Biến động cung - cầu nhân lực: Biểu đồ khó vẽ
Tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, tỷ lệ lao động nữ chiếm khoảng 75%. Trong ảnh: Dây chuyền may hàng xuất khẩu tại Chi nhánh TNG Đại Từ. |
Bài 2: Khi "cán cân" giới bị lệch
Cùng với lao động phổ thông, hiện nay, nữ giới đang chiếm ưu thế trong thị trường lao động, đặc biệt là ở các khu, cụm công nghiệp. Điều này đã dẫn đến những tác động hai mặt trong đời sống kinh tế - xã hội; đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu cấp thiết trong việc cải thiện môi trường làm việc và chế độ chính sách cho lao động nữ.
Chỉ tuyển nữ...
May mặc và công nghiệp chế biến, chế tạo - 2 lĩnh vực sản xuất thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên, luôn có nhiều vị trí việc làm phù hợp với lao động nữ. Đơn cử, Công ty TNHH Shints BVT Chi nhánh Thái Nguyên, ở thị trấn Đu (Phú Lương), với hoạt động chính là may mặc, doanh nghiệp sử dụng 1.390 lao động thì tỷ lệ nữ giới chiếm tới 90%. Số lao động nam giới còn lại của Công ty làm việc ở vị trí: Thợ sửa máy, thợ điện, là hơi, kho hàng…
Trao đổi với chúng tôi về các điều kiện tuyển dụng, bà Đặng Thị Thúy, đại diện Công ty TNHH Shints BVT Chi nhánh Thái Nguyên cho biết: Khi tuyển dụng lao động, chúng tôi yêu cầu độ tuổi từ 18-40 tuổi, không cần bằng cấp, tác phong phải nhanh nhẹn, chịu khó và có hướng gắn bó lâu dài. Trong số các vị trí việc làm, Công ty thường xuyên tuyển dụng số lượng lớn lao động làm công nhân may. Do đặc thù công việc cần sự tỉ mỉ, kiên trì, cẩn thận nên chúng tôi thường chỉ tuyển lao động nữ.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp may mặc lớn trên địa bàn tỉnh cũng có tỷ lệ lao động nữ chiếm đa số, có thể kể đến như: Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG có khoảng 75% là lao động nữ, Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT có 78% lao động nữ…
Cùng với may mặc, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, đồ điện tử cũng có tỷ lệ lao động nữ cao hơn. Đơn cử như Công ty TNHH Shinsung C&T Vina có số lao động nữ chiếm tới 60%; Công ty TNHH New One Vina có tới 63% lao động là nữ…
Theo số liệu của Cục thống kê tỉnh, hiện nay, trên địa bàn có trên 4.000 doanh nghiệp, trong đó, tỷ lệ hoạt động trong ngành nghề may mặc, sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử; dịch vụ, thương mại chiếm số lượng lớn. Những ngành nghề này thường đòi hỏi người lao động có sức bền, sự tỉ mỉ, khéo léo và cẩn thận. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều doanh nghiệp mặc dù không nêu rõ trong thông báo là chỉ tuyển lao động nữ, nhưng quy trình tuyển dụng đã có hướng chọn lọc nhân lực phù hợp với yêu cầu công việc.
Chị Mông Thị Hậu, công nhân một công ty tại KCN Yên Bình chia sẻ: Phần lớn lao động trong Công ty tôi đều là nữ. Vì là đơn vị sản xuất, lắp ráp linh kiện điện thoại nên người lao động thường phải tập trung, tỉ mỉ để tránh sai sót. Ở điểm này, lao động nữ thường có ưu thế hơn.
Trong số những người đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để được tư vấn, giới thiệu việc làm, lao động nữ chiếm tỷ lệ lớn hơn.
Ông Nguyễn Văn Huyên, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thông tin: Những doanh nghiệp có nhu cầu kết nối với Trung tâm để tuyển dụng lao động chủ yếu là các công ty FDI. Tính từ năm 2019 đến nay, tổng số lao động được Trung tâm giới thiệu và tìm được việc làm là gần 8.900 người, trong đó lao động nữ chiếm 75%. Phần lớn lao động làm việc trong lĩnh vực may mặc, sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử, thương mại, dịch vụ…
Nỗi buồn phía sau nhà máy
Không phủ nhận rằng, việc rời quê hương đi làm tại các nhà máy, khu công nghiệp của người lao động nói chung và nữcông nhân nói riêng đã giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của nhiều gia đình. Tuy nhiên, đằng sau những chuyển biến tích cực về đời sống kinh tế thì việc phụ nữ tìm kiếm việc làm tại các nhà máy, khu công nghiệp lại đang hiện hữu những vấn đề xã hội đáng lưu tâm.
Qua khảo sát, tại nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thời gian làm việc của công nhân được chia thành ca ngày và ca đêm (một số công ty may chỉ có ca ngày), mỗi ca làm việc kéo dài 8 tiếng, hoặc hơn nếu tính cả thời gian người lao động tự nguyện tăng ca để kiếm thêm thu nhập. Nhiều công nhân cho biết, thời gian làm việc, đi lại đã chiếm phần lớn quỹ thời gian trong ngày của họ. Nhiều lao động phải thuê trọ ở gần công ty để tiện làm việc và chỉ tranh thủ về nhà sau vài tuần, vài tháng, có khi là cả năm. Thời gian ở nhà ít ỏi nên việc chăm sóc người thân không được vẹn toàn, mối gắn kết trong gia đình cũng vì thế mà ít nhiều bị ảnh hưởng.
Chị Lường Thị Thu Lịch, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phượng Tiến (Định Hóa): Thực tế, nhiều phụ nữ không muốn đi làm xa nhà vì lo lắng cho con cái và gia đình. Vì thế, mới đây, khi có xưởng may được xây dựng ở xã kế bên, nhiều chị em đã chuyển về gần nhà làm việc, dù mức lương có thể không cao bằng công ty cũ. Do vậy, tôi mong các cấp chính quyền có chính sách để thu hút thêm nhiều nhà máy về địa phương để lao động không phải làm việc xa nhà. |
Thực tế là thời gian qua, đã có không ít hệ lụy xảy ra đối với con cái của công nhân các khu công nghiệp. Đơn cử như trường hợp cháu Đ.T.N.L, sinh năm 2007 ở thị trấn Chợ Chu (Định Hóa) bị xâm hại tình dục cách đây không lâu. Do mẹ đi làm công nhân tại tỉnh Bắc Ninh, thường xuyên không có ở nhà nên cháu L. sống cùng bà ngoại. Gia đình chỉ biết cháu bị xâm hại tình dục sau khi nhận thấy con có biểu hiện khác thường. Khi được đưa đi khám, siêu âm, L. đã mang thai 7 tháng. Hay nhiều trường hợp trẻ bị đuối nước, tai nạn hoặc do không có bố mẹ ở nhà quản lý nên các em xem tivi, điện thoại quá nhiều, ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý…
Nhiều trường hợp lao động nữ đi – về trong ngày thì phải vượt qua quãng đường vài chục km, có người mất đến 2-3h di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô đưa đón của doanh nghiệp. Đường xá xa xôi không chỉ khiến người lao động vất vả mà còn tiềm ẩn các mối nguy, như: Tai nạn giao thông, cướp giật, quấy rối…
Chị Lý Thị Mi, sinh sống tại xã Phúc Lương (Đại Từ) cho hay: Ngày nào cũng vậy, tôi bắt đầu đi làm từ 6 giờ 30 phút, đến khoảng 19 giờ thì từ Công ty tại thị trấn Đu (Phú Lương) về nhà. Vào hôm tăng ca thì khoảng hơn 20 giờ tôi mới từ Công ty về. Khoảng cách di chuyển từ nhà đến nơi làm việc khá xa, đường tối và vắng vẻ nên tôi luôn có cảm giác bất an.
Theo một số điều tra xã hội học, sự vất vả trong quá trình đi lại cùng với áp lực công việc, gia đình nên không ít công nhân nữ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm hay mái ấm gia đình đổ vỡ vì thiếu thốn tình cảm, mâu thuẫn kéo dài…
Chính sách có nhưng chưa đủ
Để “giữ chân” lao động và khắc phục những khó khăn trên, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đưa ra những chính sách, phúc lợi dành riêng cho nữ công nhân như: Hỗ trợ phí gửi trẻ, xây dựng phòng vắt sữa, hỗ trợ xe đưa đón hoặc tiền xăng xe... Các doanh nghiệp đi đầu trong việc thực hiện những chính sách này có thể kể đến như: Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG…
Bà Chu Thị Xuân Hảo, Trưởng ban Tuyên giáo - Nữ công (Liên đoàn Lao động tỉnh): Mong muốn của nhiều lao động nữ là có nhà ở tập thể cho các cặp vợ chồng và có cơ sở tư nhân nhận trông nuôi trẻ từ 9 đến 12 tháng tuổi trở lên ở gần công ty, doanh nghiệp để họ yên tâm gửi con khi đi làm. |
Tại Công ty CP Đầu tư vào Phát triển TDT, thực hiện theo các văn bản pháp luật và quy định, khuyến nghị của Nhà nước, lao động nữ tại đơn vị có con dưới 12 tháng tuổi và đang mang thai được hưởng chế độ làm việc 7 giờ/ngày (mỗi ngày được về sớm 1 giờ) và vẫn được chi trả lương đầy đủ; trong thời gian mang thai người lao động được nghỉ 5 lần để đi khám thai; được nghỉ 1,5 giờ trong thời gian kỳ kinh nguyệt… Ngoài ra, Công ty hỗ trợ lao động nữ đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi với mức 20 nghìn đồng/con/tháng.
Còn tại Công ty TNHH Shinsung C&T Vina, lao động nữ trong kỳ kinh nguyệt được nghỉ 30 phút mỗi ngày trong 3 ngày liên tiếp, nghỉ 60 phút mỗi ngày nhưng được hưởng nguyên lương với lao động có thai trên 7 tháng và có con dưới 3 tháng tuổi; lao động nữ đang cho con bú được nghỉ ngơi để vắt sữa trong 3 mốc thời gian trong ngày theo quy định tại phòng riêng được trang bị máy vắt sữa, máy sấy, dung dịch rửa, túi trữ sữa…
Tuy nhiên, tất cả những chính sách trên mới chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu, nguyện vọng của các lao động nữ và số doanh nghiệp có những chính sách như trên còn ít. Phần lớn người lao động mong muốn Trung ương và các địa phương sớm bổ sung cơ chế, chính sách trong vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Toàn tỉnh hiện có 230.000 công nhân viên chức lao động, trong đó có 130.000 người là nữ (chiếm 57%). Tỷ lệ nữ công đoàn viên chiếm 60% (tương đương hơn 92.000 người). Tính riêng trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ lao động nữ chiếm khoảng 65%. |
(Còn nữa)