Du lịch nông thôn: ''Đòn bẩy'' phát triển kinh tế
Du khách trải nghiệm không gian du lịch sinh thái miệt vườn tại huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre). Ảnh: TTXVN |
Được ví là “mỏ vàng” của du lịch Việt Nam, trong những năm gần đây, du lịch nông thôn được nhiều địa phương đầu tư, góp phần làm “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế. Đặc biệt, tiềm năng lớn của du lịch nông thôn đã giúp ngành Du lịch xây dựng nhiều sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, độc đáo để thu hút du khách trong và ngoài nước.
Tiềm năng lớn
Theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), lượng khách du lịch tham gia các hình thức du lịch nông thôn và sinh thái chiếm khoảng 10% tổng lượng khách du lịch, với doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm. Mỗi năm, tỷ lệ khách du lịch nông thôn tăng từ 10% đến 30%, cao hơn các hình thức du lịch truyền thống khoảng 4%. Việt Nam là quốc gia được nhiều du khách trong và ngoài nước lựa chọn điểm đến là nông thôn để trải nghiệm, nhất là trong và sau đại dịch Covid-19, du khách có xu hướng tìm đến không gian yên tĩnh, trong lành ở các vùng quê.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, với gần 65,6% dân số hiện sống ở khu vực nông thôn, cùng với lợi thế cảnh quan tươi đẹp, yên bình, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc, Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh lớn trong phát triển du lịch gắn với nông thôn. “Du lịch nông thôn là lợi thế của du lịch Việt Nam, không chỉ góp phần tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, mà còn giúp tạo việc làm cho người dân bản địa, phát triển kinh tế và an sinh xã hội”, ông Vũ Thế Bình nói.
Thống kê của ngành Du lịch cho thấy, hiện có ba hình thức du lịch nông thôn, là: Du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái. Cả nước có 365 điểm du lịch nông thôn ở 37 tỉnh, thành phố và hơn 2.000 làng nghề truyền thống có tiềm năng phát triển về du lịch. Ở nhiều địa phương, du lịch nông thôn đang là mũi nhọn để phát triển kinh tế, có sức hút lớn với du khách. Không ít mô hình du lịch nông thôn đã làm “say lòng” du khách, như: “Mùa lúa chín” ở vùng núi Đông - Tây Bắc, du lịch sông nước ở Đồng bằng sông Cửu Long, “Ngắm hoa cà phê” ở Tây Nguyên...
Bên cạnh đó, nhiều địa phương dù không có lợi thế về nông nghiệp, nhưng đã có chiến lược phát triển du lịch nông thôn để hấp dẫn du khách. Điển hình là các tỉnh có lợi thế du lịch biển, như: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình… đang tập trung xây dựng thêm sản phẩm du lịch nông thôn mới để tăng thêm sức hấp dẫn.
Tại Hà Nội, với vùng ngoại thành rộng lớn, nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp cùng 806 làng nghề, du lịch nông thôn được xem là “mỏ vàng” của du lịch Thủ đô. Rất nhiều mô hình du lịch nông thôn đã phát triển ở các huyện, thị xã, như: Ba Vì, Quốc Oai, Gia Lâm, Sơn Tây, Mỹ Đức, Thường Tín… Trong đó, có những mô hình được thành phố công nhận là điểm du lịch: Làng Phù Đổng, làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm); làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây); làng sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín)…
Khách du lịch trải nghiệm các hoạt động nông nghiệp tại làng sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín). Ảnh: Nguyễn Quang
Chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm
Mặc dù được đánh giá là có thể trở thành mũi nhọn trong phát triển du lịch, song theo nhiều chuyên gia, du lịch nông thôn ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập.
Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam Phạm Hải Quỳnh cho rằng, điểm hạn chế của du lịch nông thôn hiện nay là thiếu sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, ít cơ sở lưu trú chất lượng để khách ở lại lâu hơn. Ngoài ra, việc thiếu quy hoạch, cơ chế, chính sách đã khiến cho du lịch nông thôn phát triển manh mún, tự phát, chủ yếu là các hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ. Còn theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng, sản phẩm du lịch nông thôn còn nghèo nàn, nhân lực lao động chủ yếu là người dân bản địa, nên những kiến thức, kỹ năng làm dịch vụ du lịch còn thiếu và yếu.
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2-8-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”, đã nhấn mạnh việc phát triển du lịch nông thôn cần gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương.
Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn. Mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Phạm Hải Quỳnh cho hay, các địa phương cần có quy hoạch và đầu tư vào du lịch nông thôn bài bản. Đặc biệt, cần có kế hoạch và mời chuyên gia cùng xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo để đạt hiệu quả cao, tránh đầu tư nhiều mà khả năng khai thác thấp và nên tập trung vào thế mạnh du lịch làng nghề... Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, cần có những quy định cụ thể, chính sách phù hợp về việc chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp cho phát triển du lịch, tránh những hệ lụy không mong muốn.
Tại Hà Nội, du lịch nông thôn đang được đẩy mạnh ở nhiều địa phương. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Sở đang phối hợp với các huyện, thị xã rà soát, đánh giá lại hiệu quả các mô hình du lịch vùng ngoại thành, từ đó tổ chức, xây dựng lại sản phẩm du lịch mới, phù hợp với thị hiếu của du khách, cũng như góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch Thủ đô.