Cuộc sống mới ở Lân Quan
Từ chăn nuôi bò thịt, mỗi năm gia đình chị Dương Thị Lan, xóm Lân Quan, xã Tân Long (Đồng Hỷ) thu được gần 20 triệu đồng. |
Đến Lân Quan - xóm có tới 90% người dân là đồng bào dân tộc Mông của xã Tân Long (Đồng Hỷ) giờ không còn khó như trước, bởi tuyến đường đất, dốc ngược trước kia đã được đổ bê tông sạch sẽ. Được Đảng và Nhà nước quan tâm cùng với sự đồng lòng, đoàn kết, nên cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng đổi thay.
Xóm Lân Quan hiện có 130 hộ dân, với 501 nhân khẩu. Trong đó, có 90% là đồng bào dân tộc Mông, còn lại là dân tộc Dao, Nùng và Kinh. Lân Quan có địa hình đồi núi đá, trước đây, xóm không có điện, đường đi lại chủ yếu là đường đất nhỏ hẹp nên việc phát triển kinh tế của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Người dân chỉ biết trồng ngô, chăn nuôi nhỏ lẻ để cải thiện cuộc sống. Chính vì vậy, năm 2015, toàn xóm có tới 95% số hộ thuộc diện nghèo. Thế nhưng, khoảng 4 năm trở lại đây, đời sống của người dân đã đổi thay rõ nét. Ông Trần Văn Hồ, Trưởng xóm cho biết: Con đường bê tông dài 5km trong xóm được Nhà nước đầu tư xây dựng năm 2016 chính là “đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế cho người dân. Có đường mới, việc trao đổi hàng hóa của bà con tiện lợi hơn nhiều, tư thương đã đến tận nơi để thu mua nông sản, người dân cũng có thể dễ dàng ra trung tâm xã, huyện để trao đổi, mua bán hàng hóa. Không chỉ đầu tư xây dựng đường, bà con còn được cấp giống, phân bón, tập huấn kiến thức chăn nuôi, trồng trọt.
Cả xóm Lân Quan có khoảng 30ha ngô. Để nâng cao năng suất cây trồng, bà con đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng những giống ngô mới, như: NK4300, CP999, VN112..., tham gia tập huấn khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, người dân đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư cho chăn nuôi và trồng trọt. Nếu như năm 2016, số hộ dân vay vốn chỉ có khoảng gần 20 hộ thì nay đã lên tới gần 70 hộ với dư nợ tới hơn 2 tỷ đồng. Bà con vay chủ yếu là để trồng rừng, mua trâu bò về chăn nuôi. Hộ vay nhiều tới 100 triệu đồng, hộ vay ít thì 30-50 triệu đồng. Đến nay, có tới 85% số hộ trong xóm đều có từ 3-4 con trâu, bò, nhà nhiều lên tới hơn 10 con (như gia đình ông Đào Văn Hồng). Nhờ nguồn vốn vay này đã có không ít hộ dân thoát nghèo, đơn cử như gia đình ông: Hoàng Văn Sình (vay 100 triệu đồng để trồng rừng và kinh doanh tạp hóa); ông Dương Văn Lầu (vay 100 triệu đồng để chăn nuôi, trồng rừng)... Anh Trần Văn Vàng, một hộ dân trong xóm cho biết: Trước đây gia đình tôi rất khó khăn. Tất cả nguồn thu chỉ phụ thuộc vào cây ngô. Năm 2017, gia đình tôi đã mạnh dạn vay ngân hàng 50 triệu đồng để mua bò về nuôi bán thịt. Sau 1 năm, gia đình đã bán được 65 triệu đồng. Từ đó đến nay, năm nào gia đình tôi cũng mua 2 con về nuôi, khi bò lớn đem bán là có lãi. Nếu tính kinh tế, mỗi năm thu lãi 15-17 triệu đồng từ chăn nuôi bò.
Để chủ động nguồn lương thực, nhiều hộ dân ở Lân Quan đã mua thêm ruộng hoặc mượn ruộng của bà con ở các xóm khác gieo cấy. Hiện nay, toàn xóm có 2ha ruộng gieo cấy lúa, bình quân mỗi sào, bà con thu được từ 2,2-2,5 tạ/lứa. Để nâng cao năng suất lúa, bà con cũng đang đưa vào gieo cấy các giống lúa lai, như TH3-5, BTE-1,... Ông Hoàng Hồng Nhật, Chủ tịch UBND xã Tân Long cho biết: So với những năm trước, đến nay, đời sống của người dân xóm Lân Quan đã có nhiều khởi sắc. Năm 2015, toàn xóm có tới 95% số hộ thuộc diện nghèo. Nhưng nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực vươn lên của người dân, tỷ lệ hộ nghèo của xóm đến cuối năm 2017 đã giảm xuống còn 75%, đến năm 2018 giảm xuống còn 63%. Tuy nhiên, nếu so sánh Lân Quan với các xóm khác ở khu vực trung tâm xã Tân Long, trung tâm huyện Đồng Hỷ thì xóm vẫn còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm, có chính sách hợp lý để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tạo động lực giúp bà con thoát nghèo bền vững, dần có cuộc sống khấm khá hơn...