Phát huy vai trò của thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư cộng đồng
Sau khi kiểm tra, giám sát và có ý kiến của Ban TTND, đơn vị xây dựng Trường mầm non phường Đồng Quang đã khắc phục hoàn trả lại mương nước bị lấp |
Toàn tỉnh hiện có 280 BTTND và 250 Ban giám sát đầu tư của cộng đồng (BGSĐTCCĐ) với số lượng trên 3.000 thành viên, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, chống tham ô, lãng phí, thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Đưa chúng tôi thực tế tại các công trình mà Ban Thanh tra nhân dân (BTTND) đã tập trung giám sát, kiến nghị và được các cơ quan chức năng tiếp thu, khắc phục kịp thời, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Phó Trưởng ban Thanh tra nhân dân phường Đồng Quang T.P Thái Nguyên Vũ Trần Hùng tự hào: Qua tiếp nhận ý kiến phản ánh của nhân dân, trực tiếp thu thập thông tin, tài liệu, giám sát, các thành viên BTTND của phường đã phát hiện nhiều hành vi trái pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và có kiến nghị được các đơn vị tiếp thu khắc phục kịp thời, qua đó góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, chống tham ô, lãng phí, thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, mặc dù lực lượng BTTND của phường Đồng Quang chỉ có 9 người, song thời gian qua đã phát huy tốt vai trò của từng thành viên trong thực hiện chức trách được giao. Đơn cử như việc giám sát các kỳ họp và các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp năm 2017, Ban đã có các kiến nghị đề nghị HĐND phường tiếp thu để có sự điều chỉnh trong các kỳ họp sau tránh việc trình bày các báo cáo tại hội nghị quá dài, ảnh hưởng tới thời gian cử tri thảo luận, phát biểu. Đặc biệt là thông qua việc tiếp nhận ý kiến của nhân dân, BTTND đã giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư, công trình do nhân dân đóng góp xây dựng, do Nhà nước và các tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ trên địa bàn phường. Từ năm 2017 đến nay, BTTND đã tổ chức trên 10 cuộc kiểm tra, giám sát thường xuyên và theo chuyên đề và đã lập biên bản, có văn bản kiến nghị các bên tiếp thu ý kiến, khắc phục kịp thời những vấn đề tồn tại mà Ban phát hiện ra. Các ý kiến đã được các bên liên quan tiếp thu, xem xét giải quyết, như: Hoàn trả lại cột điện và mương nước bị lấp khi xây dựng Trường Mầm non Đồng Quang; xử lý việc đất, cát lấp mương thoát nước, tập kết vật liệu gây mất an toàn giao thông trong quá trình thi công dự án hạ ngầm kỹ thuật một số tuyến đường trên địa bàn phường; hỗ trợ tiền cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong quá trình thi công tuyến đường Việt Bắc; đề nghị cung cấp hồ sơ dự án thi công hạ tầng khu dân cư HAVACO; khu dân cư số 1, 3, 5… Hoạt động của BTTND đã từng bước phát huy vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn, tham gia giám sát việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các vấn đề liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của công dân.
Toàn tỉnh hiện có 280 BTTND và 250 Ban giám sát đầu tư của cộng đồng (BGSĐTCCĐ) với số lượng trên 3.000 thành viên. Hằng năm, căn cứ theo nghị quyết HĐND cấp xã, phường, thị trấn, chỉ đạo của Ủy ban MTTQ và tình hình thực tế của địa phương, BTTND xây dựng kế hoạch hoạt động. Hoạt động thanh tra, giám sát tập trung chủ yếu vào việc thực hiện cá nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND, công tác giải quyết đơn thư, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; công tác thu, chi ngân sách; thực hiện các dự án đầu tư… Thời gian qua, hoạt động của BTTND và BGSĐTCCĐ có nhiều chuyển biến tích cực. Bằng tinh thần trách nhiệm giám sát và hậu giám sát, các ban đã phát hiện nhiều công trình vi phạm trong xây dựng về chất lượng, chủng loại vật tư, bớt xén các hạng mục, thi công không đúng với thiết kế kỹ thuật ban đầu; qua đó kiến nghị chính quyền có biện pháp buộc các nhà thầu khắc phục kịp thời.
Kết quả hoạt động của BTTND và BGSĐTCCĐ ở các xã, phường, thị trấn đã góp phần hạn chế các sai phạm trong quá trình triển khai thi công các công trình, dự án, tạo điều kiện để phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đi vào cuộc sống. Từ năm 2017 đến hết tháng 7/2018, BTTND, BGSĐTCCĐ toàn tỉnh đã tiến hành thanh tra, giám sát 2.045 vụ việc, trong đó phát hiện, kiến nghị với chính quyền các cấp, các cơ quan có thẩm quyền 169 vụ việc. Về cơ bản, hầu hết các kiến nghị đều được tiếp thu và giải quyết kịp thời. Qua đó góp phần quan trọng giúp chính quyền cơ sở trong công tác quản lý, điều hành, phát huy dân chủ trực tiếp của nhân dân, tạo đồng thuận của xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền các cấp.
Tuy nhiên, qua đợt kiểm tra của Ủy ban MTTQ tỉnh trực tiếp hoạt động của BTTND và BGSĐTCCĐ trong giai đoạn 2017-2018 mới đây tại 18 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thành, thị cho thấy, ở không ít địa phương, hoạt động của các Ban này còn nhiều hạn chế. Đơn cử như ở xã Phú Tiến, huyện Định Hóa, trong năm 2017, BTTND và BGSĐTCCĐ chưa lập được kế hoạch giám sát cụ thể, độc lập. Ban TTND chưa đi kiểm tra, giám sát được cuộc nào, mà chủ yếu là phối hợp với thường trực HĐND và MTTQ đi kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết HĐND, các đề án, dự án đang thực hiện tại địa phương. Tại xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương, việc kiện toàn, thành lập BGSĐTCCĐ hiện tại vẫn chưa thành lập được theo từng dự án, công trình. Ban TTND chưa xây dựng được kế hoạch giám sát theo điều 12,13 của Nghị định 159/2016-NĐ/CP, chưa có báo cáo giám sát. Hoạt động của BTTND chủ yếu là nắm bắt thông tin, báo cáo về xã mà chưa chủ động đề xuất, xử lý công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình… Bên cạnh đó, hầu hết các thành viên BTTND, BGSĐTCCĐ là cán bộ hưu trí, cựu chiến binh, người cao tuổi, nông dân… còn thiếu kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm kiểm tra, giám sát (đặc biệt là đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản), nên kết quả giám sát các công trình, dự án còn hạn chế. Đối tượng giám sát mới chỉ tập trung vào một số công trình, dự án nhỏ, đầu tư bằng vốn và công sức huy động đóng góp của nhân dân. Chưa tổ chức giám sát được nhiều các công trình, dự án đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước; các dự án đầu tư bằng vốn của các tổ chức, cá nhân phát triển kết cấu hạ tầng, khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến đới sống kinh tế, sinh hoạt, môi trường của cộng đồng dân cư; còn chưa theo dõi và kiến nghị giải quyết triệt để các nội dung sau thanh tra, giám sát; một số BTTND và BGSĐTCCĐ còn chưa chủ động, hình thức trong việc xây dựng kế hoạch và hình thức giám sát hằng năm… dẫn tới ít phát hiện được tham nhũng, tiêu cực ở cơ sở…
Để các BTTND và BGSĐTCCĐ hoạt động hiệu quả, thời gian tới cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, MTTQ cấp huyện, xã trong việc hướng dẫn, phát huy chức năng, vai trò của các ban. MTTQ hướng dẫn việc bầu chọn thành viên các ban bảo đảm dân chủ, khách quan, lựa chọn được những người tiêu biểu, xứng đáng, có uy tín, trình độ, hiểu biết về lĩnh vực xây dựng cơ bản, có bản lĩnh, không ngại va chạm. Quan tâm hơn nữa công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về pháp luật, các kỹ năng nghiệp vụ kiểm tra, giám sát cho đội ngũ BTTND và BGSĐTCĐ. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân để họ chủ động, nhiệt tình tham gia vào hoạt động giám sát, qua đó phát huy vai trò của nhân dân tham gia quản lý xã hội, phòng chống tham nhũng, lãng phí…