Đến Chư Tan Kra, nhớ những người con Hà Nội

Cập nhật: Thứ bẩy 30/04/2022 - 22:18
  Du khách nghe thuyết minh về Di tích Điểm cao 995 - Chư Tan Kra.
Du khách nghe thuyết minh về Di tích Điểm cao 995 - Chư Tan Kra.

Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, chúng tôi có dịp đến thăm Di tích lịch sử Điểm cao 995 - Chư Tan Kra (xã Ya Xier, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum), nơi ghi dấu những trận đánh ác liệt, oai hùng của "trung đoàn mũ sắt” (Trung đoàn 209, Sư đoàn 312), đơn vị có sự tham gia của rất nhiều người con Hà Nội - những chàng trai mười tám, đôi mươi đã cống hiến, hy sinh tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Giờ đây, Di tích lịch sử Điểm cao 995 - Chư Tan Kra đã trở thành một trong những “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống và là điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Kon Tum.

Ngọn đồi chứng tích lịch sử

Nằm cách trung tâm thành phố Kon Tum 35km về phía tây bắc, con đường thảm nhựa êm ái chạy giữa những rừng cà phê, cao su xanh mướt trên vùng đất đỏ bazan đặc trưng của đại ngàn Tây Nguyên đưa chúng tôi tới Di tích lịch sử Điểm cao 995 - Chư Tan Kra sau khoảng 1 giờ. Khu tưởng niệm mang dáng dấp một ngôi đình làng Bắc Bộ, lưng tựa vào núi Chư Tan Kra, mặt hướng về phía Bắc và Thủ đô Hà Nội - quê hương của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong trận đánh ngày 26-3-1968.

Chúng tôi dâng hương tưởng niệm, mắt cay nhòe khi đọc những dòng tên khắc trên bia đá. Họ là những người lính trẻ đến từ Ba Vì, Ứng Hòa, Đan Phượng, Thanh Oai, Hoài Đức... và các quận nội thành (khi ấy là khu phố) của Hà Nội. Càng xúc động hơn khi phía sau khu tưởng niệm là những hàng mộ đề dòng chữ: “Chưa xác định tên” hay khu mộ chung của 14 liệt sĩ cũng chưa rõ danh tính. Các anh nằm đó, trong vòng tay của Đất Mẹ, trong sự bao bọc của dãy Chư Tan Kra hùng vĩ.

Xúc động chia sẻ với chúng tôi, cô Lê Thị Huyên, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nguyễn Trãi (huyện Sa Thầy) kể: Tây Nguyên có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng nên ngay từ khi mới xâm lược, đế quốc Mỹ đã xây dựng nhiều đồn bốt tại đây, trong đó “mắt xích” quan trọng là Điểm cao 995 - núi Chư Tan Kra. Để tăng cường cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Trung đoàn 209 đang huấn luyện ở Hòa Bình được điều động vào chiến trường Tây Nguyên. Đây là đơn vị bộ binh đầu tiên được trang bị chính quy hiện đại, bao gồm súng AK báng gấp, mặt nạ phòng độc, súng phun lửa, B40, B41, đại liên K6... và mũ sắt của Liên Xô (vì thế được gọi là “trung đoàn mũ sắt”).

Xác định Chư Tan Kra là điểm cao chiến lược nên quân đội Mỹ đã xây dựng tại đây một căn cứ quân sự vững chắc, trang bị vũ khí tối tân với gần 1.000 binh sĩ đồn trú, gồm 5 đại đội bộ binh và 1 đại đội pháo hỗn hợp cùng các đại đội pháo 105mm, 155mm, 175mm, 203mm đóng ở các căn cứ xung quanh...

Nhận định nếu không đánh Chư Tan Kra sẽ rất khó khăn cho ta khi tiến đánh căn cứ KLeng, với quyết tâm tiêu diệt quân Mỹ tại điểm cao này, đêm 25 rạng ngày 26-3-1968, quân ta nổ súng tấn công mạnh mẽ từ các phía, tiêu diệt 2 đại đội và 1 trận địa pháo của địch. Ngay sau đó, địch tăng cường đổ quân chi viện cùng hỏa lực máy bay, pháo... Trận đánh kết thúc vào 7h sáng ngày 26-3-1968. Kết quả, 204 lính Mỹ bị tiêu diệt nhưng hơn 200 chiến sĩ của ta cũng đã anh dũng hy sinh. Hầu hết các anh đều là người Hà Nội và đang độ tuổi 18 - 20, độ tuổi đẹp nhất cuộc đời.

“Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống

54 năm đã trôi qua, chiến trường ác liệt ngày nào giờ đã được phủ một màu xanh của cà phê, cao su. Điểm cao 995 - Chư Tan Kra được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp tỉnh và được xây dựng trên khuôn viên rộng gần 100.000m2, trong đó khu vực I được bảo vệ rộng khoảng 40.000m2, gồm: Nhà tưởng niệm, 2 nhà bia và 2 bức phù điêu tái hiện sự chiến đấu, hy sinh quả cảm của các chiến sĩ trong trận chiến Chư Tan Kra. Công trình được xây dựng, bảo vệ và phát huy giá trị nhờ sự chung tay góp sức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô cùng huyện Sa Thầy và tỉnh Kon Tum. Đến năm 2021, tổng cộng 169/200 hài cốt liệt sĩ đã được cất bốc, quy tập về đây.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sa Thầy Trần Văn Tiên cho biết, từ năm 2016, vào mỗi dịp 26-3, chính quyền địa phương và nhân dân Hà Nội, Kon Tum đều tổ chức Lễ giỗ trận với nhiều hoạt động văn hóa phong phú như lễ cầu siêu, biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, khua luống, múa sạp hay giới thiệu các món ăn truyền thống... Đây còn là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho cán bộ, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. “Để phát huy giá trị và đưa Di tích Điểm cao 995 - Chư Tan Kra trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, từ năm 2022, huyện sẽ tổ chức thường niên Giải dù lượn để thu hút khách du lịch. Với điều kiện thuận lợi về địa hình, khí hậu, Chư Tan Kra được đánh giá là một trong những nơi có điều kiện bay tốt nhất trong cả nước và có nhiều lợi thế để phát triển hoạt động bay dù lượn kết hợp với du lịch. Đây sẽ là một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn của huyện Sa Thầy” - ông Tiên chia sẻ.

Với những giá trị văn hóa - lịch sử, Di tích lịch sử Điểm cao 995 - Chư Tan Kra thực sự là biểu tượng của lòng tri ân, thể hiện đạo lý nhân văn ngàn đời của dân tộc, đồng thời là “sợi chỉ đỏ” kết nối hai vùng đất Kon Tum - Hà Nội.


Theo HNMO
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: