Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW:
Huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc
Cán bộ NHCSXH tỉnh và huyện Võ Nhai tìm hiểu thực tế việc sử dụng nguồn vốn cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn tại hộ ông Hà Văn Sỹ, xóm Lò Gạch, xã Tràng Xá. |
Có lẽ, chưa một chương trình tín dụng nào lại huy động được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc như đối với tín dụng chính sách xã hội, nhất là sau khi Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng được ban hành. Nhờ đó, hiệu quả mang lại đối với xã hội, nhất là với người dân sống ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn đã và đang ngày càng được phát huy. Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, một số khó khăn, hạn chế đã bộc lộ, cần sự quan tâm và quyết tâm hơn của cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như của mỗi người dân được thụ hưởng chính sách.
Theo ông Nguyễn Hữu Dinh, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh: Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội là chỉ thị rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với một chính sách thiết yếu, một kênh tín dụng giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số... vươn lên ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững. Thực tế cho thấy, những năm qua, tín dụng chính sách xã hội do NHCSXH thực hiện là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của nước ta, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về công tác giảm nghèo và hỗ trợ an sinh xã hội.
Đối với Thái Nguyên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở, đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp (đặc biệt là cấp cơ sở) và nhân dân đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm, hỗ trợ NHCSXH về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác; cân đối nguồn vốn từ ngân sách địa phương, huy động các doanh nghiệp chuyển vốn ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Cùng với đó là chỉ đạo, triển khai nghiêm túc, kịp thời công tác điều tra, rà soát, phê duyệt danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo theo quy định; kiểm tra, giám sát, đôn đốc xử lý thu hồi nợ xấu... Trên cơ sở này, NHCSXH đã triển khai, tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng; phát huy được hiệu quả vốn vay, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên.
5 năm qua, tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt hơn 4.300 tỷ đồng, với 140.528 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH. Trong đó, gần 63 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh; gần 2,5 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, 6 nghìn lao động được duy trì và tạo việc làm mới, trên 500 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, gần 22 nghìn lượt hộ vay vốn để sản xuất kinh doanh và hoạt động thương mại tại vùng khó khăn; xây dựng được trên 66,7 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, gần 1,8 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo… Tổng dư nợ tính đến cuối tháng 6-2019 đạt 3.390 tỷ đồng, tăng 1.273 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện 16 chương trình tín dụng chính sách, tăng 4 chương so với cuối năm 2014, gồm: Cho vay hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi và cho vay nhà ở xã hội.
Hằng năm, bên cạnh nguồn vốn do Trung ương cấp, tỉnh ta cũng đã bố trí nguồn ngân sách và động viên các doanh nghiệp chuyển vốn sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Hiện nay, trong tổng nguồn vốn 3.398 tỷ đồng, có gần 89 tỷ đồng vốn ủy thác địa phương chuyển sang, chiếm 2,6%, tăng 57,7 tỷ đồng đồng so với cuối năm 2014 (trong đó, ngân sách địa phương là hơn 80 tỷ đồng; còn lại huy động từ doanh nghiệp).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn tỉnh cũng đã và đang bộc lộ một số khó khăn, hạn chế đó là: Một số cấp ủy đảng cơ sở còn chưa quan tâm đúng mức, khiến công tác quản lý và phối hợp thực hiện triển khai các chương trình mang lại hiệu quả chưa cao; việc bố trí nguồn vốn ủy thác của địa phương cho NHCSXH còn thấp, trong khi nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm của người dân rất lớn. Vì thế, mới chỉ khoảng 5% hộ dân được đáp ứng so với nhu cầu thực tế... Trước thực trạng này, một trong những kiến nghị được tỉnh đề xuất với Chính phủ đó là bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. Cùng với đó, mở rộng đối tượng thụ hưởng đối với chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ với đối tượng là hộ có mức sống trung bình. Nâng mức cho vay tối đa đối với một số chương trình như cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn; cho vay giải quyết việc làm...
Có thể nói, việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trong những năm qua trên địa bàn tỉnh đã và đang đạt được nhiều hiệu quả tích cực và thiết thực. Qua đó, đóng góp quan trọng giúp tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 13,4% (năm 2015) xuống còn 6,39% (năm 2018). Hy vọng tới đây, cấp ủy, chính quyền các cấp sẽ tiếp tục dành nhiều sự quan tâm, đầu tư hơn nữa để những khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện Chỉ thị sớm được khắc phục, nhằm giúp chủ trương chính sách mang đậm chất nhân văn này ngày càng được phát huy trong đời sống xã hội.