể, sự phát triển quá nhanh chóng trong thời gian ngắn của Samsung Việt Nam khiến nhiều người lầm tưởng, đó là do chúng tôi được hưởng nhiều ưu đãi hơn. Nhưng không phải như vậy, chúng tôi cũng chỉ nhận được ưu đãi giống như các DN khác, kể cả DN trong nước, đầu tư trong cùng lĩnh vực này. |
Ông Lê Thanh Tuyết, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng bộ T.X Phổ Yên: Công tác giải phóng mặt bằng luôn luôn là một trong những điểm mấu chốt trong quá trình thu hút đầu tư. Ở đâu làm tốt công tác giải phóng mặt bằng quan tâm đến đất đai, thủ tục hành chính, lợi ích của người dân, giảm chi phí thời gian, đặc biệt là tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thì ở đó sẽ có dự án tốt, sẽ có hiệu quả và sẽ thu hút được các nguồn lực cho sự phát triển... |
Ông Phan Mạnh Cường, Trưởng Ban Quản lý các KCN (KCN) tỉnh cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 khu công nghiệp (KCN) và 19 cụm công nghiệp đã và đang đi vào hoạt động. Sau khi tỉnh thu hút được Dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung, nhiều nhà đầu tư khác đã theo nhau tìm đến Thái Nguyên, tạo thành làn sóng đầu tư vào tỉnh. Chính uy tín của các nhà đầu tư này đã cùng với tỉnh tạo ra sức hút mạnh mẽ để các DN khác lựa chọn Thái Nguyên làm điểm đến. Trong đó, với đối tác Nhật Bản, tập trung vào các lĩnh vực hợp tác xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao, hạ tầng KCN, giao thông, máy nông nghiệp, điện tử, công nghệ thông tin, công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng; với đối tác Hàn Quốc, tập trung thu hút vào các lĩnh vực điện tử, công nghiệp chế biến nông sản, cơ khí chế tạo; với đối tác Thái Lan, tập trung thu hút vào các lĩnh vực thương mại, du lịch và nông nghiệp; với đối tác Singapore, tập trung thu hút vào lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng KCN đô thị...
Ở thời điểm này, T.X Phổ Yên đang dẫn đầu các huyện, thành, thị trong tỉnh về thu hút đầu tư với hơn 80 dự án lớn, nhỏ vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Tổng GTSXCN - tiểu thủ công nghiệp của thị xã hiện chiếm hơn 90% giá trị toàn tỉnh; đóng góp 97% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Riêng Dự án Samsung đã giải quyết việc làm cho khoảng 70.000 lao động trong và ngoài tỉnh với mức thu nhập bình quân khoảng 9 triệu đồng/người/tháng.
Ông Shim Won Hwan, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết: Sở dĩ chúng tôi chọn Thái Nguyên là điểm đến bởi những lý do sau: Thứ nhất, khi đặt vấn đề xây dựng nhà máy mới, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ rất tích cực từ Chính phủ Việt Nam về hạ tầng cơ sở nếu chọn Thái Nguyên, đó là cam kết xây dựng đường cao tốc chạy qua khu vực dự án tại Phổ Yên, cam kết cung cấp đầy đủ điện, nước đảm bảo cho sự vận hành của nhà máy. Thứ 2, Thái Nguyên có nguồn nhân lực dồi dào, là trung tâm đào tạo lớn thứ 3 cả nước. Thứ 3, thiện chí của chính quyền tỉnh Thái Nguyên, đã cam kết tạo những điều kiện tốt nhất cho Samsung.
Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa
Hòa chung với xu thế phát triển và hội nhập quốc tế, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh cũng đã và đang khởi sắc với việc gia tăng nguồn vốn FDI đầu tư vào tỉnh. Các DN FDI được xem là tiên phong trong việc đào tạo tại chỗ và đào tạo bên ngoài, nâng cao trình độ của công nhân, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý, trong đó một bộ phận đã có năng lực quản lý, trình độ khoa học, công nghệ đủ sức thay thế chuyên gia nước ngoài.
Không những vậy, các DN FDI còn góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động. Với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh đã tạo điều kiện cho Thái Nguyên có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn, các nhà máy, KCN đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động, góp phần thay đổi cơ cấu lao động. Đối với sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo khu vực kinh tế, nếu như vào năm 2010, lao động nông nghiệp chiếm 66,72%; lao động công nghiệp và xây dựng chiếm 15,61%; lao động dịch vụ 17,67% thì đến năm nay, tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống còn hơn 50%, công nghiệp và xây dựng tăng lên 23,26% và dịch vụ là 21,39%.
Việc phân theo cấp quản lý và loại hình kinh tế cũng có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Năm 2010, lao động làm việc trong khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 0,8% trong tổng dân số của tỉnh, thì đến nay con số này tăng mạnh lên gần 10%. Các DN FDI đã có những đóng góp không nhỏ vào nguồn thu ngân sách của tỉnh. Năm 2016 là năm thứ 2 liên tục Thái Nguyên vượt thu ngân sách cao đạt 9.500 tỷ đồng, vượt thu 3.000 tỷ đồng so với kế hoạch; năm 2017, đạt hơn 12 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 16/63 tỉnh, thành trong cả nước. Đây là nguồn lực quan trọng để góp phần thực hiện các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Các dự án đầu tư nước ngoài đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh từ sản xuất nông nghiệp là chủ yếu sang phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa theo đúng định hướng chung của tỉnh. Tỉnh đã và đang khai thác, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế; nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, phấn đấu đạt tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm gần 90% GRDP toàn tỉnh vào năm 2020; phát triển công nghiệp công nghệ cao với các sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao...