Phát triển du lịch sinh thái từ lợi thế nông nghiệp
Nắm bắt được thị hiếu của du khách và lợi thế của địa phương, thời gian qua, nhiều cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn T.P Thái Nguyên đã và đang đầu tư các mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
T.P Thái Nguyên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, nơi tập trung đông các trường học, nhà máy, cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, Thành phố còn có hồ Núi Cốc thơ mộng và các làng nghề chè nổi tiếng ở các xã Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu... đây là những lợi thế để phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm. Tuy nhiên, hiện nay, tiềm năng này vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
Bắt đầu xây dựng từ năm 2003, đến nay, Khu bảo tồn Làng nhà sàn sinh thái Thái Hải (xã Thịnh Đức) đã trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách muốn tìm về không gian xanh mướt của núi đồi, cỏ cây. Với tổng diện tích 70ha, nơi đây có 30 ngôi nhà sàn của dân tộc Tày, Nùng được phục dựng lại, xung quanh có hồ cá, đồi cây, nương chè, vườn rau. Điều thú vị là bà con trong Khu bảo tồn tự trồng rau, cấy lúa, chăn thả gia súc, gia cầm, sản xuất nước uống đóng chai, nấu rượu..., theo hình thức đặc trưng của dân tộc mình, đảm bảo duy trì nguồn thực phẩm sạch, bổ dưỡng để sử dụng và phục vụ du khách. Đây không chỉ là nơi bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống và còn là nơi tái hiện những phong tục, tập quán, nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Mỗi năm, có hàng nghìn lượt khách tới đây tham quan, trải nghiệm.
Mới đây, tại xóm Soi Vàng, xã Tân Cương, nhà đầu tư cũng xây dựng Khu trải nghiệm giáo dục - phim trường Wonderland với diện tích hơn 3ha. Trong đó bao gồm: Khu trải nghiệm giáo dục dành các bạn học sinh các cấp từ mầm non đến THCS; khu vui chơi ngoài trời và trong nhà, khu nhà hàng và khu vườn với bạt ngàn hoa đủ sắc màu thơ mộng và lãng mạn. Ngoài ra, từ năm 2012, thực hiện dự án Làng văn hóa du lịch cộng đồng vùng chè đặc sản Tân Cương, đã có một số hộ dân trên địa bàn các xã Tân Cương, Phúc Trìu..., thực hiện mô hình dịch vụ du lịch lưu trú tại gia. Du khách khi đến tham quan sẽ được trải nghiệm hoạt động sản xuất, chế biến và thưởng thức trà. Khách có thể trực tiếp cùng với chủ nhà làm những công việc như thu hái, sao chè theo phương pháp thủ công truyền thống...
Có thể thấy, các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững kết hợp du lịch sinh thái đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc phát triển các mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng. Bởi, hầu hết các hoạt động du lịch nông nghiệp còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún. Sản phẩm nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn khách du lịch và chưa được chú trọng về thương hiệu. Hầu như các mô hình mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản, các dịch vụ bổ trợ khác chưa được đầu tư. Cơ sở vật chất, hạ tầng tại nhiều điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chất lượng đạt chưa cao. Anh Dương Văn Phúc, chủ cơ sở sản xuất chè Phúc Kim, ở xóm Soi Vàng, xã Tân Cương, cho biết: Trung bình mỗi năm, gia đình tôi đón từ 40-50 đoàn khách trong nước và quốc tế. Do cơ sở vật chất có hạn nên nhà tôi chỉ có thể cho khách du lịch đến trải nghiệm hái chè, sao chè và thưởng thức chè miễn phí, qua đó để giới thiệu và bán sản phẩm chứ không có dịch vụ cho khách ăn uống, ngủ nghỉ tại nhà được. Còn chị Phạm Thị Hạnh, chủ cơ sở sản xuất chè Nghìn Hạnh, ở xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương thì cho biết: Hầu như thứ Bảy, Chủ nhật nào nhà tôi cũng có đoàn khách tới thăm quan, trải nghiệm. Nhà tôi đã sửa sang rộng rãi, có chỗ ăn, ngủ nghỉ cho khách nhưng thú thật công việc thu hái, sao chè quanh năm bận rộn nên chúng tôi cũng không có nhiều thời gian để tiếp các đoàn khách được chu đáo.
Trao đổi với chúng tôi, anh Phạm Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Cương, cho biết: Bà con nông dân trên địa bàn vốn chỉ quen với sản xuất nông nghiệp mà chưa có đủ các kỹ năng phục vụ du lịch, chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách. Vì vậy, thời gian qua, chúng tôi cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy sản xuất, hình thành các vùng sản xuất chè tập trung, chỉnh trang nương chè sạch, đẹp để thu hút khách du lịch. Để phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch nông nghiệp sinh thái, trong thời gian tới, chúng tôi rất mong được các cấp, ngành quan tâm, đầu tư triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, vật chất phụ trợ tại các điểm du lịch nông nghiệp. Cùng với đó, tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng cho bà con nông dân về kỹ năng, thái độ phục vụ khách...