Bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp:
Không thể buông lỏng
Công nghệ xử lý nước thải từ nuôi cấy vi sinh và giá thể bằng hạt gel của Nhật Bản được áp dụng tại Trạm xử lý nước thải tập trung ở Khu công nghiệp Yên Bình. Ảnh: N.H |
Thời gian gần đây, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việc chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các quy định về BVMT, hoạt động thanh, kiểm tra được các cấp, ngành chức năng triển khai thường xuyên, quyết liệt hơn; một số “điểm nóng” về môi trường được quan tâm giải quyết, giảm thiểu ô nhiễm… Tuy nhiên, do tập trung nhiều cơ sở sản xuất nên tại các KCN, CCN vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ô nhiễm môi trường nếu không được kiểm soát thường xuyên, chặt chẽ.
Tại KCN Sông Công I có nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp nặng với phần lớn các dây chuyền sản xuất đã được đầu tư từ lâu, lại ở gần khu dân cư nên việc kiểm soát ô nhiễm môi trường trong khu vực này là vấn đề thường trực đối với các cấp, ngành liên quan. KCN này từng có các cơ sở sản xuất như: Nhà máy Kẽm điện phân, Công ty cổ phần (CP) Thép Toàn Thắng, Công ty CP Nhật Anh… gây ô nhiễm khiến người dân bức xúc.
Đến nay, tình trạng này tuy chưa được giải quyết triệt để nhưng đã giảm nhiều so với trước, bởi thời gian gần đây, các cấp, ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm. Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc với 163 lượt doanh nghiệp (DN) về công tác BVMT, tạm đình chỉ sản xuất đối với 18 DN, yêu cầu hàng chục cơ sở khẩn trương khắc phục những vi phạm, tồn tại trong lĩnh vực này. Cùng với đường dây nóng của ngành Tài nguyên và Môi trường, chính quyền các cấp ở T.P Sông Công cũng có đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý, kiến nghị xử lý kịp thời các vi phạm. Vì vậy, phần lớn các DN trong KCN Sông Công I đã nâng cao ý thức chấp hành, quan tâm đầu tư hệ thống giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Như Công ty CP Nhật Anh đã lắp đặt hệ thống xử lý khí thải trị giá 3 tỷ đồng. Đến tháng 4 vừa qua, sau khi được cơ quan chức năng kiểm tra, nhắc nhở, Công ty đầu tư 300 triệu đồng để duy tu, cải tạo hệ thống BVMT. Hay mới đây, Nhà máy Thép Trường Sơn sau khi được Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, chấn chỉnh đã tích cực hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về môi trường và đầu tư hệ thống thu gom, xử lý chất thải…
Theo thông tin từ Ban Quản lý các KCN tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 KCN đang hoạt động và xây dựng hạ tầng, trong đó 3 KCN đã cơ bản thực hiện đầy đủ các thủ tục về môi trường, có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn, có trạm quan trắc môi trường tự động (gồm KCN Sông Công I, KCN Yên Bình và Khu A - KCN Điềm Thụy). Chất thải phát sinh trong các KCN được thu gom, phân loại tại nguồn, lưu trữ, vận chuyển, xử lý đúng quy định. Hiện nay, Ban Quản lý các KCN tỉnh đang xây dựng dự thảo Quy chế phối hợp BVMT với Sở Tài nguyên và Môi trường, các địa phương nhằm thực hiện tốt hơn công tác này.
Dây chuyền sản xuất và hệ thống bảo vệ môi trường của Công ty CP Đầu tư và Thương mại Trọng Tín (Cụm công nghiệp Trúc Mai, huyện Võ Nhai) được cải tạo, nâng cấp bảo đảm tiêu chuẩn quy định. Ảnh: T.Q
Đối với các CCN trên địa bàn tỉnh, công tác BVMT cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Một số điểm nóng về môi trường được quan tâm giải quyết, giảm thiểu ô nhiễm. CCN Trúc Mai (Võ Nhai) là ví dụ điển hình. Trước năm 2015, hoạt động của các DN tại đây (nhất là Công ty CP Gang Hoa Trung) thường xuyên gây ô nhiễm, đến mức nhiều lần bị người dân “bao vây” để phản đối. Sau khi mua lại nhà máy của Công ty CP Gang Hoa Trung, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Trọng Tín đã cải tạo dây chuyền, lắp đặt hệ thống xử lý cơ bản bụi khí trị giá 5 tỷ đồng. Nhờ vậy, hoạt động sản xuất của Công ty cơ bản đáp ứng quy định về BVMT và được người dân trong khu vực ủng hộ.
Tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng thực tế cho thấy, công tác BVMT tại các khu, CCN vẫn còn không ít khó khăn, tiềm ẩn gây ô nhiễm cao nếu không được kiểm soát thường xuyên, chặt chẽ. Không ít DN đầu tư hệ thống BVMT nhưng do chi phí vận hành tốn kém nên tìm nhiều cách xả thải trộm, nhiều doanh nghiệp trong các KCN, CCN bị xử phạt, tạm đình chỉ do vi phạm về môi trường. Trong khi đó, nguồn lực, hạ tầng BVMT chưa tương xứng với quy mô phát triển cũng là một thách thức đối với công tác này.
Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện còn 2 KCN đã hoạt động nhưng chưa hoàn thiện trạm xử lý nước thải tập trung (KCN Nam Phổ Yên và Khu B - KCN Điềm Thụy); duy nhất một CCN trên địa bàn tỉnh có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hầu hết các cụm chưa có hạ tầng kỹ thuật về môi trường… Thực trạng đó đòi hỏi các cấp, ngành liên quan cần quyết liệt, sát sao hơn nữa trong công tác kiểm soát ô nhiễm.
Song song với đó là tăng cường nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các KCN, CCN. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của chính quyền, các đoàn thể ở địa phương, của người dân và báo chí cũng là giải pháp hiệu quả. Điều quan trọng nhất là các chủ DN cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.