Liên kết để tạo ra xung lực mới (Kỳ 2)
Sản xuất gạch lát nền ceramic tại Công ty CP Prime Phổ Yên. |
Thời gian qua, tuy còn gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) tư nhân trên cả nước nói chung, ở tỉnh ta nói riêng đã khéo léo chèo lái “con thuyền” vượt khó thành công. Song, liệu quá trình phát triển này có thật sự bền vững khi các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang chiếm nhiều ưu thế? Rõ ràng, nếu không chủ động, năng động, sáng tạo, tích cực đổi mới, đồng thời tạo nên những liên kết hữu ích thì các DN trong nước (DDI) dễ thất bại ngay trên sân nhà. Vậy, làm thế nào để các DN FDI bắt tay với DN DDI, từ đó tạo mối quan hệ “cộng sinh” cùng phát triển?
DN DDI có thua trên sân nhà?
6 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) trên địa bàn tỉnh đạt hơn 290.250 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước và bằng 45% kế hoạch cả năm. Trong đó, đóng góp chủ yếu là CN có vốn đầu tư nước ngoài với trên 270.400 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ và bằng 44,8% kế hoạch cả năm. Tiếp đến là CN địa phương đạt 10.800 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ và bằng 45,1% kế hoạch cả năm; CN Nhà nước Trung ương đạt 9.000 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ và bằng 51,3% kế hoạch cả năm. Kết quả trên cho thấy, GTSXCN của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài luôn chiếm tỷ trọng cao. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 4/6 khu CN đi vào hoạt động với hơn 180 dự án còn hiệu lực, trong đó có nhiều DN FDI sản xuất với quy mô lớn (như Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, Công ty Mani Hà Nội …).
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức đầu tháng 7 vừa qua, tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư đối với 50 dự án, với tổng số vốn đăng ký lên tới 46.700 tỷ đồng, trong đó có 7 dự án FDI. |
Ngoài ra, tỉnh còn có 19 cụm CN đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt bình quân 39,2%. Các công ty nước ngoài đi vào hoạt động đòi hỏi một lượng lớn các nguyên, phụ liệu, linh kiện, phụ tùng… đầu vào phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Và một thực tế cho thấy, các DN lớn trên địa bàn vẫn đang phải nhập khẩu đến 90% linh, phụ kiện. Chưa kể, còn rất nhiều các dịch vụ khác đi kèm như ăn uống, ngủ nghỉ, phương tiện bảo hộ... Đó có thể coi là những thị trường tiềm năng mà các DN trong nước có thể khai thác, liên doanh, liên kết để cùng hỗ trợ, phát triển. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, nói thì đơn giản như vậy, nhưng các cấp chính quyền thường có tâm lý “sính ngoại” nên các DN FDI luôn được ưu ái hơn so với DN trong nước, thậm chí chi phí không chính thức cũng được ưu ái hơn (?!), khiến các DN trong nước rất khó tiếp cận.
Tạo bình đẳng cho các DN
Trả lời báo giới về vấn đề có sự bình đẳng hay không giữa các DN FDI và DDI, đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Về vấn đề này, chúng ta phải có sự rạch ròi, cái gì là cơ chế chính sách của Nhà nước, luật pháp hiện hành quy định thì chúng ta phải chấp hành. Ví dụ, đối với DN FDI, ngoài thực hiện chính sách chung cũng có những chính sách Chính phủ ưu đãi. Công ty Samsung đến với Thái Nguyên, Chính phủ miễn thuế thu nhập DN 4 năm, áp dụng cả với công ty ở Bắc Ninh. Thái Nguyên sẽ thu thuế thu nhập của Samsung từ năm nay. Còn quan điểm chung của tỉnh là đối xử bình đẳng, tạo mọi cơ hội để các DN tiếp cận với nguồn lực về đất đai, tín dụng, thông tin truyền thông, thuế, hải quan. Nhưng vấn đề này thuộc về cả 2 phía, về phía chính quyền phải nhất quán; về phía các DN DDI, nhất là DN nhỏ và vừa, phải khắc phục những yếu kém, tụt hậu về năng lực quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, năng lực tài chính, kỹ năng điều hành… so với DN FDI. Chúng tôi luôn khuyến khích DN DDI không được thua ở trên sân nhà, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo của các DN. Với 130 DN FDI đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, đây là cơ hội tốt để hơn 6.000 DN lớn, vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh học hỏi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội liên kết, “cộng sinh” trong đầu tư phát triển.
