Có nên duy trì hoạt động Quỹ bảo lãnh tín dụng?
Nhiều DN có nhu cầu về vốn nhưng rất khó đáp ứng các điều kiện để được tiếp cận vốn vay ngân hàng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. |
Được kỳ vọng giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) không có khả năng đáp ứng yêu cầu về tài sản đảm bảo nhưng vẫn được vay vốn ngân hàng để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhưng đến nay, sau gần 4 năm đi vào hoạt động, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV đã không phát huy được hiệu quả. Một câu hỏi được đặt ra là có nên tiếp tục duy trì hay để Quỹ giải thể?.
Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV được HĐND tỉnh khóa XII thông qua tại Kỳ họp thứ 13, với số vốn điều lệ thực cấp là 30 tỷ đồng (còn số vốn được ghi là 100 tỷ đồng). Quỹ là tổ chức tài chính Nhà nước, tự chủ về tài chính, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, tính đến nay, Quỹ mới thực hiện được 4 lần bảo lãnh cho một DN, với số tiền bảo lãnh 4,5 tỷ đồng/lần. Trong khi đó, trên thực tế, số lượng DN cần vốn, muốn xin được bảo lãnh trên địa bàn tỉnh qua khảo sát của chúng tôi là khá lớn. Đây cũng là thực trạng chung của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV của hầu hết các tỉnh, thành. Nguyên nhân là bởi các thủ tục, quy định để DN được bảo lãnh không khác gì khi vay vốn ngân hàng, thậm chí còn phức tạp hơn, trong khi đó ngoài lãi suất phải trả ngân hàng như các khoản vay thông thường, DN còn phải trả thêm một khoản phí bảo lãnh cho Quỹ là 0,8%/năm.
Từ thực trạng khó khăn này, theo kiến nghị của nhiều tỉnh, thành đã thành lập Quỹ, ngày 8/3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV thay thế cho Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV và các văn bản có liên quan. Theo đó, có một số thay đổi trong việc tổ chức điều hành hoạt động của Quỹ cũng như đối tượng được bảo lãnh, điều kiện để được cấp bảo lãnh…
Trong số các thay đổi này, điều mà các DN quan tâm nhiều nhất chính là điều kiện để được cấp bảo lãnh tín dụng, vì đây được xem là nút thắt của Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg, khiến DN rất khó đủ điều kiện được bảo lãnh. Cụ thể, nếu như trước đây, một trong những điều kiện để được cấp bảo lãnh tín dụng là DN phải có tài sản đảm bảo. Tài sản đó có thể là đã hình thành hoặc hình thành trong tương lai thuộc quyền sở hữu của DN. Nhưng nay theo Nghị định 34/2018/NĐ-CP, tại điều 25 thì DN không nhất thiết phải đáp ứng yêu cầu này nếu có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, đảm bảo khả năng trả nợ được Quỹ Bảo lãnh tín dụng xem xét đánh giá hoặc DN đó được Quỹ Bảo lãnh xếp hạng tín nhiệm là DN đảm bảo khả năng trả nợ cho khoản vay tại tổ chức cho vay… Trong trường hợp này, Quỹ có trách nhiệm trình Chủ tịch Quỹ xem xét, quyết định. Thoạt nghe, có vẻ như những khó khăn trong việc bảo lãnh tín dụng cho DN đã được tháo gỡ, nhưng trên thực tế lại không phải vậy.
Theo ông Vũ Duy Nghĩa, Giám đốc Quỹ Phát triển đất (đơn vị được giao quản lý, điều hành Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV): Rất khó để có thể thực hiện nội dung này, vì nếu không may, DN được bảo lãnh gặp rủi ro thì Quỹ sẽ phải thực hiện trả nợ thay bằng vốn điều lệ (trên thực tế, điều này đã xảy ra ở một số địa phương). Điều này đồng nghĩa với việc làm thất thoát ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, một trong những chức năng, nhiệm vụ của Quỹ là phải bảo toàn, phát triển nguồn vốn…
Bà Phan Thị Tuất, Kế toán trưởng Công ty cổ phần Xây dựng Giao thông II Thái Nguyên chia sẻ: Vừa qua, Công ty tôi thi công một công trình BOT. Vì nghe nói, vay vốn ngân hàng cho loại công trình này khó khăn nên chúng tôi đã liên hệ với Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV để xin được bảo lãnh. Tuy nhiên, một trong những thủ tục mà Công ty phải thực hiện đó là có xác nhận của chủ đầu tư đối với phần công trình đã làm. Trong khi các thủ tục khác vẫn phải đảm bảo theo yêu cầu của ngân hàng. Cùng lúc này, Công ty cũng đã đặt vấn đề và được phía ngân hàng chấp thuận cho vay nên chúng tôi không xin bảo lãnh từ Quỹ nữa.
Công ty cổ phần Xây dựng Giao thông II Thái Nguyên chỉ là một trong số hàng chục DN đến đặt vấn đề xin bảo lãnh vay vốn. Nếu đủ điều kiện để được vay vốn ngân hàng thì đương nhiên họ sẽ không thông qua Quỹ; số còn lại thì đều không đủ các điều kiện nên không được chấp thuận bảo lãnh.
Tính đến nay, vốn điều lệ của Quỹ vẫn là 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1, Điều 5 Nghị định số 34/2018/NĐ-CP thì số vốn này hiện chỉ đạt 33,3% theo quy định (quy định mới, Quỹ phải có vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng) và nếu tỷ lệ cấp bảo lãnh tín dụng trên vốn điều lệ thực của Quỹ tại thời điểm 31-12 hàng năm thấp hơn 10% trong 5 năm liên tiếp thì Quỹ sẽ giải thể.
Theo ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh, Chủ tịch Hội DN T.P Thái Nguyên thì trên thực tế, số DN cần vốn để khởi nghiệp hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh là rất lớn, nhưng không phải DN nào cũng có tài sản đảm bảo để thế chấp tại ngân hàng. Chính vì thế, nhiều DN muốn được tiếp cận với Quỹ, nhưng khi biết về các quy định để được bảo lãnh, các DN đều từ bỏ ý định xin bảo lãnh. Còn những quy định mới theo Nghị định số 34 thì đến giờ vẫn chưa có DN nào được xem xét áp dụng. Vì thế, tôi mong tỉnh sớm ban hành Quy chế về các biện pháp đảm bảo, thẩm quyền quyết định đối với từng biện pháp bảo đảm, ưu tiên miễn tài sản đảm bảo đối với các dự án đầu tư xây dựng trường mầm non, cơ sở khám chữa bệnh, khu vui chơi giải trí ở địa bàn khó khăn, cơ sở may mặc giải quyết việc làm cho nhiều lao động… Nếu không, cho giải thể Quỹ này. Sau đó thực hiện vận động vốn từ các DN lớn để thành lập Quỹ hỗ trợ DN và giao cho Hiệp hội DN nghiệp tỉnh trực tiếp quản lý, vận hành.
Có thể thấy, qua gần 4 năm hoạt động, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV hầu như không mang lại hiệu quả nào cho cộng đồng DN cũng như xã hội và đến giờ cũng chưa có giải pháp nào để sự vận hành của Quỹ có sự thay đổi tích cực trong thời gian tới. Đây cũng là thực trạng chung của loại Quỹ này ở nhiều tỉnh, thành. Chính vì thế, một số tỉnh đã tính đến việc xin giải thể Quỹ. Trước thực trạng này, rất mong cơ quan chức năng của tỉnh sớm đưa ra giải pháp để việc đầu tư nguồn lực từ ngân sách thực sự phát huy được hiệu quả.