Chính sách dân tộc - Điểm tựa cho người dân thoát nghèo
Từ chính sách của Nhà nước, gia đình chị Đặng Thị Khoa, xóm Cao Phong, xã Hợp Tiến được hỗ trợ mua 150 cây mít Thái, cấp phân bón và tập huấn khoa học kỹ thuật. |
Hợp Tiến là xã đặc biệt khó khăn của huyện Đồng Hỷ, đồng bào người dân tộc thiểu số chiếm trên 70%, chủ yếu là người dân tộc Dao, số hộ nghèo và cận nghèo còn khá cao (hiện cả xã còn 443 hộ nghèo và 527 hộ cận nghèo). Bởi vậy, các chính sách về dân tộc luôn được xã chú trọng và triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, giúp bà con dần ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Có thể thấy, một trong những dự án mà bà con được hưởng lợi thấy rõ và nhanh nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Chỉ riêng từ năm 2018 đến nay, xã được đầu tư xây dựng công trình phòng học và bếp ăn bán trú tại điểm trường Đèo Bụt (Trường Mầm non Hợp Tiến) với kinh phí 879 triệu đồng và xây dựng nhà văn hóa xóm Bãi Vàng. Hiện nay, xã đang triển khai xây dựng công trình cầu Tràn xóm Bãi Vàng và kè lên điểm Trường Mầm non Bãi Vàng. Tổng kinh phí của 2 công trình trên là 500 triệu đồng. Trước đây là các dự án làm đường giao thông, xây dựng kênh mương, điện… giúp người dân đi lại dễ dàng, thuận lợi trong sản xuất, sinh hoạt. Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc thiểu số ở Hợp Tiến còn được hưởng các chính sách, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Theo phân cấp, UBND xã được làm chủ đầu tư một số tiểu dự án. Ví dụ năm 2018, xã đã triển khai chính sách hỗ trợ mua máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất cho người dân với tổng kinh phí trên 298 triệu đồng (trong đó Nhà nước hỗ trợ trên 252 triệu đồng, bà con chỉ phải đối ứng gần 46 triệu đồng). Hưởng lợi từ dự án này, đã có 82 hộ nghèo, hộ cận nghèo (trong đó có 52 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số) được mua máy móc, thiết bị hỗ trợ sản xuất, nâng cao năng suất lao động, như: Máy cày, tôn quay, máy vò chè…
Từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, anh Đặng Quốc Tuấn, người dân tộc Dao, ở xóm Mỏ Sắt đã mạnh dạn đối ứng mua chiếc máy cày để phục vụ công việc đồng áng. Có máy cày, sức lao động giảm mà năng suất tăng cao, không những vậy, anh còn làm thuê cho các hộ trong vùng. Nhờ vậy, đến hết năm 2018, gia đình anh Tuấn đã thoát nghèo. Tương tự, nhờ được hỗ trợ mua tôn quay, máy vò chè gia đình chị Bàn Thị Thoa, ở xóm Đèo Hanh chế biến chè thuận lợi hơn, chất lượng chè nâng lên, hiệu quả kinh tế tăng lên đáng kể.
Cũng từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp mà nhiều gia đình người dân tộc thiểu số được nhận cây, con giống làm vốn để đưa kinh tế gia đình từng bước thoát cảnh khó khăn. Cụ thể từ năm 2018 đến nay, xã có 12 hộ nghèo được tham gia mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học. Thực hiện mô hình này, mỗi hộ được cấp 200 con gà giống kèm thức ăn chăn nuôi, vắc xin phòng bệnh. Một số hộ khác tham gia mô hình trồng cây mít Thái với tổng số 500 cây và được cấp 2,5 tấn phân bón. Ngoài ra hàng năm, xã luôn tổ chức cung ứng kịp thời giống lúa, ngô trợ giá cho bà con, đồng thời mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là đối với các cây, con giống mới.
Chị Đặng Thị Khoa, dân tộc Dao, xóm Cao Phong cho biết: Khi xã triển khai mô hình trồng mít Thái, gia đình tôi đã đăng ký nhận 150 cây về trồng tại vườn nhà. Để tham gia mô hình, tôi chỉ phải đối ứng mua cây giống còn phân bón và tập huấn về chuyển giao khoa học, kỹ thuật được miễn phí hoàn toàn. Sau hơn 1 năm, cây phát triển tốt, một số gốc đã ra quả và hứa hẹn sẽ trở thành cây đem lại nguồn thu chính cho gia đình tôi trong những năm tới.
Không chỉ được hỗ trợ bằng các chính sách phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng cơ sở, những năm qua, bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Hợp Tiến còn được cấp các ấn phẩm báo chí kịp thời, đúng đối tượng, địa chỉ. Những năm qua, Đảng ủy, UBND, các tổ chức hội, đoàn thể của xã đến xóm, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được cấp phát miễn phí một số loại báo, tạp chí của Đảng, như: Báo Nhân dân, báo Thái Nguyên, báo Dân tộc và Phát triển... Đây là nguồn thông tin bổ ích, tài liệu quan trọng, chính thống giúp các tổ chức đảng, cán bộ và nhân dân nắm được thông tin, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đồng thời áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, cách làm hay, hiệu quả trong phát triển kinh tế…
Trao đổi với chúng tôi, ông Bàn Sinh Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến cho biết: Với mỗi một chủ trương, chính sách khi về đến xã, UBND xã đều tổ chức họp triển khai, thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động. Xã yêu cầu các bí thư chi bộ, trưởng xóm, trưởng các hội, đoàn thể tuyên truyền, phổ biến tới toàn thể nhân dân, đồng thời giao cho cán bộ chuyên môn phối hợp với MTTQ, các tổ chức đoàn thể, xóm phối hợp thực hiện. Trong quá trình thực hiện, xã chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những thiếu sót để điều chỉnh. Bởi vậy mà trong thời gian qua, các chính sách của Đảng, Nhà nước khi triển khai ở xã đều phát huy hiệu quả, bà con được hưởng lợi, tỷ lệ thoát nghèo của xã luôn đạt và vượt mục tiêu đề ra. Chẳng hạn như năm 2018, cả xã đã có 88 hộ thoát nghèo (chỉ tiêu là 85 hộ). Mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 4% của năm 2019 có thể đạt.
Tuy nhiên, với đặc thù xã khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số và hộ nghèo còn khá cao, trình độ dân trí còn thấp nên việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Bên cạnh đó, mức hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo còn thấp, thậm chí là manh mún, nhỏ lẻ nên khó mở rộng phát triển sản xuất hay đầu tư vào chăn nuôi có giá trị kinh tế cao, chưa kể một số hộ quá khó khăn không có khả năng đối ứng để mua vật tư nông nghiệp, máy nông cụ nên khó có khả năng thoát nghèo. Đây cũng là điều mà lãnh đạo xã Hợp Tiến luôn trăn trở, tìm hướng giải quyết, đồng thời mong muốn các cấp, ngành quan tâm đầu tư nhiều hơn bằng các cơ chế chính sách, dự án đồng bộ, phù hợp, giúp bà con thoát nghèo bền vững.