Ý kiến người trong cuộc
Ông Hoàng Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải: “Chúng ta phải đặt vấn đề phát triển kinh tế khu vực tư nhân trong nước, đặc biệt các DN vừa và nhỏ là trọng tâm trong chính sách phát triển. Các DN lớn có thể tự bươn chải, trụ vững, hội nhập, phát triển. Nhưng các DN vừa và nhỏ không có đủ sức như vậy. Họ cần có sự trợ giúp của chính quyền, của Hiệp hội DN. Các DN vừa và nhỏ bao giờ cũng có đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển, đảm bảo phát triển bao trùm, gắn liền với an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Nên gốc rễ của sự phát triển mỗi địa phương, mỗi nền kinh tế là sự phát triển tư nhân, cộng đồng DN nhỏ và vừa...”. Ông Bùi Xuân Dũng, Giám đốc DN tư nhân Cơ khí Tân Lập: “Để trở thành đối tác với Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên nói riêng, các DN FDI nói chung là điều không hề đơn giản, bởi các đơn vị này luôn đòi hỏi khắt khe về công nghệ, nguồn nhân lực có tay nghề cao…, buộc các DN phải chủ động, sáng tạo, nỗ lực đổi mới về tư duy, công nghệ, hướng đến các chuẩn mực quốc tế. Khi Công ty Samsung có lời mời hợp tác sửa chữa các thiết bị cơ khí cho họ, phía đối tác đề nghị chúng tôi phải đầu tư mới 100% các dây chuyền sản xuất hiện có. Điều này vượt quá khả năng đầu tư của DN...”. |
Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG cho biết: Tôi rất tâm đắc với việc làm thế nào để các DN FDI bắt tay với DN DDI, tạo thành môi trường “cộng sinh” giữa các DN FDI và DN nhỏ và vừa là vấn đề cần phải bàn. Chúng ta phải đồng lòng, hỗ trợ lẫn nhau để khai thác thế mạnh của nhau. Trong thời gian qua, giữa các DN FDI và DN địa phương, dưới sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, tỉnh ta đã thực hiện rất tốt điều này. Chúng tôi thường xuyên giao lưu, tọa đàm với nhau để tìm ra những vấn đề có thể hợp tác. Ví dụ như việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, đồng thời làm một số phụ trợ khác cho Công ty. Thông qua đó, các DN địa phương học tập được công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực quản trị. Chính vì vậy, những năm qua, Thái Nguyên đã tăng trưởng vượt bậc, trong đó các DN địa phương cũng tăng trưởng. Từ năm 2012 đến nay, bình quân tăng trưởng của DN địa phương là trên 50%, tăng cao hơn rất nhiều so với thời kỳ trước khi Samsung vào Thái Nguyên. Đây là con số chứng minh cho việc học tập kinh nghiệm của các DN FDI...
Còn ông Trần Anh Sơn, Trưởng phòng Quản lý CN (Sở Công Thương) chia sẻ: Hiện nay, nhu cầu về các sản phẩm CN hỗ trợ phục vụ cho ngành cơ khí chế tạo ở Thái Nguyên là rất lớn và dự báo sẽ còn tăng trưởng nhanh trong những năm tới, nhằm phục vụ các dự án trong các lĩnh vực điện, xi măng, than cũng như các sản phẩm cơ khí phục vụ tiêu dùng. Ngoài Samsung, hiện nay các DN sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp trong nước cũng đang mở rộng thị phần và có chỗ đứng ngày càng vững chắc trên thị trường. Điều này sẽ mở ra thêm cơ hội hợp tác và phát triển cho các DN hỗ trợ cơ khí trong thời gian tới.
Để khuyến khích phát triển CN hỗ trợ, ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Sở Công Thương đang đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương xây dựng Chương trình phát triển CN hỗ trợ tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025. Đây sẽ là cơ sở quy định hỗ trợ sản xuất các sản phẩm hỗ trợ thuộc danh mục ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Còn theo ông Chu Văn Khanh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch - Đầu tư): Hiện nay, tỉnh cũng đã thực hiện Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2012-2020. Trong đó, chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của DN, đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành CN chế biến, chế tạo, CN điện tử - tin học và cơ khí…
Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin được trích lời khẳng định của đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: DN, doanh nhân là lực lượng quan trọng, quyết định sự thành công của quá trình phát triển. Lực lượng DN, doanh nhân ở tỉnh ta có sức mạnh lớn, trong đó phải kể đến các DN FDI, DN địa phương, DN vừa và nhỏ, DN trẻ. Tỉnh luôn coi trọng, đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các DN có cơ hội đầu tư phát triển.