Chủ động bắt nhịp chuyển đổi số
Công ty Điện lực Thái Nguyên là đơn vị sớm đưa công nghệ số vào quản lý, điều hành lưới điện. Trong ảnh: Trung tâm Điều khiển lưới điện từ xa của Công ty (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021). Ảnh: T.L |
Nghị quyết chuyên đề đầu tiên được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX ban hành là Nghị quyết số 01/NQ-TU về Chương trình chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 01/NQ-TU) đã thể hiện quyết tâm chính trị của tỉnh trong việc chủ động bắt nhịp với quá trình CĐS. Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã nhanh chóng triển khai học tập, xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết nhằm từng bước xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Tham dự Hội nghị trực tuyến được Huyện ủy Phú Bình tổ chức ngày 11-5 để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại điểm cầu xã Bàn Đạt, chúng tôi nhận thấy cuộc họp diễn ra rất suôn sẻ. Thông qua họp trực tuyến, các nội dung được triển khai đầy đủ, kịp thời, lãnh đạo huyện nắm bắt thông tin ở cơ sở và có chỉ đạo tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc. Kết thúc Hội nghị, ông Hoàng Ngọc Thanh, Chủ tịch UBND xã Bàn Đạt tâm đắc: Họp trực tuyến rất hiệu quả. Nếu như trước đây, chúng tôi phải đi 15km từ xã Bàn Đạt đến UBND huyện, thì nay đã tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí đi lại. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, họp trực tuyến là giải pháp phòng, chống dịch rất tốt. Thêm đó, khi họp trực tuyến, thành phần ở xã được mở rộng nên giảm được khâu truyền đạt lại.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Dương Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình khẳng định: Việc đầu tư lắp đặt 22 phòng họp trực tuyến ở 20 xã, thị trấn và trụ sở Huyện ủy, UBND huyện nằm trong chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-TU. Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo 13 phòng, ban và UBND các xã, thị trấn tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý các văn bản, hồ sơ trên môi trường mạng (trừ những công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước). Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về nội dung nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và nhân dân để chủ động tích cực, gương mẫu tham gia vào quá trình CĐS.
Thời gian qua, huyện Phú Bình đã phối hợp với Chi nhánh Viettel Thái Nguyên triển khai lắp đặt hệ thống phòng họp trực tuyến từ huyện đến 20 xã, thị trấn. Trong ảnh: Lắp đặt phòng họp trực tuyến tại trụ sở UBND xã Xuân Phương.
Cùng với huyện Phú Bình, T.X Phổ Yên là đảng bộ cấp huyện ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-TU sớm nhất trong toàn tỉnh. Trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, Thị ủy Phổ Yên đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, phòng, ban và phân kỳ ưu tiên các lĩnh vực thực hiện trước. Đơn cử như việc xây dựng đô thị thông minh, Thị ủy đã giao Phòng Quản lý đô thị phối hợp với Công an Thị xã xây dựng đề án triển khai hệ thống giám sát giao thông thông minh đô thị. Théo kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2025, có 50% tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ đi qua địa bàn và các khu dân cư được lắp đặt camera giám sát giao thông. Hoặc trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, tập trung xây dựng dữ liệu quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bản đồ số, các cụm, khu công nghiệp lên môi trường mạng.
Sau 5 tháng triển khai, việc thực hiện CĐS trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên cả 3 trục: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, UBND tỉnh đã công bố 1.231 thủ tục hành chính thực hiện mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Trong nhiều hội nghị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức họp không giấy tờ, tài liệu phục vụ được chuyển đến các đại biểu qua phần mềm quản lý trên hệ thống máy tính. Hệ thống Quản lý văn bản đi - đến và điều hành của tỉnh được quan tâm vận hành tốt. Dự ước trong quý I, hệ thống gửi/nhận trên 38.000 văn bản (ước tính tiết kiệm được khoảng 1,5 tỷ đồng chi phí gửi/nhận văn bản và khoảng 3 triệu giờ/quý).
Bên cạnh đó, tỉnh đang thực hiện thí điểm Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tại trụ sở UBND tỉnh. Đến nay, Trung tâm IOC đã hoàn thành 10/11 hạng mục. Trong phát triển kinh tế số cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Tiêu biểu như ngành Công thương đã triển khai giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử qua sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Hiện có 970 doanh nghiệp tham gia với trên 2.000 sản phẩm, trong đó hơn 1.000 sản phẩm được bán trực tuyến. Tại website chè tích hợp truy xuất nguồn gốc, có trên 50 doanh nghiệp, đơn vị tham gia với trên 1.000 sản phẩm được bán trực tuyến, thanh toán theo hình thức COD và hỗ trợ cấp mã QR miễn phí.
Đối với phát triển xã hội số, ngành Giáo dục và Đào tạo tích cực triển khai đào tạo trực tuyến, xây dựng kho dữ liệu ngành. Đến nay, 100% cơ sở giáo dục có đường truyền internet, hạ tầng mạng LAN, phòng máy vi tính đảm bảo tối thiểu hạ tầng CNTT, các đơn vị, nhà trường thực hiện khai thác ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, dạy và học, triển khai phần mềm soạn giảng giáo án điện tử...
Đối với ngành Y tế, triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin đến 178 trạm y tế, số hóa các hoạt động chuyên môn trong quản lý và khai thác dữ liệu của các trạm y tế; triển khai phần mềm kết nối liên thông quản lý các cơ sở bán lẻ thuốc và kết nối dữ liệu với hệ thống “Cơ sở dữ liệu dược Quốc gia”…
Kết quả bước đầu đã cho thấy quyết tâm chính trị rất cao của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tỉnh và các cấp trong việc thúc đẩy mạnh mẽ quá trình CĐS. Mặc dù còn nhiều việc phải làm, song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp, ngành, địa phương và sự tham gia của toàn dân sẽ là yếu tố bảo đảm sự thành công của công cuộc CĐS trên địa bàn tỉnh.