Để du lịch “Đất chín rồng” cất cánh

Cập nhật: Thứ sáu 15/04/2022 - 09:59
 Du khách tham quan cánh đồng sen ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: Hữu Nghĩa).
Du khách tham quan cánh đồng sen ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: Hữu Nghĩa).

Ðồng bằng sông Cửu Long không chỉ là vựa lúa lớn bậc nhất nước, mà còn là địa điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách trong nước và ngoài nước. Thế nhưng du lịch nơi đây vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, trong khi tiềm năng khai thác rất lớn.

Ðể du lịch “Ðất chín rồng” tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm du lịch tránh bị trùng lặp, ngay sau khi kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã nhanh chóng triển khai các chương trình xúc tiến phát triển du lịch để từng bước khẳng định vị trí quan trọng của vùng trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Khai thác thế mạnh địa phương

Vùng đất phương nam-đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu ôn hòa, vườn trái cây sum suê, những cánh đồng lúa, đồng sen mênh mông trải dài hay vẻ đẹp hoang sơ lãng mạn của biển đảo níu chân du khách. Nhiều tỉnh, thành phố của đồng bằng châu thổ đang khai thác thế mạnh của địa phương, cho ra mắt các sản phẩm du lịch đặc thù.

Chúng tôi cùng một đoàn du khách có mặt tại Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Ðồng Tháp) từ sáng sớm. Chiếc vỏ lãi len lỏi qua các rặng rừng tràm rợp bóng cây và vang tiếng chim hót. Sáu năm nay, cứ vào khoảng tháng 4, tại khu A4 hoặc A5, vùng đất ngập nước Tràm Chim-Khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới lại tạo sức hút đặc biệt bởi một loài hoa mang tên hoàng đầu ấn. Ngay từ ban đầu, khi phát hiện cánh đồng hoa hoàng đầu ấn với diện tích hơn 20 ha, Khu du lịch Tràm Chim xác định đây là sản phẩm đặc thù và đã mở tour du lịch trải nghiệm tham quan. Trước cánh đồng hoàng đầu ấn rực rỡ trên vùng đất ngập nước mênh mông, du khách không khỏi trầm trồ. “Ðây là lần đầu mình đặt chân đến Ðồng Tháp. Quá bất ngờ khi đất nước mình có loài hoa đẹp lạ, mọc tự nhiên như thế. Dù phải đi từ sáng sớm, nhưng khi đặt chân vào Tràm Chim, đặc biệt là được chụp ảnh cùng hoa hoàng đầu ấn đã cho mình cảm giác thích thú, thoải mái”, du khách Lê Phương Hà đến từ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

Cách đây bảy năm, Ðồng Tháp đã bắt tay xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đặc thù. Ðáng chú ý, tỉnh tập trung phát triển các sản phẩm gắn với sản xuất nông nghiệp, những giá trị cảnh quan sông nước và văn hóa bản địa, như: tham quan cảnh quan thiên nhiên mùa nước nổi, ngắm cánh đồng sen ở Tháp Mười, du lịch cộng đồng ở Làng hoa kiểng Sa Ðéc, du lịch tâm linh…

Những ngày gần đây, chúng tôi có dịp cùng một số đoàn công tác về du lịch của thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, cùng các doanh nghiệp lữ hành tham gia khảo sát du lịch tại tỉnh Bạc Liêu. Ðoàn đã đến thăm các điểm du lịch khá nổi tiếng của thành phố Bạc Liêu như: khu điện gió Bạc Liêu, chùa Xiêm Cán, khu nhà Công tử Bạc Liêu, khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu… Ðây là những điểm du lịch đã được Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long công nhận là điểm đến tiêu biểu. Những điểm đến ấy càng khẳng định du lịch Bạc Liêu đang đi đúng hướng trong phát triển các sản phẩm đặc thù, du lịch tìm hiểu di sản văn hóa, tâm linh, sinh thái-trải nghiệm...

Ðến thăm một địa chỉ mới và một sản phẩm khá độc đáo là công trình điện gió tại vùng ven biển huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu mới thấy sự khác biệt một cách rõ nét trong làm du lịch. Giám đốc Ban quản lý dự án Ðiện gió Hòa Bình 1 (thuộc Tập đoàn Phương Anh) Hoàng Cường vừa lái xe điện, vừa sôi nổi cho chúng tôi biết: Ðây là dự án điện gió cách đất liền hơn 12 km, được đầu tư công nghệ, hiện đại và có quy mô lớn nhất so với gần 10 dự án điện gió trên địa bàn tỉnh hiện nay, với tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 1 gần 8.000 tỷ đồng.

“Ngay từ ban đầu, trong thiết kế thi công công trình điện gió, Tập đoàn Phương Anh đã tính đến việc vừa đầu tư khai thác tiềm năng điện gió, vừa phục vụ nhu cầu phát triển du lịch theo yêu cầu của lãnh đạo tỉnh. Hiện chúng tôi kết hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu tổ chức khai thác điểm tham quan. Ðược ngồi trên xe điện từ đất liền ra các trụ cột tua-bin gió ngoài khơi xa hơn 12 km, du khách rất hào hứng”, anh Hoàng Cường cho biết.

Giáp Bạc Liêu là Cà Mau-một tỉnh cực nam của Tổ quốc đang có những đầu tư cho sản phẩm du lịch đặc thù. Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng, tỉnh vừa ban hành chương trình “Cà Mau điểm đến năm 2022” nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Ðến với Cà Mau trong năm 2022, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến những trận đua vỏ lãi trên bãi bồi Ðất Mũi, đua xuồng ba lá trên sông Cái Tàu, lễ xác lập kỷ lục đối với tổ ong lớn nhất Việt Nam, thưởng thức các món ăn chế biến từ cua biển ngon nhất miền Tây…

Chủ động liên kết làm du lịch

Bước đầu, nhiều tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long đã xây dựng và ra mắt nhiều sản phẩm du lịch đặc thù, tạo sự thích thú đối với du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để du lịch “Ðất chín rồng” phát triển bền vững, đòi hỏi sự liên kết giữa các địa phương.

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022, Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tạo đà cho ngành du lịch ở vùng châu thổ này từng bước khôi phục và phát triển sau dịch Covid-19. Các địa phương đã ký kết quy chế, thỏa thuận hợp tác liên vùng nhằm đẩy mạnh khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh; tránh tình trạng phát triển tự phát như nhiều năm qua.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng cho rằng, trong bối cảnh mới, ngành du lịch thành phố và các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác. Việc liên kết sẽ tăng tính hiệu quả, ngày càng thu hút được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến với khu vực đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh. “Từ nay đến cuối năm 2022 và các năm tiếp theo, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chú trọng, đẩy mạnh việc xây dựng các sản phẩm liên vùng với 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long trên các trục tua, liên tuyến mà các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp đã khảo sát”, bà Phan Thị Thắng khẳng định.

Ðến nay, tất cả điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Ðồng Tháp đã mở cửa đón khách. Trong quý I, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch đạt 900.000 lượt, tổng thu du lịch ước đạt 300 tỷ đồng. Trong năm 2022, Ðồng Tháp đặt mục tiêu thu hút ba triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt 1.000 tỷ đồng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết: “Tỉnh đã chỉ đạo ngành du lịch tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ du lịch tại các điểm đến. Tiếp tục phát huy tốt hơn các nguồn tài nguyên văn hóa, du lịch của địa phương, thúc đẩy du lịch nông nghiệp, nông thôn có giá trị gia tăng cao và tăng cường trải nghiệm cho khách du lịch”.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu Trần Thị Lan Phương chia sẻ: Lĩnh vực du lịch của tỉnh từ giữa tháng 3 đến nay đã có những tín hiệu phục hồi khá tốt. Lượng khách du lịch đạt khoảng 950.000 lượt, tăng 49% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ du lịch đạt khoảng 795 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ. Dự kiến với đà phục hồi này, cuối năm 2022, ngành du lịch Bạc Liêu có thể thu hút lượng khách du lịch đạt khoảng 3,3 triệu lượt, doanh thu du lịch-dịch vụ đạt hơn 3.000 tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ðoàn Văn Việt, việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch của thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long, nhất là việc thành lập Hội đồng liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng và triển khai hiệu quả các nội dung thỏa thuận liên kết, chương trình hành động và kế hoạch công tác là một chủ trương đúng đắn, cách làm phù hợp xu thế, tình hình hội nhập và phát triển hiện nay. Ðây là cách làm hay, sáng tạo, cần tiếp tục phát huy và nhân rộng hơn nữa.

Các tỉnh, thành phố ở đồng bằng sông Cửu Long đang đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới với các sản phẩm đặc thù; cụ thể hóa bằng các nhiệm vụ, giải pháp nhằm định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ðiều này càng khẳng định việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đã thật sự tạo “cú huých” và động lực quan trọng đánh thức tiềm năng, thế mạnh du lịch khá phong phú, hấp dẫn của vùng “Ðất chín rồng” trong thời kỳ hội nhập và phát triển.


Theo Báo Nhân dân
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: