Du lịch Cần Thơ nỗ lực thích ứng trong tình hình mới: Bài 1- Huy động mọi nguồn lực khôi phục ngành du lịch
Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) là điểm tham quan du lịch đặc sắc của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng, được Tạp chí du lịch Rough Guide của Anh bình chọn là một trong 10 chợ ấn tượng nhất thế giới. Ảnh: An Hiếu/TTXVN |
Hơn 2 năm qua, du lịch là một trong những ngành kinh tế của Cần Thơ chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch COVID-19.
Tuy vậy, phát huy tinh thần tự lực tự cường, chủ các doanh nghiệp du lịch tại Cần Thơ đã “biến nguy thành cơ”, sử dụng khoảng thời gian đóng cửa không đón khách để nâng cấp, sáng tạo nhiều sản phẩm du lịch mới, độc đáo. Song hành cùng doanh nghiệp, chính quyền thành phố cũng tập trung triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ ngành du lịch.
Nâng cấp cơ sở hạ tầng
Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ cho biết, trong kế hoạch đầu tư trung hạn của thành phố giai đoạn 2021-2026 dành hơn 7.000 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và địa phương để xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhằm phục vụ tốt cho phát triển du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của Cần Thơ, cũng như tạo tiền đề thu hút nhà đầu tư.
Tiêu biểu là các dự án: Vành đai phía Tây, nối Quốc lộ 91 tại quận Ô Môn đi qua quận Bình Thủy, huyện Phong Điền, quận Ninh Kiều, quận Cái Răng, với Quốc lộ 61C; dự án tỉnh lộ 923 chạy qua quận Ô Môn và huyện Phong Ðiền, nâng cao khả năng vận tải mạng lưới giao thông trên địa bàn; dự án đường tỉnh 917, có điểm đầu giao Quốc lộ 91 thuộc địa phận quận Ô Môn và điểm cuối giao với đường Nguyễn Văn Cừ thuộc huyện Phong Điền, nối Quốc lộ 91 và 91B cùng khu công nghiệp Trà Nóc; dự án xây dựng, nâng cấp đường 918 qua quận Bình Thủy và huyện Phong Điền, kết nối thông suốt giữa các tuyến quốc lộ 91, 91B, 61C…
Phong Điền là huyện được “hưởng lợi” nhiều từ các dự án trên. Trong quy hoạch phát triển của thành phố Cần Thơ, Phong Điền sẽ trở thành đô thị sinh thái, phát triển mạnh mô hình du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch cộng đồng. Điều này dựa trên thế mạnh bản địa là hệ thống sông rạch đan xen nhau, diện tích vườn cây ăn trái rộng lớn… Để từng bước hiện thực hóa kế hoạch đó, trong 5 năm qua, Cần Thơ đã huy động hơn 2.000 tỷ đồng từ các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ phát triển đô thị sinh thái Phong Điền.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2015 đến nay, thành phố đã phê quyệt 2 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch sinh thái tại huyện Phong Điền, tổng vốn khoảng 440 tỉ đồng gồm Khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng do Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam sông Hậu đầu tư và Dự án mở rộng làng du lịch Mỹ Khánh do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch sinh thái Mỹ Khánh đầu tư. Ngoài ra, khoảng 25 doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực du lịch tại huyện với tổng số vốn điều lệ trên 416 tỉ đồng.
Trong tiến trình đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, quận Bình Thủy là một trong những địa phương được thành phố Cần Thơ đầu tư phát triển mạnh mẽ nhất. Trên địa bàn quận có Sân bay quốc tế Cần Thơ - cửa ngõ hàng không quan trọng của khu vực miền Tây Nam Bộ và cảng Hoàng Diệu - một trong hai cảng lớn nhất của thành phố. Ngoài ra, quận Bình Thủy còn là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp lớn và quan trọng của Cần Thơ, cùng với đó là các tuyến đường giao thông huyết mạch như Võ Văn Kiệt, Quốc lộ 91, Quốc lộ 91B, tỉnh lộ 917, tỉnh 918…
UBND thành phố Cần Thơ ban hành Quyết định số 124/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Quyết định này, Khu đô thị truyền thống Ninh Kiều-Bình Thủy thuộc Khu đô thị trung tâm của thành phố Cần Thơ là một trong những trung tâm kinh tế, đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế, là một trong những trung tâm kinh tế-văn hóa, bảo tồn di tích lịch sử truyền thống, phát triển kinh tế gắn với thế mạnh về nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái, trong đó đặc biệt đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh. Các điều kiện về cơ sở hạ tầng để phát triển các mô hình du lịch này, đến nay đã cơ bản hoàn thiện.
Quận Ninh Kiều được quy hoạch phát triển mô hình du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác). Thành phố đã tập trung vào nâng cấp đường, công viên, nạo vét kênh mương, xây dựng các tòa nhà hiện đại… Ông Lữ Quốc Việt, Giám đốc Ban Quản lý Dự án và Phát triển Quỹ đất quận Ninh Kiều cho biết: Năm 2021, Ban được UBND quận giao nguồn vốn xây dựng cơ bản hơn 274,25 tỉ đồng để triển khai thi công các công trình.
Những công trình đã đưa vào sử dụng, góp phần nâng cấp đô thị trung tâm thành phố thêm khang trang và hiện đại gồm: Công trình Công viên rạch Khai Luông (cầu Ninh Kiều - cầu đi bộ); nâng cấp, mở rộng đường 3/2 (cầu Ðầu Sấu - cầu Cái Răng); đường số 20 khu tái định cư Thới Nhựt; nâng cấp đường Trần Văn Khéo (đoạn Lương Ðịnh Của - Công viên sông Hậu)… Quận Ninh Kiều cũng đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhằm xây dựng thêm nhiều hạng mục công trình hiện đại trên địa bàn…
Thời gian tới, quận tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các công trình đường cặp bờ kè rạch Khai Luông (đoạn cầu Ninh Kiều - Hai Bà Trưng); bồi hoàn, chỉnh trang vỉa hè đường 3/2 (giải phóng mặt bằng nhà số 37, 37A); nâng cấp đường Nguyễn Văn Cừ (đoạn Nguyễn Văn Linh - cầu Rạch Ngỗng 2); nâng cấp đường sông Hậu (đoạn Trần Phú - Nhà thi đấu đa năng); nạo vét hồ Xáng Thổi, cải tạo kè, công viên và đường quanh hồ…
Các quận, huyện còn lại như Thốt Nốt, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Ô Môn, Cái Răng, Thới Lai cũng đều được đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với lợi thế của địa phương.
Đa dạng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Trước những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành du lịch thành phố đã nỗ lực triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, giảm thiểu thiệt hại. Trên cơ sở đó, nhanh chóng thích ứng với tình hình mới và phục hồi hoạt động du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát ổn định.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ cho biết, hiện thành phố có hơn 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Sở đã thống kê, lên danh sách các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch để đề xuất Công ty Điện lực thành phố Cần Thơ giảm giá điện. Đồng thời, Sở tổng hợp nhu cầu vay vốn phát triển du lịch của các doanh nghiệp gửi đến Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam để được hỗ trợ, kịp thời khắc phục hậu quả do dịch bệnh, phục hồi kinh doanh và đón khách du lịch.
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn triển khai nhiều chương trình liên kết vùng trong phát triển du lịch. Đặc biệt, để thích ứng với dịch COVID-19, ngành du lịch Cần Thơ chú trọng đẩy mạnh xúc tiến du lịch trên môi trường số. Ngày 22/1 tới đây, Hội chợ du lịch trực tuyến Cần Thơ với chủ đề “Chung tay hồi phục ngành du lịch. Cần Thơ - Ðiểm đến an toàn, hấp dẫn”, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Trung tâm Phát triển Du lịch Cần Thơ tổ chức diễn ra từ ngày 22/1 đến 10/2. Hội chợ sẽ có khoảng 100 gian hàng tham gia từ các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trong nước; các Trung tâm xúc tiến du lịch; các cơ sở lưu trú, lữ hành, khu điểm tham quan du lịch, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực vận tải khách du lịch, ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe. sản phẩm quà tặng trong cả nước.
Các hoạt động chính tại Hội chợ gồm: Tổ chức không gian triển lãm, các gian hàng trực tuyến, nơi đơn vị tham gia có thể đăng tải logo, thông tin giới thiệu đơn vị, thông tin khuyến mãi, ấn phẩm, hình ảnh, video clip giới thiệu quảng bá du lịch; phối hợp với trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo du lịch trực tuyến “Chung tay phục hồi ngành du lịch” (2 hình thức trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng Zoom, fanpage CanTho Tourism); tạo cơ hội kết nối, giao thương trực tiếp giữa các doanh nghiệp. Đây được kỳ vọng sẽ là sự kiện góp phần khôi phục hoạt động du lịch, tạo chuyển biến về hành động để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Cần Thơ; đồng thời kết nối các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch, tiếp cận và mở rộng thị trường.
Việc chuyển đổi số này được thể hiện ở các khía cạnh: Ứng dụng công nghệ thông tin, kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, số hóa dữ liệu, đầu tư trang web… Nhiều mô hình chuyển đổi số như Cổng Thông tin du lịch thành phố Cần Thơ tại địa chỉ https://canthotourism.vn và https://mycantho.vn đã đi vào hoạt động và ngày càng được nâng cấp, hoàn thiện. Du khách có thể tải ứng dụng "Can Tho Tourism" trên CHPlay và AppStore. Bên cạnh đó là các giải pháp công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành; quảng bá, xúc tiến du lịch; hỗ trợ nhu cầu tìm kiếm, truy cập thông tin và nâng cao trải nghiệm cho khách du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch nắm bắt xu thế và nâng cao tính cạnh tranh…
Ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết thêm, ngành phối hợp với các tập đoàn lớn như FPT, Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) xây dựng “Bộ giải pháp du lịch thông minh” sử dụng công nghệ thực tế ảo. Thông qua đó, du khách dễ dàng tra cứu, trải nghiệm thông tin du lịch như lưu trú, ẩm thực, điểm du lịch, cửa hàng, giải trí, lữ hành, sự kiện…
Du khách được cung cấp thông tin các cơ sở dịch vụ du lịch an toàn, khám phá điểm đến, quản lý tour du lịch, mua sắm; được tự chủ trong hoạch định lịch trình, đặt phòng nhanh chóng, định vị điểm đến và dẫn đường thông minh qua bản đồ tương tác.
Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch, chuyển đổi số giúp tiết kiệm chi phí vận hành, đồng thời là kênh quảng bá sản phẩm hiệu quả. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, giải pháp du lịch thông minh cung cấp các công cụ thống kê, báo cáo, quản lý thông tin, dự báo xu hướng phát triển du lịch một cách nhanh chóng và chính xác.