Thị trường bất động sản Thái Nguyên: Không đẩy giá, "sốt ảo"

Cập nhật: Thứ tư 31/03/2021 - 10:30
 Dự án Khu dân cư số 2, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) đã hoàn thiện hạ tầng.
Dự án Khu dân cư số 2, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) đã hoàn thiện hạ tầng.

Không giống một số địa phương khác, thị trường bất động sản (BĐS) tại Thái Nguyên thời điểm này cơ bản vẫn khá “êm ả” như nhận định của nhiều nhà quản lý và kinh doanh BĐS. Không ít ý kiến cũng cho rằng thị trường BĐS nhiều tiềm năng của Thái Nguyên sẽ trở nên sôi động trong tương lai không xa, khi kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng tốt và thêm các dự án lớn đầu tư vào địa bàn. Nguy cơ xảy ra sốt giá, “bong bóng” BĐS không phải là không có.

Theo ước tính của các cơ quan chức năng và hiệp hội BĐS, trên phạm vi cả nước, thời điểm này giá BĐS tăng khoảng 10% so với cuối năm ngoái, trong khi ở nửa đầu năm 2020 thị trường BĐS trầm lắng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nguyên nhân chính khiến giá BĐS tăng thời gian gần đây là kinh tế nước ta phục hồi và tăng trưởng khá tốt, lãi suất huy động và cho vay của hệ thống ngân hàng giảm khiến dòng tiền đổ vào BĐS tăng. Thị trường BĐS tại Thái Nguyên cũng phản ánh thực trạng chung đó. Ông Bùi Quang Hưng, Trưởng Phòng Quản lý nhà và Phát triển đô thị (Sở Xây dựng) cho biết: Giá BĐS sản tại tỉnh có tăng nhưng không đột biến. Thực tế, so với tiềm năng và vị trí của một tỉnh trung tâm vùng, đồng thời so với các tỉnh lân cận (Bắc Gang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc) thì giá đất tại Thái Nguyên vẫn ở mức thấp, giao dịch BĐS kém sôi động hơn. Giá BĐS tại tỉnh đang phản ánh giá trị thực, thậm chí thấp hơn giá trị thực.

Cùng nhận định như vậy, anh Tống Văn Tình, người quản lý kinh doanh của Dự án Tecco Thái Nguyên (đang triển khai tại phường Thịnh Đán, T.P Thái Nguyên, quy mô 6 nhà chung cư 32 tầng với tổng số trên 2.000 căn hộ), nói: Thị trường BĐS Thái Nguyên vẫn khá “êm ả” dù giá bán có tăng đáng kể. Nguyên nhân là do nhu cầu về nhà ở của người dân tăng nhưng không đột biến, nhà đầu tư trong tỉnh phần lớn có tâm lý nghe ngóng, dè chừng. Dù ngày càng nhiều nhà đầu tư BĐS ngoài tỉnh tìm đến Thái Nguyên nhưng chưa có “làn sóng” mạnh mẽ. Ngoài ra, như tôi được biết, số trung tâm môi giới, sàn giao dịch BĐS tại tỉnh chưa nhiều, hoạt động còn thiếu chuyên nghiệp nên giao dịch BĐS chưa sôi động. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá rất cao tiềm năng của thị trường BĐS Thái Nguyên, bởi kinh tế tăng trưởng khá tốt và có nhiều dự án lớn về công nghiệp, thương mại - dịch vụ đã và sẽ triển khai.

 Một dự án bất động sản do Công ty CP Đầu tư xây dựng Thiên Lộc triển khai tại phường Thắng Lợi (T.P Sông Công).

Huyện Phú Bình đang là một điểm sáng về thu hút đầu tư phát triển công nghiệp của tỉnh, kéo theo lượng người đến làm việc, sinh sống và kinh doanh ngày một đông. Đó là nguyên nhân khiến thị trường BĐS ở địa phương này sôi động hơn một số nơi, nhưng vẫn không có tình trạng sốt giá đất. Khu dân cư số 2 trên địa bàn thị trấn Hương Sơn đã đầu tư xong hạ tầng và mở bán từ năm 2018 vẫn còn khoảng 40 lô/hơn 100 lô đất chưa được bán vì chủ đầu tư đang chờ giá lên (giá giao dịch ở đây hiện khoảng 7-8 triệu đồng/m2, không cao hơn mấy so với cuối năm ngoái). Được biết, trên địa bàn huyện hiện có hàng chục dự án khu dân cư, khu đô thị được quy hoạch, đã, đang và sẽ triển khai (riêng thị trấn Hương Sơn có 12 khu).

Là người có nhiều thông tin và kinh nghiệm trong nghề môi giới BĐS, anh Trương Văn Hiền, ở xã Điềm Thụy (Phú Bình) cho rằng: Triển vọng của thị trường BĐS tại huyện rất tốt do nhu cầu nội tại về đất ở và sản xuất, kinh doanh của người dân khá lớn, tốc độ đô thị hóa bắt đầu nhanh hơn cùng với sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ. Sản phẩm BĐS tại Phú Bình chưa đa dạng và đang thiếu trong khi ở một số nơi như T.P Sông Công cung đã có dấu hiệu vượt cầu, các dự án BĐS phần lớn phải bán cho nhà đầu tư “ôm đất”.

Khu dân cư số 1 thị trấn Đình Cả là dự án BĐS đáng chú ý nhất tại huyện Võ Nhai (74ha, 273 lô đất thương mại) đang trong giai đoạn mở bán nhưng giao dịch cũng không mấy sôi động. Anh Nông Văn Hồng, Trưởng Ban quản lý Dự án cho biết: Giá đất giao dịch tại Dự án cũng có tăng như tình hình chung của thị trường BĐS tỉnh và cả nước nhưng không đột biến. Đến nay, chúng tôi đã bán được khoảng 40% sản phẩm, khách hàng chủ yếu là người dân có nhu cầu thực sự về đất ở…

Thực tế cho thấy thị trường BĐS Thái Nguyên nói chung không có hiện tượng “sốt” trên bình diện rộng. Ngoài những vấn đề như đã nêu, còn một nguyên nhân đang chú ý là trên địa bàn tỉnh đã và đang có nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị được triển khai, sản phẩm BĐS khá đa dạng, cùng với đó, hạ tầng nói chung, giao thông nói riêng đã khá thuận lợi nên người dân và nhà đầu tư BĐS có nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, ở một số dự án hoặc khu vực được cho là “hót” như Dự án khu dân cư tổ 14, phường Túc Duyên; đường Bắc Sơn kéo dài (T.P Thái Nguyên) hay tại xã Hồng Tiến (T.X Phổ Yên)… thời gian gần đây có hiện tượng “sốt đất”, nhà đầu tư “lướt sóng”, đẩy giá đất lên khá cao.

Thị trường BĐS theo các chuyên gia là một “hàn thử biểu” phản ánh thực trạng nền kinh tế cũng như tâm lý của khách hàng, nhà đầu tư. Nếu kinh tế tăng trưởng tốt, giá BĐS tăng nhưng bền vững, phản ánh đúng giá trị thực thì đó là dấu hiệu tốt. Trong khi, tình trạng sốt giá đất, “bong bóng” BĐS nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và an ninh trật tự (nguyên nhân chủ yếu do đội ngũ môi giới và các nhà đầu tư “thổi giá”, khách hàng thiếu thông tin nên theo tâm lý đám đông).
Để có thị trường BĐS lành mạnh, sôi động, hạn chế rủi ro cho người dân, công tác quản lý kinh doanh BĐS cần phải được coi trọng, công khai, minh bạch thông tin về quy hoạch, xây dựng. Và hơn hết, người dân, nhà đầu tư BĐS cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định.

Trần Quyền
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: