Cải cách hành chính trước đòi hỏi chuyển đổi số
Người dân sẽ không phải trực tiếp đến trụ sở cơ quan Nhà nước để tự kê khai thủ tục khi chuyển đổi số trong cải cách hành chính thành công. Ảnh: Tư liệu |
Chuyển đổi số cơ quan Nhà nước là tạo lập dữ liệu mở để người dân, doanh nghiệp dễ dàng truy cập, sử dụng và tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, khi chuyển đổi số, cơ quan Nhà nước sẽ có sự đột phá về cải cách hành chính (CCHC) vì cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao trên mạng máy tính, thiết bị di động để người dân, doanh nghiệp nộp và nhận kết quả thủ tục hành chính nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí...
Khi vận hành nền hành chính số, cơ quan Nhà nước sẽ đưa toàn bộ hoạt động lên môi trường số, cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu, cho phép doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ. Do đó, số lượng dịch vụ hành chính công giảm đi, số lượng dịch vụ công mới, mang tính sáng tạo phục vụ xã hội tăng lên. Hiện nay, mỗi lần người dân cần giải quyết thủ tục hành chính lại phải điền dữ liệu từ đầu (mặc dù đã từng cung cấp trước đó cho cơ quan Nhà nước) còn khi thực hiện cải cách hành chính số, dữ liệu được lưu giữ, chia sẻ giữa các cơ quan khác nhau trong trọn vẹn vòng đời. Đặc biệt, một số lĩnh vực được coi là “nhạy cảm” trong quản lý Nhà nước, như: Tài chính, thanh tra… cũng sẽ được đưa lên môi trường số. Ví dụ, việc chuyển hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan Nhà nước lên môi trường số sẽ thực hiện thanh tra trực tuyến, thông qua các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu được kết nối. Mục tiêu của Trung ương và tỉnh đặt ra là đến năm 2025, 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan Nhà nước thực hiện từ xa trên môi trường số và đến năm 2030 là 70%.
Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, các tập đoàn công nghệ nhận hỗ trợ tỉnh, với tính ưu việt của công nghệ số hóa, chỉ trong vòng 3 tháng, cơ quan Nhà nước các cấp trong tỉnh có thể đưa 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với chi phí thấp hơn. Trong khi đó, 10 năm qua thực hiện CCHC theo công nghệ thông thường mới đưa được 10% dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4. Thực hiện nền CCHC chuyển đổi số, ưu việt nữa là xử lý văn bản không giấy, họp không gặp mặt, xử lý thủ tục hành chính không tiếp xúc trực tiếp và thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là cuộc cách mạng trong công tác CCHC của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng chí Vũ Duy Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: 3 điều kiện quan trọng để tỉnh ta thực hiện chuyển đổi số đó là quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền; hạ tầng công nghệ và nhu cầu của người dân đã có đủ. Việc chuyển đổi số không thể thực hiện ngay trong chốc lát nhưng với sự quyết tâm, kiên trì chắc chắn sẽ thành công.
Với sự giúp đỡ của các tập đoàn công nghệ, UBND tỉnh đã có lộ trình để thực hiện chuyển đổi số trong từng giai đoạn cụ thể. Trong đó, ngay trong năm 2021, cơ quan hành chính Nhà nước trong tỉnh sẽ tập trung cung ứng 100% thủ tục hành chính cấp độ 4 lên môi trường số để người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng. Đồng chí Phạm Tuấn Cẩn, Trưởng phòng CCHC (Sở Nội vụ) cho biết: Với công nghệ hiện nay thì việc cập nhật, đẩy toàn bộ dữ liệu thủ tục hành chính cấp 4 lên môi trường số là khả thi. Vấn đề đặt ra là cơ quan Nhà nước đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công cấp độ cao nhưng khả năng khai thác, sử dụng còn phụ thuộc vào một số yếu tố khác như hạ tầng công nghệ ở một số vùng kinh tế còn khó khăn; trình độ số của công dân và từng bước thay đổi thói quen truyền thống muốn giải quyết thủ tục hành chính tại trụ sở cơ quan Nhà nước của công dân, doanh nghiệp…
Theo các chuyên gia, để chuyển đổi số thành công ở cả 3 cấp chính quyền trong tỉnh, đòi hỏi mỗi cơ quan, tổ chức phải có sự thay đổi và nhất là sự “dám làm” của người đứng đầu. Theo đó, mỗi người dân đòi hỏi thay đổi về kỹ năng số, thói quen và văn hóa sống trong môi trường số. Đối với mỗi doanh nghiệp, là hoàn thiện môi trường pháp lý, triển khai các giải pháp công nghệ số, dám làm những việc hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ. Vấn đề cuối cùng đòi hỏi để thực hiện đổi số hiệu quả, vững bền chính là an toàn, an ninh mạng để không bị xâm nhập bất hợp pháp, lộ lọt dữ liệu, gián đoạn hoạt động và các vấn đề liên quan khác.
Từ năm 2016-2020, toàn tỉnh công bố 6.217 thủ tục hành chính và được cập nhật, tích hợp, công khai lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Số thủ tục hành chính công bố rất lớn nhưng mới có 571 thủ tục hành chính dịch vụ công được cung cấp mức độ 3, mức độ 4.