Du lịch Hà Nội: Đổi mới để phát triển bền vững

Cập nhật: Thứ năm 25/11/2021 - 15:02
 Ngành Du lịch Hà Nội đã xây dựng các sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách. Trong ảnh: Khách du lịch tham quan Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò (quận Hoàn Kiếm) qua hệ thống thuyết minh tự động. Ảnh: Viết Thành
Ngành Du lịch Hà Nội đã xây dựng các sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách. Trong ảnh: Khách du lịch tham quan Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò (quận Hoàn Kiếm) qua hệ thống thuyết minh tự động. Ảnh: Viết Thành

Sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-6-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo, ngành Du lịch Thủ đô đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 xuất hiện, ngành Du lịch gặp phải khó khăn, thách thức chưa từng có. Yêu cầu đặt ra là du lịch Hà Nội phải đổi mới để sớm phục hồi, phát triển bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thành quả và thử thách

Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, trong 5 năm triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU, từ năm 2016-2019 được xem là “giai đoạn vàng” của du lịch Hà Nội, với tăng trưởng khách du lịch đến Hà Nội bình quân đạt 10,1%/năm, hoàn thành và vượt chỉ tiêu về tốc độ tăng trung bình từ 8-10%/năm. Đặc biệt, mức tăng trưởng khách du lịch quốc tế bình quân đạt 21,2%/năm, hoàn thành sớm 2 năm chỉ tiêu khách du lịch quốc tế đến Hà Nội vào năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch cũng có sự tăng trưởng cao, bình quân 17,6%/năm và đến năm 2019, ngành Du lịch đã đóng góp 12,54% vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội.

Tuy nhiên, đến năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Du lịch Thủ đô gặp rất nhiều khó khăn. Các chỉ tiêu phát triển du lịch đều sụt giảm mạnh (khách du lịch giảm 70%, tổng thu từ khách du lịch giảm 73%, công suất bình quân khối khách sạn giảm 38% so với năm 2019), trên 90% doanh nghiệp du lịch tạm dừng hoạt động, dẫn đến không đạt mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn 5 năm từ 2016-2020.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, dịch Covid-19 khiến bức tranh chung của toàn ngành Du lịch trở nên ảm đạm chưa từng có. Ngoài ra, bên cạnh những việc làm được, du lịch Thủ đô bộc lộ không ít hạn chế, như: Các sản phẩm du lịch tuy đã đổi mới, song so với các trung tâm du lịch lớn trong nước và khu vực còn thiếu sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh; chất lượng dịch vụ du lịch tại một số điểm đến chưa cao; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch chưa đồng bộ; triển khai ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch còn chậm…

Đánh giá về những đóng góp của ngành Du lịch Thủ đô, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Hà Nội luôn là một trong hai trung tâm du lịch lớn, đóng vai trò quan trọng cho phát triển của ngành Du lịch Việt Nam. “Trước dịch Covid-19, Hà Nội luôn là điểm đến được nhiều du khách quốc tế lựa chọn. Song, hạn chế lớn nhất của Hà Nội là còn thiếu những sản phẩm đặc trưng có thể níu chân du khách lưu trú lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn”, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết thêm.

Thời gian qua, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng nhiều sản phẩm mới phù hợp với tình hình phòng, chống dịch Covid-19. Trong ảnh: Câu lạc bộ du lịch bền vững VGreen ra mắt sản phẩm khám phá Hà Nội bằng xe đạp vào ngày 20-11-2021. Ảnh: Hoàng Quyên

Đổi mới để tận dụng tiềm năng

Theo Sở Du lịch Hà Nội, với việc sở hữu gần 6.000 di tích, hơn 1.350 làng nghề, Hà Nội hội tụ rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa, du lịch làng nghề, du lịch tâm linh. Bên cạnh đó, Hà Nội có vùng ven đô, vùng ngoại thành với nhiều nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, phù hợp phát triển loại hình du lịch giải trí, du lịch thể thao, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia về du lịch, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhu cầu, xu hướng du lịch thay đổi, trong đó du lịch theo nhóm nhỏ, bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 sẽ là chủ đạo. Vì thế, khi xây dựng các kế hoạch phát triển du lịch, Hà Nội cần tính toán đến sự thay đổi này.

Bàn về giải pháp giúp Hà Nội khai thác các tiềm năng, theo Phó Chủ tịch Ban cố vấn Hiệp hội Du lịch Việt Nam Trương Minh Tiến, thành phố cần lựa chọn đầu tư phát triển sản phẩm đặc trưng, tránh dàn trải, trong đó ưu tiên nâng cấp hạ tầng dịch vụ. Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan, Hà Nội cần tập trung cho phát triển du lịch văn hóa. Ngoài xây dựng các sản phẩm du lịch mới, cần nâng cao chất lượng dịch vụ những sản phẩm quen thuộc để tạo sự mới lạ cho du khách. Trong khi đó, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam Hoàng Nhân Chính cho rằng, bên cạnh việc cơ cấu lại sản phẩm du lịch, Hà Nội cần phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp đẩy mạnh khâu quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực, quản lý điểm đến phù hợp với xu hướng du lịch mới.

Hiện tại, Sở Du lịch Hà Nội đang xây dựng “Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-6-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo” và “Dự thảo Nghị quyết về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, đơn vị nêu 7 nhóm giải pháp để khắc phục những hạn chế của du lịch Hà Nội, hướng tới phát triển bền vững. Trong đó, thời gian tới, Hà Nội sẽ hình thành các cụm du lịch trọng điểm theo từng khu vực: Cụm du lịch trung tâm Hà Nội (phát triển du lịch văn hóa, di sản, ẩm thực); cụm du lịch vùng ven đô (phát triển du lịch kết hợp hội nghị, du lịch thể thao, giải trí); cụm du lịch vùng ngoại thành Hà Nội (phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, du lịch học đường...).

“Các dự thảo xây dựng xong sẽ được trình lên cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành, là cơ sở để đầu tư xây dựng hạ tầng và sản phẩm, tạo động lực và điều kiện tốt nhất cho du lịch Thủ đô phát triển trong giai đoạn tới”, bà Đặng Hương Giang nêu rõ.


Theo HNMO
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: