Cơ hội cho du lịch, hàng không bứt phá

Cập nhật: Thứ ba 15/03/2022 - 09:04
 Chuyến bay chở khách thương mại thường lệ của hãng hàng không Bamboo Airways đi Liên bang Đức ngày 25/2.
Chuyến bay chở khách thương mại thường lệ của hãng hàng không Bamboo Airways đi Liên bang Đức ngày 25/2.

Bắt đầu từ hôm nay 15/3, nước ta mở cửa đón khách quốc tế. Mặc dù hầu hết các doanh nghiệp đều nhận định, thời gian đầu lượng khách chưa thể tăng nhanh do có "độ trễ" nhất định, song trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực đã mở cửa, đây sẽ là điểm mấu chốt và là cơ hội vàng cho ngành du lịch, hàng không sớm phục hồi, khi các biện pháp phòng, chống dịch dần được nới lỏng.

Mới đây, việc Bộ Y tế đề xuất, lấy ý kiến các bộ, ngành về việc người nhập cảnh Việt Nam không cần phải có xác nhận đã tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh, chỉ cần tuân thủ, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch được đánh giá là hành động "mở khóa", xóa bỏ rào cản để đón du khách quốc tế.

Tạo thuận lợi cho du khách quốc tế

Việc mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế sẽ tạo cơ hội cho ngành du lịch nhanh chóng phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, đồng thời minh chứng Việt Nam là điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn, khẳng định năng lực "thích ứng an toàn, linh hoạt" của ngành du lịch Việt Nam. Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, một trong những điểm mấu chốt nhất là tạo các điều kiện thuận lợi để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam như khôi phục chính sách miễn thị thực đơn phương, song phương và cấp thị thực điện tử cho công dân từ các thị trường tiềm năng, như trước khi xảy ra dịch Covid-19. Bộ Ngoại giao và Bộ Công an cũng đã đề xuất Chính phủ gỡ bỏ các hạn chế về chính sách nhập cảnh. Một số doanh nghiệp du lịch đề xuất các bộ thống nhất cơ chế chung về cấp thị thực thành một đầu mối để đơn giản hóa thủ tục cho khách du lịch. Có thể không cần miễn phí thị thực nhưng thủ tục phải thuận tiện như cho phép làm online theo tháng, quý, hoặc gia hạn trong nước dễ dàng mà không cần xuất cảnh.

Chính phủ cho phép mở lại các đường bay quốc tế và du lịch đã giúp các hãng hàng không, lữ hành bình thường hóa hoạt động, không bị chậm chân trong cuộc cạnh tranh với các hãng trong khu vực và thế giới có đường bay đi/đến Việt Nam. Nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Indonesia,... đều đã công bố mở cửa du lịch quốc tế trở lại và cạnh tranh điểm đến rất mạnh với Việt Nam. Vì vậy, quyết định của Chính phủ là lời giải cho bài toán du lịch cạnh tranh với các nước trong khu vực năm 2022. Việc mở cửa đón khách quốc tế giúp ngành du lịch, hàng không tận dụng toàn bộ lịch bay mùa hè để mở bán tua ra thị trường quốc tế, thu hút du khách đến Việt Nam trong năm nay. Doanh nghiệp lữ hành, khách sạn có đủ thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất; các địa phương hoàn tất chương trình tiêm liều vắc-xin tăng cường cho phần đông dân cư, xây dựng du lịch an toàn.

Tổng cục Du lịch khuyến cáo các doanh nghiệp lữ hành từ nay đến hết quý II cần đẩy mạnh kết nối với đối tác nước ngoài để quảng bá, giới thiệu tua, chuẩn bị đón khách quốc tế châu Âu, Mỹ, Canada… vào thời điểm cuối năm. Các doanh nghiệp nghiên cứu, nâng cấp, hoàn thiện chất lượng dịch vụ theo hướng ổn định, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm du lịch ngày càng cao hơn, đặc biệt chú trọng đến sự an toàn, riêng tư cũng như trải nghiệm đặc biệt để tạo ấn tượng sâu đậm cho khách du lịch. Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch như giảm thuế, trợ cấp cho hướng dẫn viên du lịch,… Ở thời điểm này, Nhà nước cần tăng thêm ngân sách cho hoạt động xúc tiến, quảng bá, thu hút khách cùng với việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Vấn đề doanh nghiệp đang cần nữa là Nhà nước hỗ trợ về đào tạo, khôi phục nguồn nhân lực ngành du lịch để có lực lượng phục vụ du khách. Trong hơn hai năm vừa qua, khoảng 80% nhân lực ngành du lịch bị mất việc làm nên chất lượng giảm sút. Một vấn đề khác là hiện nay, chỉ có 15 quốc gia công nhận "hộ chiếu vắc-xin" của Việt Nam, dẫn tới khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài gặp khó khăn, hàng không chưa thể tăng thêm các chuyến bay vì thiếu khách hai chiều. Ngành du lịch đề xuất hai bộ Ngoại giao và Y tế có sự phối hợp, đàm phán với các quốc gia, vùng lãnh thổ về việc chấp nhận "hộ chiếu vắc-xin" của Việt Nam.

Lấy lại đà tăng trưởng

Phó Trưởng phòng Vận tải hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) Bùi Minh Đăng đánh giá, việc khôi phục lại hàng không, du lịch trong năm 2022 không chỉ là cơ hội, tiềm năng mà hoàn toàn trở thành sự thực hiện hữu. Cục Hàng không Việt Nam đã đưa ra các kịch bản dự báo tăng trưởng, ở kịch bản trung bình, năm nay, thị trường hàng không Việt Nam dự kiến đón 42-43 triệu hành khách, mới đạt hơn 50% so năm 2019 nhưng con số này khá ấn tượng khi nhìn lại hai năm dịch vừa qua hàng không gần như tê liệt, kiệt quệ. Trong số hơn 40 triệu lượt khách này, Cục Hàng không Việt Nam dự báo Việt Nam sẽ đón khoảng 8 triệu khách quốc tế, trong đó có 6 triệu khách du lịch. Phó Chủ tịch Hiệp hội Hàng không Việt Nam Bùi Doãn Nề thông tin, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo, ngành hàng không quốc tế sẽ tăng trưởng bùng nổ trong năm 2022, tuy nhiên cũng chỉ bằng khoảng 44% so thời điểm trước dịch bệnh. Điều này cho thấy thách thức rất lớn từ sự cạnh tranh của các hãng hàng không quốc tế và Việt Nam. Chính vì thế, IATA đã khuyến cáo việc mở cửa trở lại là hết sức cần thiết và chính phủ các quốc gia vẫn cần có cơ chế ưu tiên, hỗ trợ các hãng hàng không. "Ngành hàng không xác định, dịch bệnh chỉ diễn ra trong một thời điểm nhất định chứ không thể kéo dài mãi, nên các hãng luôn chuẩn bị sẵn sàng tâm thế để phục hồi và phát triển khi dịch được kiểm soát và chấm dứt. Tuy nhiên, thách thức đối với các hãng hàng không thời gian qua là không nhỏ, đòi hỏi sự nỗ lực của tự thân các doanh nghiệp cũng như chính sách hỗ trợ từ Chính phủ hay các địa phương, giúp các hãng nhanh chóng hồi phục", ông Bùi Doãn Nề nói.

Đại diện Hãng hàng không Bamboo Airways nhận định, sau hơn hai năm "đóng băng", thị trường hàng không và du lịch bị "nén lại" sẽ có sức bật như lò xo, nhu cầu đi lại công tác, du lịch khám phá, đoàn tụ người thân có chiều hướng tăng rất nhanh. Chính phủ cũng có nhiều giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ rất quan trọng và thiết thực đối với ngành hàng không như mở cửa trở lại hoạt động bay quốc tế thường lệ từ đầu năm 2022, điều chỉnh và đồng bộ hóa các biện pháp xét nghiệm, cách ly, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách,... Cùng với đó, kết quả triển khai và khôi phục từng bước hoạt động bay thời gian qua, nhất là giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán là nền tảng vững chắc để các hãng tin tưởng vào sự khởi sắc của hoạt động hàng không của quốc tế cũng như nội địa. Trước triển vọng phục hồi của ngành hàng không, Bamboo Airways tiếp tục hướng tới mục tiêu khai thác 80 đường bay nội địa, 40 đường bay quốc tế, chiếm lĩnh 30% thị phần hàng không nội địa. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới cũng đang từng bước tiến hành dỡ bỏ các điều kiện hạn chế đi lại đối với công dân nước ngoài nhằm tạo thuận lợi phục hồi các hoạt động hàng không, du lịch và giao thương quốc tế. Trong bối cảnh đó, đề xuất của Bộ Y tế tạo ra cơ hội tốt để Việt Nam sớm lấy lại đà tăng trưởng như trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Với việc mở cửa bay quốc tế và ban hành các quy định phòng, chống dịch đồng bộ, thống nhất đối với hành khách, Việt Nam đang đi trước, đón đầu làn sóng khách du lịch quốc tế một cách chủ động, góp phần đáng kể khơi thông dòng chảy đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và các nước. Các hãng đang xúc tiến kế hoạch mở rộng mạng bay quốc tế đến các thị trường tiềm năng, đồng thời xây dựng các chương trình tiếp cận, thu hút nguồn khách quốc tế đến Việt Nam.

Trước đây, một trong những động lực giúp Việt Nam thu hút hơn 18 triệu lượt du khách quốc tế là nỗ lực xúc tiến, quảng bá của các cơ quan quản lý, địa phương, cùng cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam. Dự kiến hết năm nay, sau khi mở cửa du lịch, sẽ có khoảng 5 triệu du khách quốc tế đến Việt Nam. Trước mắt, một trong những yếu tố cần được lưu tâm để thu hút khách quốc tế trở lại là triển khai chính sách thị thực, tăng năng lực cạnh tranh điểm đến. Cùng với đó, vấn đề then chốt là bảo đảm an toàn, thân thiện cho du khách, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Việc sử dụng nền tảng công nghệ hay ứng dụng khai báo y tế dành cho khách nước ngoài trong thời gian lưu trú ở Việt Nam cần được thống nhất và đồng bộ theo hướng giản tiện, giúp hành khách thuận lợi, dễ dàng trong quá trình di chuyển. Các đơn vị chức năng thực thi nhiệm vụ hỗ trợ, kiểm tra khai báo y tế ở cảng hàng không cần bố trí lực lượng, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, tránh gây bức xúc cho hành khách ngay khi vừa bước chân xuống máy bay.


Theo Báo Nhân dân
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: