Du lịch Hà Nội 'hồ hởi' đón cơ hội mới

Cập nhật: Thứ ba 22/02/2022 - 15:15
 Du khách quốc tế tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh tư liệu: Thanh Tùng/TTXVN
Du khách quốc tế tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh tư liệu: Thanh Tùng/TTXVN

Từ ngày 15/3, Chính phủ đồng ý mở lại toàn bộ hoạt động du lịch, điều đó có nghĩa ngành Du lịch đứng trước cơ hội mới để phục hồi, phát triển sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động do dịch COVID-19.

Các cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch Hà Nội đang hồ hởi chuẩn bị các điều kiện, từ sản phẩm, nhân lực, xúc tiến quảng bá... để đón khách trở lại.

Sẵn sàng tâm thế

Đến thời điểm này, Hà Nội đã mở cửa hầu hết các cơ sở, địa điểm liên quan đến hoạt động du lịch, từ di tích, bảo tàng, công viên, rạp chiếu phim, nhà hàng... chỉ trừ vũ trường, quán bar, karaoke, massage là chưa được hoạt động. Với việc mở cửa các địa điểm, dịch vụ trên, cùng với việc Chính phủ cho phép mở cửa hoàn toàn các hoạt động du lịch, ngành du lịch Thủ đô tự tin, sẵn sàng đón khách trở lại. Hơn nữa, các hiệp hội, câu lạc bộ, doanh nghiệp du lịch đã chuẩn bị tốt tâm thế, đồng lòng vực ngành Du lịch phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng.

Khẳng định việc mở cửa lại hoạt động du lịch Thủ đô thể hiện được vai trò là trung tâm du lịch lớn của cả nước, Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái cho rằng, đây là động lực để các doanh nghiệp mạnh dạn xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp, đặc trưng của Hà Nội cũng như xúc tiến việc đưa, đón khách an toàn. Bởi thực tế, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều điểm du lịch chưa được mở cửa nên khách đến Hà Nội không đông bằng các địa phương khác, người Hà Nội đi du lịch các tỉnh, thành phố khác rất nhiều.

Đây cũng là suy nghĩ chung của nhiều doanh nghiệp, mong muốn được phát huy khả năng khi du lịch mở cửa trở lại. Hiện tại, các doanh nghiệp đã xây dựng những bộ sản phẩm mới với nhiều ưu đãi về giá cả, dịch vụ. Ví dụ Công ty Du lịch Vietravel - Chi nhánh Hà Nội, song song với những sản phẩm truyền thống, đơn vị chuẩn bị bộ sản phẩm cho SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam vào tháng 5 sắp tới, cả trước, trong và sau khi sự kiện diễn ra. Các hãng hàng không như: Vietnam Airlines, Bamboo Airways, VietJet Air đã mở rộng các đường bay mới, không chỉ trong nước mà cả quốc tế, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của hành khách.

Thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 năm 2022-2023. Trong đó, thành phố chú trọng đảm bảo an toàn tại các điểm đến và khách du lịch; tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu mới của thị trường. Ngành Du lịch tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thu hút khách du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số trong Ngành du lịch; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.

Xây dựng chiến lược phù hợp


 Phố Hàng Bạc nằm trong các tuyến phố đi bộ của Thủ đô. Ảnh tư liệu: Thanh Tùng/TTXVN

Dù là cơ hội phục hồi nhưng trải qua thời gian dài bị đình trệ nên khi khởi động trở lại, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng gặp không ít bất cập trong việc vận hành, lấy lại nhịp độ hoạt động như trước. Nhiều vấn đề được chỉ ra để khắc phục, nhiều giải pháp được xây dựng để có bước tiến dài, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 đã làm xoay chuyển một phần xu hướng du lịch hiện nay.

Ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội bày tỏ sự băn khoăn vì thời gian qua các doanh nghiệp du lịch bị ngưng trệ hoạt động, nguồn nhân lực bị hao tổn nhiều. Một lượng lớn lao động du lịch đã chuyển sang ngành nghề khác, khó quay trở lại nên nhân lực là vấn đề trở nên quan trọng đối với các doanh nghiệp.

Ông Trương Quốc Hùng đề xuất thành phố cần hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chung một cách bài bản, nếu không nhanh chóng, khi mở cửa dịch vụ du lịch sẽ không được đồng đều, ảnh hưởng đến chất lượng tour tuyến.

Câu chuyện về liên kết cũng được đặt ra để tạo một thị trường du lịch đồng bộ, lành mạnh và bền vững. Để làm mới sản phẩm, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giá cả phù hợp hay việc định hướng xu hướng du lịch cho khách hàng, các điểm đến, các công ty du lịch cùng liên kết với nhau, liên kết với các nhà cung ứng dịch vụ, tạo sự thống nhất chung trên cơ sở vì lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của khách hàng.

Bà Trịnh Mỹ Nghệ, Giám đốc Công ty Du lịch Quốc tế ITC đề xuất tạo ra một liên minh du lịch Hà Nội giữa các doanh nghiệp du lịch và hãng hàng không với sự bảo trợ của Sở Du lịch Hà Nội để xây dựng các sản phẩm mới. Một mặt, Hà Nội cần kết nối với các tỉnh lân cận như: Ninh Bình, Quảng Ninh theo “hành lang xanh”, đi theo chỉ dẫn đã được định vị sẵn, có lộ trình, quy trình cụ thể.

Với góc độ là cơ quan quản lý du lịch, Sở Du lịch Hà Nội đã họp bàn với các tổ chức, doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, điểm đến, hàng không... xúc tiến việc mở cửa phục hồi, phát triển du lịch thành phố. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang đề nghị các doanh nghiệp khi xây dựng chương trình tour cần gửi cho Sở Du lịch để cơ quan này tuyên truyền, quảng bá trên các kênh truyền thông như: Kênh truyền thông quốc tế CNN, Đài Truyền hình Việt Nam, các kênh sóng FM, truyền thông số... Năm 2022 này, Ngành du lịch Thủ đô tổ chức nhiều sự kiện ở quy mô quốc gia như: Lễ hội quà tặng du lịch, lễ hội ẩm thực, lễ hội áo dài và các chương trình liên quan đến SEA Games 31... Sở Du lịch hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực. Cùng với việc phục hồi, phát triển du lịch, toàn ngành cố gắng để ghi điểm cạnh tranh với các nước trong khu vực.


Theo Báo tin tức
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: