Để mỗi người là một công dân số
Thành viên TCNSCĐ xã Xuân Phương hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng số trên điện thoại thông minh. |
Nhằm giúp người dân tiếp cận, khai thác và sử dụng thành thạo các ứng dụng: C-ThaiNguyen, Thái Nguyên ID, VssID (bảo hiểm điện tử); sổ sức khỏe điện tử, sổ tay đảng viên điện tử… trên điện thoại thông minh, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, huyện Phú Bình đã thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng (TCNSCĐ). Các tổ này có nhiệm vụ hướng dẫn bà con nhân dân cài đặt và sử dụng các ứng dụng số phục vụ đời sống xã hội. Qua đó, từng bước nhân rộng các ứng dụng công nghệ số đến mỗi người dân trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Trang, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Phú Bình, cho biết: Sau khi nhận được kế hoạch của UBND tỉnh, các văn bản hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện thành lập các TCNSCĐ tại các xóm, tổ dân phố; lập nhóm Zalo của huyện để chỉ đạo, triển khai nghiệp vụ cho các tổ; hướng dẫn các xã, thị trấn thành lập nhóm Zalo để chỉ đạo TCNSCĐ hướng dẫn người dân tham gia chuyển đổi số. Đồng thời, đơn vị phối hợp với cán bộ kỹ thuật ở các đơn vị viễn thông như Viettel, VNPT, các bưu điện trên địa bàn hỗ trợ tổ công nghệ số các xã, thị trấn về nghiệp vụ và tài liệu tuyên truyền…
Tính đến thời điểm này, 20/20 xã, thị trấn của huyện Phú Bình đã thành lập được 276 TCNSCĐ với trên 1.800 thành viên, ở 100% xóm, tổ dân phố. Các tổ có từ 4-7 thành viên do trưởng xóm, tổ trưởng tổ dân phố làm tổ trưởng; các thành viên còn lại gồm hội viên hội phụ nữ, hội nông dân, đoàn viên thanh niên. Đặc biệt, mỗi TCNSCĐ đều có cộng tác viên hoặc thành viên là hạt nhân nòng cốt, am hiểu sâu, thành thạo khi cài đặt, sử dụng các ứng dụng tiện ích trên thiết bị điện thoại thông minh, để xử lý nhanh và hỗ trợ các tình huống thực tế tại khu dân cư.
Ông Nguyễn Văn Nhàn, Trưởng xóm Hin, xã Xuân Phương, cho hay: Xóm hiện có 129 hộ dân, trong đó tỷ lệ người sử dụng điện thoại thông minh chiếm tới 80%. Thực hiện công tác chuyển đổi số, TCNSCĐ xóm đã tích cực tuyên truyền về nội dung này đến các hộ dân; tranh thủ các buổi tối, ngày thứ Bảy, Chủ nhật, khi người dân ở nhà để đến cài đặt, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng số trên điện thoại thông minh. Phần lớn bà con sau khi được cài đặt, hướng dẫn đều đã biết cách khai thác thông tin qua các ứng dụng.
Người dân sử dụng ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử để quét mã QR khi đến làm việc tại UBND xã Lương Phú (Phú Bình) trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: T.L
Chia sẻ về những tiện ích của các ứng dụng số, ông Nguyễn Quang Xuân, người dân xóm Tân Sơn 9, xã Xuân Phương bày tỏ: Vừa qua, tôi được TCNSCĐ của xóm hỗ trợ cài đặt thêm ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, C-ThaiNguyen, Sổ bảo hiểm xã hội điện tử…, đồng thời hướng dẫn cách sử dụng, tra cứu thông tin. Tôi thấy những ứng dụng này rất hữu ích. Chẳng hạn, khi truy cập vào ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, tôi có thể quản lý thông tin sức khỏe của bản thân; khi đi khám bệnh không cần phải mang nhiều loại giấy tờ như trước đây. Hay với ứng dụng C-ThaiNguyen, tôi biết thêm về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đóng góp ý kiến của mình tới các cấp chính quyền…
Theo thống kê, huyện Phú Bình hiện có 101.475/161.624 người dân sử dụng thiết bị điện thoại thông minh (chiếm gần 63%). Địa phương phấn đấu đến cuối tháng 6-2022, các TCNSCĐ sẽ hoàn thành việc cài đặt Sổ sức khỏe điện tử cho người dân. Thời gian tới, huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn tiếp tục theo dõi, chỉ đạo các TCNSCĐ hoàn thành nhiệm vụ; trên cơ sở định hướng thực hiện các nền tảng công nghệ số chung của địa phương. Đồng thời, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, các xã, thị trấn để lựa chọn, giao chỉ tiêu cụ thể hằng tháng về từng nội dung cho các TCNSCĐ để triển khai thực hiện; báo cáo kết quả cài đặt, sử dụng các nền tảng số theo chỉ tiêu đã đăng ký về UBND huyện…
Từ thực tế hoạt động có thể thấy, các TCNSCĐ ở cơ sở chính là "cầu nối" giữa chính quyền địa phương với người dân để thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số; là lực lượng trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số được đánh giá và lựa chọn…, giúp người dân tiếp cận với công nghệ một cách tự nhiên, qua đó tạo ra những giá trị thiết thực cho cuộc sống.